14/09/2015 - 21:41

PHÁT TRIỂN CÁC KHU CÔNG NGHIỆP Ở TP CẦN THƠ

Cần cơ chế, chính sách đặc thù

Xây dựng và phát triển các khu công nghiệp (KCN) là điều kiện quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu đưa TP Cần Thơ cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020 theo Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17 - 2 - 2005 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để thực hiện mục tiêu này, đòi hỏi TP Cần Thơ cần có những quyết sách phù hợp thu hút đầu tư, phát triển các KCN một cách hiệu quả nhất, ngang tầm với yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của vùng. Chính vì thế, ngay từ bây giờ, các cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư vào các KCN cần được xem xét thực hiện.

Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, các KCN Cần Thơ ngày càng tỏ rõ vai trò đầu tàu, mang lại những đóng góp to lớn cho tiến trình phát triển công nghiệp của TP Cần Thơ nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL nói chung. Nếu như những năm đầu hoạt động, Cần Thơ chỉ có 1 KCN với diện tích 135ha thì nay thành phố đã có 8 KCN tập trung với 6 KCN đang hoạt động và 2 KCN đang lập quy hoạch chi tiết. Trong các KCN của TP Cần Thơ có 220 dự án còn hiệu lực (trong đó có 203 dự án đang hoạt động, 10 dự án đang xây dựng và 7 dự án chưa triển khai). Các dự án này thuê 296,706ha đất công nghiệp; tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,957 tỉ USD, vốn đầu tư đã thực hiện 866,156 triệu USD, chiếm 44,25% tổng vốn đăng ký. Đặc biệt có 21 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký 198,388 triệu USD, vốn đầu tư thực hiện trên 84% vốn đăng ký.

Một góc KCN Trà Nóc - KCN đầu tiên của TP Cần Thơ. Ảnh: T. Long

Để thực hiện mục tiêu xây dựng TP Cần Thơ trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020 và là một cực phát triển đóng vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của toàn vùng, đòi hỏi TP Cần Thơ cần có những quyết sách phù hợp để thu hút đầu tư, phát triển các KCN một cách hiệu quả nhất, ngang tầm với yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của vùng. Chính vì thế, ngay từ bây giờ, các cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư vào các KCN cần được xem xét thực hiện. Đó là: Cần giảm giá đất thô cho các đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN; đồng thời, tăng tỷ lệ diện tích đất xây dựng công nghiệp lên từ 70-75% (thay vì trung bình 65% như hiện nay). Như vậy, chi phí đầu tư để tạo ra một mét vuông đất sạch (đất đã có hạ tầng) sẽ giảm và giá cho thuê lại đất của các đơn vị kinh doanh hạ tầng sẽ giảm. Bởi đây là vấn đề chủ yếu mà nhà đầu tư xem xét khi có ý định đầu tư. Theo Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 1 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về thuế, TP Cần Thơ có duy nhất KCN Thốt Nốt được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp "Miễn thuế 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới". Vì vậy, cần tập trung công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư kết cấu hạ tầng KCN Thốt Nốt nhằm đón đầu thu hút nhà đầu tư vào đây khi cầu Vàm Cống được khánh thành.

Thành phố cũng cần kiến nghị Chính phủ, Bộ ngành Trung ương đưa KCN Cần Thơ vào địa bàn ưu đãi đầu tư, đồng thời giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN. Không nên xem những nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN như nhà đầu tư kinh doanh bất động sản. Để tạo môi trường đầu tư thông thoáng nhằm thu hút các doanh nghiệp đến với TP Cần Thơ làm ăn lâu dài, thành phố cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp (BQL các KCX- CN) Cần Thơ để các sở, ngành trong thành phố biết và phối hợp thực hiện nhiệm vụ được giao. Đồng thời, UBND thành phố nên tiếp tục ủy quyền cho BQL các KCX- CN Cần Thơ thực hiện các nhiệm vụ đã được Chính phủ quy định tại Nghị định số 29/2008/NĐ-CP, ngày 14-3-2008, Nghị định số 164/2013/NĐ-CP, ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 - 3 -2008 của Chính phủ quy định về KCN, KCX và khu kinh tế, nhằm thực hiện tốt công tác cải cách hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ cơ bản của Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2015 của Chính phủ "Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, triển khai đồng bộ cơ chế một cửa, một cửa liên thông và tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp". BQL các KCX- CN Cần Thơ là cơ quan quản lý Nhà nước trong KCN và là cơ quan đầu mối giúp UBND thành phố thực hiện việc quản lý hoạt động của các KCN trên địa bàn. Nếu có vấn đề gì phát sinh trong KCN có liên quan đến các sở, ngành, BQL các KCX- CN Cần Thơ là cơ quan chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan để giải quyết. Có như thế sẽ hạn chế được những hệ quả của việc quản lý nhà nước chồng chéo, trùng lắp như hiện nay. Ngoài ra, ngân sách nên hỗ trợ từ 30- 50% cho những dự án đầu tư xây dựng nhà ở công nhân và đầu tư 100% cho các công trình phúc lợi công cộng trong KCN, như: trường học, nhà trẻ, khu vui chơi giải trí... nhằm đáp ứng nhu cầu thụ hưởng về mặt tinh thần cho công nhân lao động trong các KCN.

Mục tiêu phát triển các KCN là nhằm góp phần thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đẩy mạnh xuất khẩu, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân và là điều kiện để Cần Thơ trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020. Do đó, ngoài việc sử dụng hiệu quả nguồn nội lực của địa phương, TP Cần Thơ nên có những cơ chế đặc thù trong đầu tư, xây dựng và phát triển chung, tạo dấu ấn riêng trên chặng đường phát triển.

Nguyễn Thị Kiều Duyên
(Phó Trưởng Ban Quản lý các khu Chế xuất
và Công nghiệp Cần Thơ)

Chia sẻ bài viết