14/03/2008 - 21:50

Lập lại nếp sống văn minh đô thị tại quận Ninh Kiều

Cấm bán vé số dạo, được không ?

Từ giữa năm 2007, UBND TP Cần Thơ đã chỉ đạo UBND quận Ninh Kiều thực hiện thí điểm cấm bán vé số dạo trên một số tuyến đường và tại các địa danh văn hóa – lịch sử, nhằm bổ sung vào các hoạt động lập lại nếp sống văn minh đô thị đang được triển khai mạnh tại quận. Tuy nhiên, đến nay chủ trương cấm bán vé số dạo vẫn chưa thực hiện được. Vì sao?

Một chủ trương được người dân đồng tình, nhưng...

Theo chỉ đạo của UBND TP Cần Thơ, từ cuối năm 2007 UBND quận Ninh Kiều đã có kế hoạch thí điểm cấm bán vé số dạo tại một số tuyến đường tập trung đông khách du lịch và người dân vãng lai tại phường Tân An, chủ yếu ở các tuyến Hai Bà Trưng, Phan Đình Phùng và một số tuyến đường nối từ Bến Ninh Kiều đến đường Hòa Bình. Theo dự tính, bước đầu quận sẽ tập hợp những người thường xuyên hành nghề bán vé số dạo để tuyên truyền vận động họ ngừng bán dạo trên những khu vực nêu trên. Bước kế tiếp, quận sẽ bố trí cho những người bán vé số dạo được buôn bán cố định ở một số điểm do địa phương sắp xếp. Sau đó, sẽ áp dụng các biện pháp mạnh đối với những người tiếp tục bán vé số dạo ở khu vực cấm.

 Kiên nhẫn chào mời… Ảnh: TRUNG DÂN

Khi thông tin chủ trương này được đưa ra thăm dò, đã có nhiều luồng dư luận khác nhau. Anh Nguyễn Thành Vinh, ngụ tại phường An Hội, quận Ninh Kiều nói: “Tôi hoàn toàn ủng hộ cấm bán vé số dạo tại một số tuyến đường và địa danh văn hóa – lịch sử có nhiều du khách. Bởi vì mỗi khi tôi và gia đình đi dạo, ăn uống, mua sắm trên những tuyến đường này đều rất khó chịu khi những người bán vé số – hết người này đến người kia – liên tục “dí” cọc vé số vào mặt và năn nỉ mời mua rất dai dẳng. Cho dù tôi đã mua rồi, thì vẫn có người khác tiếp tục đến mời. Có lúc tôi cảm thấy xấu hổ khi đưa bạn từ xa đến tham quan quê mình”. Khá nhiều người có cùng bức xúc với anh Thành Vinh. Một số người còn phản ứng gay gắt, như chị Trần Thị Mai, ngụ tại phường An Lạc: “Một số người bán vé số cứ nài nỉ, khều móc, thậm chí ấn đại cọc vé số lên tay khách như ép phải mua. Họ cứ đứng hoài không chịu đi dù khách đã từ chối nhiều lần”. Còn khá nhiều những hành vi thiếu văn hóa trong hoạt động bán vé số dạo đang gây phiền phức cho người dân trong thành phố và cả du khách, ảnh hưởng đến bộ mặt văn minh đô thị của TP Cần Thơ. Trên các tuyến đường tập trung đông khách du lịch như Hai Bà Trưng, Nguyễn Trãi, Ngô Quyền, Võ Văn Tần, Nguyễn Thái Học, Thủ Khoa Huân, Châu Văn Liêm, Hải Thượng Lãn Ông, Phan Đình Phùng, Hòa Bình... cũng là nơi có lượng người bán vé số dạo đông đảo. Cho nên cảnh mời, nài nỉ, ép mua vé số diễn ra khá thường xuyên, đến mức nhiều người coi đây là như một loại “tệ nạn” xã hội cần phải dẹp bỏ để giữ cho môi trường văn hóa – du lịch trong lành.

