19/12/2009 - 20:10

ĐỌC “CỌP TRẮNG”:

Cảm nhận bi kịch của người nghèo ở Ấn Độ

“Cọp trắng” (Công ty Sách Dân Trí và NXB Trẻ ấn hành quý 4/2009) là tiểu thuyết đầu tay của nhà văn trẻ người Ấn Độ Aravind Adiga, đoạt giải thưởng văn học Man Booker 2008 (tiểu thuyết hay nhất được viết bằng tiếng Anh, tác giả là công dân quốc gia thuộc khối thịnh vượng chung của Anh hay công dân Cộng hòa Ireland). Thông qua số phận của một chàng trai nghèo bất chấp thủ đoạn vươn lên thành một doanh nhân thành đạt, “Cọp trắng” phơi bày mặt trái của xã hội Ấn Độ đương đại...

Aravind Adiga sinh năm 1974 tại Ấn Độ, từng sống ở nhiều nước như Australia, Anh và Mỹ, tốt nghiệp Đại học Columbia và Oxford, là cựu phóng viên tạp chí Time và cộng tác cho một số tờ báo nổi tiếng. Với vốn sống phong phú và ngòi bút châm biếm sắc sảo, anh đã viết nên “Cọp trắng”, một tác phẩm mang tính chất phê phán hiện thực cao.

“Cọp trắng” được trình bày dưới dạng một bức thư được viết trong 7 ngày, 7 đêm của doanh nhân Ấn Độ Balram Halwai gửi cho Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, nhân dịp thủ tướng đến thăm Ấn Độ và muốn tìm hiểu quá trình lập nghiệp của những doanh nhân thành đạt.

Đọc “Cọp trắng”, cứ ngỡ tác giả đang nói về một xã hội cách đây mấy trăm năm. Một xã hội mà sự phân chia và bóc lột giai cấp công khai chia đất nước Ấn Độ làm hai thế giới rõ rệt là “Bóng tối” và “Ánh sáng”. Thế giới “Bóng tối” dành cho những người dân nghèo, những kẻ cùng đinh, luôn bị hà hiếp, bóc lột, còn thế giới “Ánh sáng” dành cho tầng lớp địa chủ, thương nhân giàu có và những chính trị gia.

Balram Halwai- nhân vật chính của câu chuyện- xuất thân từ “Bóng tối” nhưng không cam tâm làm đầy tớ suốt đời để rồi chết một cách khốn khổ như bố mình. Bằng mọi cách, Balram thoát khỏi thân phận đầy tớ ở thế giới “Bóng tối” để trở thành một ông chủ ở thế giới “Ánh sáng”.

Balram mồ côi mẹ từ nhỏ, là con trai của người phu xe ở một làng quê nghèo. Như nhiều đứa trẻ nhà nghèo khác, cậu không được đặt tên mà chỉ được gọi chung là Munna (nghĩa là con trai). Đến khi đi học, cậu mới được thầy giáo đặt cho cái tên Balram. Thông minh và học giỏi nhất lớp, Balram được một thanh tra giáo dục đặt biệt danh là “Cọp trắng”- loài vật mà mỗi thế hệ chỉ có một con duy nhất. Giấc mơ tiến thân bằng con đường học vấn của Balram hoàn toàn bị dập tắt khi gia đình bắt cậu nghỉ học sớm để kiếm tiền bằng cách làm phục dịch, chạy bàn ở quán trà. Khi trưởng thành, Balram học lái xe và trở thành tài xế cho một ông chủ giàu có. Dù là một tài xế giỏi kiếm được khá nhiều tiền, là niềm tự hào của gia đình, dòng họ, Balram vẫn không thoát khỏi thân phận của một đầy tớ: làm bất cứ việc gì chủ yêu cầu mà không có quyền phản kháng, thậm chí nhận tội giết người thay cho chủ.

