21/07/2023 - 20:39

Cần cơ chế đồng bộ để bứt phá trong đổi mới sáng tạo 

GIA BẢO

Việt Nam nằm trong số ít quốc gia thu nhập trung bình thấp được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) ghi nhận có tốc độ bắt kịp về đổi mới sáng tạo nhanh nhất. WIPO xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam trong tốp 50 dẫn đầu thế giới. Trong bối cảnh hiện nay, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng để chuyển đổi số quốc gia, nhưng cần tạo ra các động lực mới, nhất là động lực dành cho khu vực doanh nghiệp (DN) - lực lượng nòng cốt trong đổi mới sáng tạo.

Còn nhiều rào cản

Quét QR truy xuất nguồn gốc được ứng dụng rộng rãi trên các sản phẩm nông nghiệp của vùng ĐBSCL. Ảnh: M.THANH

Quét QR truy xuất nguồn gốc được ứng dụng rộng rãi trên các sản phẩm nông nghiệp của vùng ĐBSCL. Ảnh: M.THANH

Năm 2022, Chỉ số sáng tạo đổi mới toàn cầu của Việt Nam xếp hạng 48/132 quốc gia, vùng lãnh thổ và xếp thứ 4 trong khu vực ASEAN, xếp thứ 2 trong các quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Chỉ số GII được đánh giá từ 84 tiêu chí dựa trên các trụ cột: thể chế kinh tế, nguồn nhân lực và năng lực nghiên cứu, kết cấu hạ tầng, sự tinh tế của thị trường và doanh nghiệp, sản phẩm tri thức và công nghệ, sản phẩm sáng tạo. Chiến lược phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam đến năm 2030 (Quyết định 569/QĐ-TTg ngày 11-5-2022 của Thủ tướng Chính phủ), Chỉ số GII của Việt Nam thuộc nhóm 40 quốc gia hàng đầu thế giới. Đến năm 2025, đầu tư cho khoa học và công nghệ đạt 1,2-1,5% GDP (trong đó tổng chi quốc gia cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 0,8-1% GDP); đến năm 2030, tỷ trọng này là 1,5-2% GDP. Đến năm 2030, tỷ lệ DN có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 40% trong tổng số DN…  

Trong bối cảnh khó khăn, để phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, năm 2023, Quốc hội đã dành nguồn lực bố trí cho ngành Khoa học và Công nghệ với tỷ lệ 0,64% GDP, nhưng các nghiên cứu và chuyển giao chưa đáp ứng nhu cầu, chưa bắt kịp xu hướng phát triển… Ngoài ra, nguồn lực (con người và tài chính), cơ chế chính sách, mức độ sẵn lòng của DN và người dân… đang là rào cản cho sự phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ở các tổ chức, DN.

Thống kê của ngành chức năng, hoạt động đổi mới sáng tạo diễn ra mạnh mẽ nhất ở khu vực DN. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam được hình thành và phát triển với khoảng 3.000 DN đổi mới sáng tạo. Nhiều DN ngày càng quan tâm, tập trung cho phát triển khoa học công nghệ, R&D (nghiên cứu và phát triển) để đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, trên thực tế, đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ trong DN còn nhiều khó khăn, thách thức. Đổi mới sáng tạo và áp dụng công nghệ phụ thuộc vào khả năng tiếp cận công nghệ, mạng lưới, con người, hàng hóa và dịch vụ lưu trữ tri thức khắp thế giới. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần thể chế hoàn thiện để thúc đẩy thị trường khoa học công nghệ, từ đó mới “kích” các hoạt động R&D, kết nối cung - cầu công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bao trùm.

Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB) về thước đo trình độ công nghệ của DN Việt Nam, nếu tính thang điểm từ 1 đến 5 thì DN tiên tiến của Việt Nam mới đạt mức 2,5 điểm. Những yếu tố cản trở hoạt động đổi mới sáng tạo trong DN chủ yếu là: tiếp cận tài chính (70%); quy định kinh doanh (65%); hợp tác trong hệ sinh thái (65%); tiếp cận lao động kỹ năng cao (45%); dịch vụ hỗ trợ công nghệ (39%); khả năng quản trị (38%); tiếp cận thị trường (37%); tiếp cận hạ tầng chất lượng (33%)… Thực tế, hơn 95% DN Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, vì vậy ứng dụng công nghệ trong DN còn thấp, hoạt động R&D đa số nằm trong khu vực DN lớn. Nền tảng chính cho đổi mới sáng tạo là các phát minh, sáng chế, nhưng Việt Nam chỉ nằm ở mức trung bình trong các quốc gia có cùng thu nhập. Các DN khởi nghiệp Việt Nam đa số là ứng dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật số, do ít đòi hỏi về nghiên cứu sâu, nghiên cứu cơ bản; còn với sáng tạo cái mới đòi hỏi nghiên cứu sâu, tốn thời gian và chi phí thì ít DN đầu tư.

