15/08/2018 - 16:17

Cân bằng giữa áp lực công việc và kiểm soát bệnh tiểu đường 

Ngoài các yếu tố nguy cơ như bệnh sử gia đình, béo phì và lão hóa, Tiến sĩ Roshani Gadge - một chuyên gia về tiểu đường tại Mumbai (Ấn Độ) - cho biết căng thẳng tinh thần (stress) do công việc hiện được xem là một lý do khiến nhiều người không thể kiểm soát bệnh tiểu đường hoặc nguy cơ mắc bệnh này. 

Tăng ca vào ban đêm và ăn uống qua loa rất hại cho bệnh nhân tiểu đường. Ảnh: StartupSuccess

Theo Tiến sĩ Roshani, stress do công việc khiến việc kiểm soát nồng độ đường trong máu trở nên khó khăn hơn, kể cả những bệnh nhân tiểu đường đang dùng thuốc. “Một trong những nguyên nhân là các hoóc-môn gây stress, chẳng hạn như cortisol, làm tăng lượng đường trong máu” - ông giải thích. Vì vậy, chuyên gia Roshani giúp chỉ ra những khía cạnh mà stress do công việc ảnh hưởng đến chỉ số đường huyết và cách khắc phục chúng.

* Thời gian ăn uống thất thường. Do cạnh tranh hoặc áp lực công việc, đa số dân văn phòng thường lơ là sức khỏe bản thân, bao gồm thường xuyên bỏ bữa hoặc ăn không đúng giờ, nhằm đảm bảo thời hạn hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, điều này khiến nồng độ đường trong máu của họ bị biến động và dễ rơi vào tình trạng ăn uống quá mức tại bàn làm việc. Thời gian ăn uống thất thường còn khiến họ dễ thèm ăn những thực phẩm chế biến sẵn vốn chứa hàm lượng cao đường và chất béo không tốt.

Khắc phục: Bệnh nhân tiểu đường nên tuân theo quy tắc vàng là ăn uống đúng giờ, bởi đây là cách duy nhất để kiểm soát đường huyết hiệu quả. Nếu quá bận rộn để có thể ăn uống đúng giờ và lành mạnh, hãy luôn mang theo thức ăn vặt có lợi cho sức khỏe bên mình (như trái cây, quả hạt khô). Điều này giúp điều chỉnh đường huyết và ngăn chặn nguy cơ ăn uống quá mức, làm tăng đường huyết.

* Làm việc ca đêm. Làm việc ban đêm hoặc luân phiên làm ca đêm có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa và béo phì – những yếu tố có liên quan chặt chẽ đến bệnh tiểu đường típ 2. Lý do những người làm việc ca đêm dễ mắc các bệnh do lối sống là vì thời gian ngủ của họ bị đảo lộn. Trong khi đó, thiếu ngủ và ngủ không ngon giấc – những hậu quả thường thấy của làm việc theo ca - là những yếu tố nguy cơ độc lập dẫn tới phát triển và làm trầm trọng thêm tình trạng kháng insulin gây bệnh tiểu đường típ 2.

Khắc phục: Nếu bắt buộc phải đổi ca luân phiên hoặc làm ban đêm, hãy đảm bảo ngủ thẳng giấc ít nhất 8 tiếng để cung cấp đủ thời gian nghỉ ngơi và hồi sức cho cơ thể.

* Lo lắng và stress. Các công việc nhiều áp lực thường gắn liền với các mục tiêu, thành tích, tăng ca vào ban đêm, làm tăng thêm mức độ stress. Không chỉ vậy, nó còn dẫn đến thói quen ăn uống kém lành mạnh như bỏ bữa, ăn quá mức, tiêu thụ nhiều cà phê và thức uống kích thích khác, hút thuốc… Những điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh do lối sống, trong khi bệnh nhân tiểu đường thì dễ tăng đường huyết đến mức nguy hiểm.

Khắc phục: Học cách giảm stress như tập hít thở sâu, thiền, yoga. Bất kỳ hoạt động giảm stress nào mà bạn tham gia cũng sẽ làm tăng năng suất làm việc tổng thể, tăng mức độ hạnh phúc đồng thời giảm nồng độ cortisol – tất cả đều có tác động tích cực đến lượng đường trong máu.

AN NHIÊN (Theo Healthsite)

Chia sẻ bài viết