Chủ trương cấm bán vé số dạo – dù chỉ trên một số tuyến đường – cũng gây băn khoăn cho nhiều người. Bác Nguyễn Thành Trung, cán bộ hưu trí ngụ tại quận Ninh Kiều cho biết: “Phải thừa nhận những người bán vé số dạo cũng từng khiến tôi khá bực mình. Nhưng nếu cấm họ bán dạo ngay trên những tuyến đường tập trung đông người – cũng là những nơi dễ bán nhất – thì làm sao họ có thể mưu sinh? Xấp vé số bán dạo là nồi cơm, là cuộc sống của nhiều gia đình nghèo. Đã có những tấm gương người cha, người mẹ, người chị tảo tần bán vé số dạo nuôi con ăn học được báo chí đề cập. Cho nên tôi nghĩ cần thận trọng khi triển khai sự cấm đoán này”.

Rất nhiều người đồng tình với ý kiến của bác Trung. Đi vào thực tế, việc thí điểm cấm bán vé số dạo tại một số tuyến đường của TP Cần Thơ có khả thi không?

Vì sao không thực hiện được?

Ngay khâu xây dựng kế hoạch thí điểm cấm bán vé số dạo tại một số tuyến đường của quận Ninh Kiều cũng đã có vô vàn khó khăn phát sinh.

Đầu tiên, việc tập hợp những người bán vé số dạo để thăm dò về chủ trương cấm bán trên một số tuyến đường đã giúp các cấp các ngành liên quan nhận ra ý tưởng “quản lý” những người mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo là không có cơ sở thực tế. Bởi vì những người sống bằng nghề bán vé số dạo thuộc đủ mọi thành phần xã hội, không chịu sự quản lý về không gian hoạt động của bất cứ cá nhân hay tổ chức nào và đến từ nhiều địa phương khác nhau. Họ có thể là những cụ già tuổi cao sức yếu, người tàn tật, mất sức lao động, những người thất nghiệp hoặc không trình độ học vấn, những em thiếu nhi và cả sinh viên tranh thủ làm thêm ngoài giờ học để kiếm thêm tiền trang trải chi phí học hành... Ông Hồng Lễ Đắc, Trưởng Khu vực 3, phường Tân An nói: “Ngay cả số lượng người bán vé số dạo trên địa bàn chúng tôi còn không thể thống kê chính xác. Địa phương chỉ có thể nắm chắc những người cư ngụ tại khu vực mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo, còn những người từ nơi khác đến đây mưu sinh thì không sao biết hết được. Ngay cả số lượng còn khó nắm bắt, thì làm sao có thể triển khai các biện pháp tuyên truyền giáo dục hay ngăn cản họ mưu sinh?”.

Ngay như những người có trách nhiệm của các cấp các ngành liên quan cũng rất băn khoăn: Liệu việc ngăn cấm này có thấu tình đạt lý không? Bởi vì, việc mưu sinh của không ít người nghèo bằng nghề bán vé số dạo không hề phạm pháp. Vé số là sản phẩm do chính Nhà nước phát hành. Những người bán vé số dạo chỉ là kênh phân phối nhỏ nhất, trực tiếp nhất đến với người mua. Việc mua bán của họ cũng không lấn chiếm lòng lề đường, không nguy hiểm cho người đi đường, không ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, không gây ô nhiễm tiếng ồn. Có thể khẳng định rằng những người bán vé số dạo mưu sinh bằng chính những bước chân mòn mỏi của mình trên những quãng đường rất dài, kiên nhẫn và đôi lúc chịu sự miệt thị của người khác để mời những người họ gặp mua vài tấm vé số, nhiều em bé còn bỏ thời gian đấm lưng và nịnh nọt khách hàng chỉ để bán một – hai tờ vé số. Mỗi ngày họ chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng về trang trải cuộc sống. Phải thừa nhận, trong những người sống bằng bán vé số dạo tại TP Cần Thơ gần như chưa phát sinh tệ nạn xã hội nào đáng kể. Nếu họ có làm phiền người khác, thì chỉ do sự phát triển ngày càng đông đảo của những người mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo với cách chào mời, chèo kéo ảnh hưởng nhất định đến bộ mặt văn minh đô thị, phiền nhiễu khách... gây ra ấn tượng xấu, thậm chí phản cảm về nghề này.

Bán vé số dạo – một nguồn sống chính của không ít người tàn tật.  