Cần sự kết nối đồng bộ

Đánh giá của WB về các chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (STI) của Việt Nam cho thấy đã có sự quan tâm lớn hơn đến thúc đẩy đổi mới sáng tạo dựa trên nghiên cứu phát triển của nước ngoài và Chính phủ đang nỗ lực hỗ trợ các trường đại học và viện nghiên cứu để thúc đẩy các nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ nhằm hỗ trợ DN. Tuy nhiên, khảo sát 200 DN khởi nghiệp chỉ có 12% DN cho rằng ý tưởng phát triển dịch vụ bắt nguồn từ nghiên cứu của trường đại học, viện nghiên cứu. Một phần do các nghiên cứu này chưa giải quyết bài toán kinh tế, chưa sát nhu cầu DN; nguồn lực tài chính hạn chế nên việc đầu tư cho nghiên cứu và thương mại sản phẩm nghiên cứu chưa cao… Các chuyên gia WB khuyến cáo, Chính phủ cần cân bằng chính sách hỗ trợ R&D cho cả khu vực DN và các khu vực công (trường đại học, viện nghiên cứu…) để hỗ trợ một số lượng lớn hơn các DN tham gia vào việc từng bước đổi mới sản phẩm, nâng cấp quy trình và áp dụng các công nghệ hiện có. Có chính sách khuyến khích tiếp tục áp dụng công nghệ số trong từng DN để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

TS Trần Hữu Hiệp, Chuyên gia kinh tế, cho rằng, hiện nay thị trường khoa học công nghệ phát triển ở mức thấp; tiềm lực khoa học công nghệ ở các viện, trường và của các cơ quan, đơn vị, trung tâm khoa học công nghệ ở địa phương cũng còn hạn chế, nên chưa tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy hoạt động R&D. Bên cạnh đó, các DN, tổ chức kinh tế coi R&D là vấn đề quan trọng, nhưng mức độ thương mại hóa của các sản phẩm nghiên cứu và thị trường khoa học công nghệ chưa phát triển xứng tầm cũng là rào cản cho nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ. Để phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đòi hỏi phải đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn thiện, công tác quản lý nhà nước cũng phải ngang tầm. Các nghiên cứu khoa học công nghệ cần gắn với thế mạnh của DN vùng, mới có thể thương mại hóa thành công sản phẩm nghiên cứu. Đồng thời có chính sách hỗ trợ cho DN thực hiện R&D, nhất là DN nhỏ và vừa để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Có thể thấy rằng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng để chuyển đổi số quốc gia. Chương trình chuyển đổi số quốc gia Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các DN công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Trong 3 trụ cột chuyển đổi số, thì kinh tế số đạt nhiều kết quả khả quan. Ước tính sơ bộ tỷ trọng kinh tế số trong GDP trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 14,96% (kế hoạch đến năm 2025 là 20% GDP), tăng 21% so với cùng kỳ năm 2022. Báo cáo thường niên kinh tế số e-Conomy SEA do Google và Temasek nghiên cứu công bố tốc độ tăng trưởng kinh tế số Việt Nam năm 2022 là 28%, dẫn đầu trong các quốc gia Đông Nam Á. Năm 2022 có hơn 1.400 DN công nghệ số Việt Nam có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng gần 20% so với năm 2021…

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đến tháng 6-2023, có 29/63 địa phương ban hành Kế hoạch hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế và các mô hình thí điểm thanh toán số, y tế. Và 31/63 địa phương đã ban hành Kế hoạch hành động thúc đẩy DN nhỏ và vừa chuyển đổi số. Bộ Thông tin và Truyền thông đã phê duyệt Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng 35 nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số… Những quyết tâm này sẽ thúc đẩy nhanh chóng quá trình đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia.

- Chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa chuyển đổi số SMEdx: Số lượt DN tiếp cận, tham gia chương trình SMEdx là 849.291 DN (đạt 106,1% kế hoạch năm 2023). Số lượng DN sử dụng chương trình SMEdx khoảng 135.329 DN (đạt 112,7% kế hoạch năm 2023).

- Tính đến tháng 6-2023:

+ Tỷ lệ DN sử dụng hợp đồng điện tử là 50% (mục tiêu năm 2025 trên 80%).

+ Tỷ lệ DN nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số là 30,07% (mục tiêu 2025 trên 50%).

+ Nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động là 3,7% (mục tiêu 2025 trên 3%)...

Chia sẻ bài viết