Lý giải điều này, Balram cho rằng: “Thứ vĩ đại nhất đến từ đất nước này trong mười nghìn năm lịch sử chính là chiếc Chuồng gà” (trang 197). Hệ thống giai cấp đã tạo nên một cái “Chuồng gà” vững chắc, giam hãm những kẻ đầy tớ khốn cùng và nếu ai không tuân thủ hoặc phản bội chủ mình thì đại gia đình của người ấy sẽ chịu trừng phạt: bị đốt nhà, chém giết, cưỡng hiếp... Cái “Chuồng gà” ấy là nguyên nhân khiến “Một nhúm người trong đất nước huấn luyện cho 99,9% người còn lại - những người khỏe mạnh, thông minh trên mọi phương diện tồn tại trong tình trạng nô lệ vĩnh viễn; một sự nô dịch kiên cố đến nỗi ngài có thể đặt chiếc chìa khóa giải thoát vào tay của một người và y sẽ ném trả lại ngài kèm một lời nguyền rủa” (trang 200). Cái “Chuồng gà” ấy đã khiến những tài xế như Balram không dám đụng đến những túi xách, va-li chứa đầy tiền hay kim cương của chủ khi nhận nhiệm vụ một mình vận chuyển những tài sản quí giá ấy, không phải họ trung thành mà vì họ sợ lòng tham của họ sẽ giết chết cả đại gia đình của mình.

Một sự kiện khiến Balram thay đổi, biến chất từ một đầy tớ trung thành trở thành kẻ máu lạnh cũng chính vì quy luật khắc nghiệt của “Chuồng gà”. Đó là khi bà chủ của anh say rượu lái xe tông chết người, Balram bị buộc phải nhận tội thay. Vụ án được cho “chìm xuồng” vì gia đình ông chủ anh lo lót, chạy chọt với cảnh sát và vì không có nhân chứng, không có người khởi kiện. Qua vụ này, Balram càng mong muốn thoát khỏi kiếp tôi đòi, trở thành người tự do và quyền lực. Thêm nữa, Balram càng bất mãn khi ông chủ của mình- một người sống từ nhỏ ở Mỹ, có tri thức và có chút lương tâm- phải bất lực trước xã hội do đồng tiền thống trị ở Ấn Độ, rồi cũng trở nên tha hóa, bạc nhược, cũng hối lộ cho các chính trị gia để công việc làm ăn được thuận lợi, để trốn thuế... Cho đến một ngày, gạt hết tình thân, trách nhiệm đối với gia đình, Balram nổi loạn: giết chết chủ mình, cướp một số tiền lớn và cao chạy xa bay.

Sự trớ trêu và lố bịch của cuộc đời lên đến đỉnh điểm khi Balram từ một tên sát nhân bị truy nã, trở thành một doanh nhân thành đạt, được cảnh sát đồng lõa, bảo vệ... chính vì anh ta biết cách đút lót, cậy nhờ cảnh sát và bất chấp thủ đoạn trong kinh doanh.

Anh ta hả hê với những gì mình có được, thản nhiên khoe khoang với Thủ tướng Ôn Gia Bảo cách mình vươn lên thoát khỏi “Chuồng gà” và giai cấp mình như một chiến tích oai hùng- chỉ có “Cọp trắng” Balram mới dám làm. Thế nhưng, Balram không nhận ra bi kịch của đời mình. Bi kịch của một kẻ thoát khỏi “Bóng tối” vươn đến “Ánh sáng” không phải bằng con đường hợp pháp mà bằng thủ đoạn thấp hèn, bằng cách đánh mất lương tâm của mình. Đó cũng là bi kịch chung của tầng lớp dân nghèo ở Ấn Độ: hoặc suốt đời cam chịu số phận nô dịch, hoặc phải dùng đến thủ đoạn, bản năng của dã thú để vươn lên. Một sự lựa chọn quá khắc nghiệt!

“Cọp trắng” không chỉ kể về số phận một con người mà còn là lời cảnh báo của tác giả Aravind Adiga: “Tôi ngày càng tin rằng hệ thống chủ- tớ, viên đá tảng của đời sống trung lưu ở Ấn Độ, đang lung lay, và sự đổ vỡ ấy sẽ dẫn đến nguy cơ gia tăng tội ác và sự thiếu ổn định. Tiểu thuyết này là chân dung một xã hội bên bờ vực của bất ổn”.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết