05/03/2016 - 16:22

Cải lương gặp khó

Ngay từ buổi đầu hình thành, những thế hệ nghệ sĩ cải lương đầu tiên của Nam bộ đã xác định: "Cải cách hát ca theo tiến bộ. Lương truyền tuồng tích sánh văn minh". Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều loại hình giải trí mới du nhập hiện nay, việc làm sao để cải lương "theo tiến bộ" và "sánh văn minh" là điều không hề dễ. Thách thức về một sân khấu cải lương vừa truyền thống vừa hiện đại để thu hút khán giả đang là nỗi trăn trở của những người tâm huyết với ánh đèn sân khấu.

Khó trăm bề

Ở khu vực ĐBSCL- cái nôi của nghệ thuật cải lương hiện nay, có 10/13 tỉnh, thành có đội ngũ hoạt động cải lương trong các đoàn cải lương, đoàn văn công, đoàn nghệ thuật tổng hợp. Tuy nhiên, hoạt động của các đoàn chủ yếu đảm bảo hai mục tiêu là diễn phục vụ nhân dân theo chỉ tiêu của HĐND tỉnh, thành giao và tham gia hội thi, hội diễn. Cụ thể, mỗi năm các đoàn thường biểu diễn khoảng 50-70 suất (tùy theo địa phương) để phục vụ khán giả. Trong những buổi biểu diễn đó, các nghệ sĩ cải lương đôi khi "kiêm" cả múa, ca nhạc, hát bè… Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ tổ chức Cuộc thi Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 3 năm/lần nên hầu hết các đoàn cải lương của ĐBSCL 3 năm chỉ dựng 1 vở để… đi thi. Sau cuộc thi, đoàn biểu diễn phục vụ nhân dân một vài buổi rồi… xếp kho trong khi kinh phí đầu tư cho vở diễn không dưới bạc tỉ. Cũng bởi cách làm cải lương thụ động như vậy mà hiện nay, 100% đoàn cải lương ĐBSCL đều không thể diễn bán vé để có doanh thu. Nhiều buổi biểu diễn phục vụ miễn phí, bà con cũng không đến xem mà phải "huy động lực lượng" để lấp đầy hàng ghế khán giả.

Dự án "Sân khấu học đường" được triển khai tại một số tỉnh, thành Nam bộ được kỳ vọng sẽ tiếp sức giữ lửa cho cải lương.
Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Thới Lai diễn trích đoạn "Trần Quốc Toản ra quân".

Nguyên nhân chính được giới làm nghề đưa ra là cải lương hiện tại thiếu kịch bản hay để tạo cảm hứng cho đạo diễn, diễn viên và thu hút người xem đến rạp. Những soạn giả lừng lẫy một thời như Điêu Huyền, Viễn Châu, Yên Lang, Hà Triều- Hoa Phượng… dường như đã không có truyền nhân. Đơn cử cho việc thiếu kịch bản là trong Cuộc thi Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc vào cuối năm 2015 vừa qua, người ta bắt gặp vở "Bóng biển" của soạn giả Trọng Nguyễn được dựng 20 năm về trước; vở "Những đứa con của người cộng sản" của tác giả Thanh Huyền có tuổi đời trên 30 năm; hay những vở trên 1 thập kỷ như "Sống mãi với quê hương" của soạn giả Phi Hùng, "Cơn mê cuối cùng" của nhà văn Ngọc Linh… Các kịch bản mới không thu hút khán giả bởi sự cường điệu, mang nặng tính tuyên truyền, hô khẩu hiệu mà không có chiều sâu, điểm nhấn. Cách xử lý tình huống, kịch tính còn lỏng lẻo, nhiều sơ hở đó là chưa nói đến kỹ thuật về cấu tứ, tính trữ tình của âm nhạc, bài bản trong vở cải lương. Nhiều đoàn cải lương không đầu tư đội ngũ viết kịch bản, đạo diễn nên phải thuê mướn các đạo diễn, soạn giả từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội… khiến cho nhiều vở có phong cách na ná nhau, không thúc đẩy sự sáng tạo của lực lượng làm nghề trong các đoàn.

Một điều đáng ngại của cải lương là lực lượng nghệ sĩ kế thừa. Nhìn vào con số các cuộc thi cải lương, vọng cổ, những nghệ sĩ trẻ hoạt động ở các đoàn và nguồn từ các trường văn hóa, nghệ thuật, có vẻ khả quan nhưng thực chất, không có mấy người thành công. Nhiều soạn giả cho rằng, các nghệ sĩ trẻ không định hình được phong cách ca diễn mà cứ na ná, hát vừa đủ ngọt, diễn vừa đủ xem. Hơn nửa thế kỷ trước, chỉ cần nghe cách lấy hơi, xuống xề, vuốt nhịp, thậm chí là một làn hơi gió, khán giả đã có thể nhận ra đó là giọng ca Tấn Tài, Lệ Thủy, Bạch Tuyết, Thành Được… Điều đó có nghĩa, nghệ sĩ trẻ hiện nay thiếu bản lĩnh và chưa dám đột phá tìm nét riêng.

Loay hoay làm mới

Như đã nói, kịch bản cải lương hiện nay đang gặp khó nhưng hầu như rất ít các đoàn, đài truyền hình dám dựng lại vở cũ do ngại sự so sánh. Trong khi đó, nhiều kịch bản cải lương xưa hiện lại được các sân khấu kịch nói, thậm chí là nhà làm phim truyền hình chọn để "hóa kiếp". Điển hình là gần đây, sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh (TP Hồ Chí Minh) đã chuyển thể kịch nói hai vở cải lương nổi tiếng là "Lan và Điệp" và "Nửa đời hương phấn" rất thành công. Nghệ sĩ hài Minh Béo cũng cho biết, trong năm 2016, sân khấu kịch Sao Minh Béo của anh sẽ ra mắt vở kịch "Mưa rừng" được chuyển thể từ kịch bản cùng tên của soạn giả Hà Triều- Hoa Phượng và một số kịch bản khác như "Tướng cướp Bạch Hải Đường", "Tình mẫu tử"… "Với "Mưa rừng", Minh Béo đặc biệt đầu tư về cảnh trí và âm nhạc. Bên cạnh các nhạc phẩm nổi tiếng đã có trong cải lương, tôi còn đặt hàng sáng tác nhạc riêng cho phiên bản kịch"- Minh Béo thông tin. Nghịch lý "củ khoai nhà nghèo giúp nhà giàu no bụng" lại đang diễn ra trong sự loay hoay làm mới cải lương.

Gần đây, kiểu làm mới cải lương "hiện đại hóa" đang gây bức xúc trong giới mộ điệu. Sân khấu không còn là cánh màn nhung, bộ ván, bàn trà mà thay vào đó là màn hình led sáng chóe, thay đổi cảnh liên tục khiến khán giả phân tâm. Nhiều đoàn lạm dụng múa minh họa, vũ đạo lộn xộn, rối rắm như một vở kịch múa hơn là cải lương. Đặc biệt, việc đưa nhạc Tây, nhạc điện tử vào dàn nhạc cổ khiến khán giả hụt hẫng, mất cảm hứng khi xem vở diễn.

Công bằng mà nói, nhiều năm gần đây, các đài truyền hình khá nỗ lực trong gìn giữ cải lương bằng các cuộc thi, chương trình truyền hình thực tế. Sau "Chuông vàng vọng cổ" có "Tài tử tranh tài", "Hạt ngọc mùa vàng"… hay chêm xen vào các chương trình như "Gương mặt thân quen", "Thử thách người nổi tiếng"… Tuy nhiên, các chương trình chỉ dừng lại ở mức độ tôn vinh cải lương và khuyến khích mọi người tìm về loại hình nghệ thuật truyền thống bởi xem nghệ sĩ hài Thu Trang, Dương Lâm, Tấn Beo… diễn cải lương trong "Tài tử tranh tài" ai cũng đồng ý "chỉ cho vui" chứ không thể nói đó là cách để giữ sân khấu sáng đèn. Cải lương là loại hình sân khấu chuyên nghiệp, cần sự đầu tư và tập luyện dài hơi, nghiêm túc.

Để làm mới, thiết nghĩ, các nhà quản lý, những người làm nghề cần tạo không gian để nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo, làm nghề. Quan niệm giải thưởng, thành tích đã thui chột sự sáng tạo của các đoàn nghệ thuật thể hiện qua việc thuê mướn, "gửi gắm". Điển hình là Cuộc thi Sân khấu cải lương toàn quốc định kỳ 3 năm/lần dần mất thương hiệu bởi sự mập mờ trong điều lệ tổ chức. Cụ thể ở mùa giải 2015, hơn một nửa số vở dự thi là của lãnh đạo các nhà hát cải lương, trưởng các đoàn cải lương, lãnh đạo ngành, thành viên ban giám khảo, thành viên ban chỉ đạo cuộc thi. Hóa ra "ta tự chấm ta"? Hay trong 31 vở diễn của mùa giải 2015, có 2 soạn giả, người xuất hiện 8 lần, người xuất hiện 7 lần, với tư cách là tác giả sáng tác hay tác giả chuyển thể. Con số này khiến người mộ điệu thốt lên: "Như thế thì làm sao làm mới cải lương được?".

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết