13/09/2010 - 20:49

Khoa Công nghệ thông tin và truyền thông, Trường Đại học Cần Thơ

Cải tiến chương trình đào tạo, giúp sinh viên thích ứng quá trình hội nhập

Trong thời đại công nghệ thông tin là chìa khóa của sự phát triển, đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Hiện nay, tại ĐBSCL, Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Cần Thơ, là một trong những đơn vị đào tạo trọng điểm trong lĩnh vực công nghệ thông tin. 20 năm qua, khoa đã được quan tâm đầu tư để nâng cao năng lực đào tạo và bước phát triển này đang được nối tiếp nhằm đáp ứng yêu cầu xã hội...

* 20 năm phát triển

Trước nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện tử- tin học cho khu vực ĐBSCL, năm 1990, Trung tâm Điện tử- Tin học, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) được thành lập. Đến năm 1994, trung tâm được nâng cấp thành Khoa Công nghệ thông tin. Thời gian đầu, khoa chỉ đào tạo bậc đại học đối với 2 ngành: Điện tử, Tin học và cao đẳng Tin học, với khoảng 400 sinh viên. Phục vụ cho thí nghiệm, thực hành chủ yếu là những thiết bị tự tạo của ngành Điện tử. Năm 2000, Khoa Công nghệ thông tin được Dự án Giáo dục Đại học mức B của Ngân hàng Thế giới đầu tư về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, thư viện, giáo trình và tài liệu. Từ năm 2006, Khoa Công nghệ thông tin được đổi tên thành Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT&TT).

Giờ thực hành tin học của sinh viên Khoa CNTT & TT,
Trường ĐHCT. 

Xác định vai trò quan trọng của việc đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực CNTT&TT cho ĐBSCL, dự án “Nâng cao chất lượng đào tạo đại học và sau đại học về CNTT của Trường ĐHCT” được Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai từ năm 2005 đến năm 2007 với tổng kinh phí hơn 14 tỉ đồng, chủ yếu đầu tư cho Khoa CNTT&TT. Nhờ được quan tâm đầu tư, từ năm 2006, Khoa CNTT được đổi tên thành Khoa CNTT&TT và hiện nay là một trong những khoa có cơ sở vật chất hiện đại của Trường ĐHCT với hàng chục phòng thí nghiệm điện tử, phòng máy tính...

Thực tế cho thấy khoảng 5 năm trở lại đây, nhu cầu đối với việc đào tạo ngành CNTT ngày một lớn. Theo thống kê của Phòng Đào tạo, Trường ĐHCT, từ năm 2007 đến năm 2010, điểm chuẩn của ngành CNTT luôn ở mức khá cao, từ 14 đến 18,5 điểm. Riêng năm 2010, điểm chuẩn nguyện vọng 1 của ngành CNTT (gồm các chuyên ngành Hệ thống thông tin, Kỹ thuật phần mềm, Mạng máy tính và Truyền thông, Khoa học máy tính) là 14 điểm. Theo ông Nguyễn Hồng Vân, Phó Trưởng khoa CNTT&TT, cùng với sự phát triển kinh tế- xã hội, CNTT ngày càng phát triển. Ở ĐBSCL, nguồn nhân lực cho lĩnh vực này còn thiếu trầm trọng, nhất là đội ngũ có trình độ, tay nghề cao.

So với những năm đầu mới thành lập, hiện nay, qui mô đào tạo của Khoa CNTT&TT tăng gấp hơn 20 lần. Ngoài các ngành đào tạo bậc đại học, khoa đã đào tạo thạc sĩ ngành Hệ thống thông tin. Hiện nay, khoa đang đào tạo hơn 2.600 sinh viên ĐH, học viên cao học ở 7 chuyên ngành. Đội ngũ cán bộ của khoa tăng về số lượng, lẫn chất lượng. Từ 35 cán bộ, giảng viên, trong đó có 2 tiến sĩ, 7 thạc sĩ đến nay đã tăng lên 176 cán bộ, giảng viên, trong đó, có 52 giảng viên. Số giảng viên có trình độ sau đại học chiếm trên 80%.

* Tiếp tục đổi mới để nâng cao chất lượng

Có thể nói, 20 năm qua là quá trình Khoa CNTT&TT luôn nỗ lực mở rộng qui mô, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này cho ĐBSCL. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung, Khoa CNTT&TT vẫn cần tiếp tục cải tiến để đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội. Nhận xét về nguồn nhân lực tốt nghiệp từ Khoa CNTT&TT, Trường ĐHCT, nhiều doanh nghiệp đều cho rằng đội ngũ này vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ. Ông Trần Ngọc Cang, Phó Tổng giám đốc Công ty Renesas Việt Nam, TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Năm 2007, chúng tôi đã hợp tác với Trường ĐHCT để tìm nguồn nhân lực CNTT cho công ty nhưng ở thời điểm đó, nguồn nhân lực chất lượng cao ở Cần Thơ rất hiếm so với TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng, hiện nay, công ty có 37 cán bộ nhân viên xuất thân từ khoa CNTT&TT. Đội ngũ này có đủ năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu của công ty”.

Bên cạnh những ưu điểm, sinh viên Khoa CNTT&TT, Trường ĐHCT, vẫn còn một số mặt hạn chế. Ông Đinh Công Bằng, Giám đốc Công ty Sách Việt, cho rằng: “Năng lực chuyên môn của sinh viên Khoa CNTT&TT không thua kém với sinh viên của các trường ĐH khác nhưng các bạn vẫn còn thiếu những kỹ năng “mềm” như: kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ... Điều này, khiến các nhà tuyển dụng đánh giá không cao”. Còn theo ông Nguyễn Hoàng Việt, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Phần mềm, Trường ĐHCT, Trung tâm muốn phát triển công nghệ phần mềm ở ĐBSCL nhưng phần lớn sinh viên ĐHCT ra trường bị thu hút lên TP Hồ Chí Minh lập nghiệp.Vì thế, Trung tâm vừa đào tạo, vừa sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ. Ông Việt nhận xét: “Kiến thức của sinh viên ĐHCT rất vững; đặc biệt “chung thủy” với nghề, nắm bắt công nghệ mới khá nhanh. Nhưng, các em còn thiếu kỹ năng giao tiếp, vốn sống nên khi vào làm việc phải mất một thời gian để thích ứng. Tôi nghĩ, trường và các đơn vị sử dụng lao động nên “bắt tay” với nhau để khắc phục điểm yếu này”.

Hiện nay, chương trình đào tạo của Khoa CNTT&TT được xây dựng tương đối hoàn chỉnh, hình thức đào tạo đa dạng. Để nâng cao chất lượng đào tạo, Khoa tập trung áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực ở các chuyên ngành... Cụ thể, khoa đã triển khai phần mềm đào tạo trực tuyến- một trong 12 chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm của Trường ĐHCT; lập mạng “website học tập trực tuyến”... Thông qua diễn đàn và nguồn tư liệu trên website, sinh viên có thể nghiên cứu, tham khảo tài liệu, làm bài tập nhóm. Nhờ đó, tinh thần tự học, sự sáng tạo của sinh viên được nâng lên.

Theo ông Nguyễn Văn Linh, Phó Trưởng khoa CNTT&TT, trong thời gian tới, Khoa CNTT&TT tiếp tục tăng cường hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp trong khu vực ĐBSCL. Trên cơ sở mối quan hệ này, một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên của khoa thực tập; mặt khác đây cũng là kênh thông tin để Khoa CNTT&TT tiếp tục cải tiến chương trình, phương pháp đào tạo, qui mô đào tạo sát với nhu cầu thực tế. Sắp tới khoa sẽ thực hiện chuẩn đầu ra, với 11 tiêu chuẩn, trong đó chú trọng đào tạo kỹ năng mềm, giúp sinh viên thích ứng tốt hơn quá trình hội nhập với môi trường làm việc mới...

Bài, ảnh: Bích Kiên

Chia sẻ bài viết