Từ những khó khăn trong quá trình xây dựng kế hoạch và ý kiến của nhân dân, UBND quận Ninh Kiều đã cân nhắc kỹ và báo cáo về UBND TP những vướng mắc trên. Bà Phan Thị Minh Thu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Ninh Kiều cho biết: “Đa số những người hành nghề bán vé số dạo tại khu vực Bến Ninh Kiều và các tuyến đường lân cận đều là người dân nghèo đến từ nhiều địa phương. Cho nên, nếu muốn cấm họ bán dạo thì đầu tiên phải tuyên truyền cho họ biết chủ trương của thành phố và vận động người dân tự nguyện không buôn bán ở đây. Tiếp theo phải tính đến những chuyện như tạo lập nơi để họ đặt bàn, sạp bán cố định. Mà những việc này đều quá tầm tay của quận vì trên những tuyến đường quanh Bến Ninh Kiều không còn địa điểm thích hợp để tổ chức bán vé số, nếu cho họ đặt bàn trên vỉa hè thì lại vi phạm các quy định về trật tự đô thị. Nếu quận chỉ biết thẳng tay cấm mà không tính đến các vấn đề về cuộc sống của người bán vé số dạo và những tác động xã hội khác, thì không phù hợp với tinh thần nhân văn của Đảng, Chính quyền và sự chỉ đạo của thành phố”.

Chúng tôi cho rằng sự thận trọng và cân nhắc kỹ của quận Ninh Kiều là đúng trong điều kiện kinh tế – xã hội hiện tại của TP Cần Thơ.

Tìm một giải pháp khả thi...

Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Đảng ủy phường An Cư, quận Ninh Kiều đề xuất: “Theo tôi, việc cấm bán vé số dạo rất khó thực hiện, dù chỉ trên một số tuyến đường ngắn và vài địa điểm, bởi việc này sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của những người nghèo và gây khó khăn cho công tác quản lý đô thị. Tôi đề nghị thành phố và quận phối hợp với các đại lý vé số tuyên truyền, vận động, thậm chí tập huấn những người bán vé số dạo cách mời khách mua vé số sao cho văn minh, lịch sự, tránh gây phiền hà cho khách. Nếu muốn giúp hình ảnh những người bán vé số dạo đẹp hơn, có thể vận động các đại lý trang bị đồng phục cho những người bán vé số dạo. Tôi tin rằng các đại lý – vốn là nơi nắm rõ lực lượng bán vé số dạo – sẽ hợp tác tốt với quận để việc buôn bán của họ thuận lợi, đồng thời giúp bộ mặt văn minh đô thị của thành phố được cải thiện”.

UBND quận Ninh Kiều đã triển khai việc kết hợp với các đại lý vé số vận động, tuyên truyền những người bán dạo điều chỉnh những thói quen chưa tốt trong việc mời khách và mua bán. Đặc biệt là trong Tuần lễ khai mạc “Năm du lịch quốc gia Mekong Cần thơ 2008” vừa diễn ra cuối tháng 2-2008 vừa qua, lãnh đạo quận Ninh Kiều và phường Tân An đã phối hợp với các đại lý trong việc này và bước đầu thu được các kết quả khá khả quan trong lập lại nếp sống văn minh trên địa bàn. Bà Phan Thị Minh Thu, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều nói thêm: “Chúng tôi đã bớt nghe phàn nàn về cách chào mời của những người bán vé số dạo gây phiền nhiễu du khách. Quận sẽ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp vận động, tuyên truyền những người sinh sống bằng nghề bán vé số dạo thể hiện nếp văn minh, lịch sự trong mua bán. Trước mắt, chúng tôi tập trung vào những người bán dạo và các đại lý trên địa bàn. Còn ngoài địa bàn thì sẽ vận động trong khả năng có thể, bởi đã ngoài tầm tay của quận”.

Việc thí điểm cấm bán vé số dạo tại quận Ninh Kiều là một chủ trương đã không thể đi vào thực tế cuộc sống. Nhưng từ những kinh nghiệm và cách làm hay của quận Ninh Kiều để chấn chỉnh việc bán vé số dạo, góp phần đem lại sự văn minh lịch sự cho đô thị, có thể thấy rằng một chủ trương cần được triển khai thực hiện thận trọng, hợp lý và có cân nhắc từ nhiều khía cạnh mới có thể phát huy tác dụng.

XUÂN VIÊN

Chia sẻ bài viết