24/04/2010 - 09:30

Cái khó chưa ló cái khôn

Ngoại trưởng 28 quốc gia thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa có cuộc họp 2 ngày (22 và 23-4) tại Thủ đô Tallinn của Estonia nhằm thảo luận những vấn đề hệ trọng và mang tính sống còn, chuẩn bị trình lên hội nghị thượng đỉnh của khối vào tháng 11-2010 ở Lisbon (Bồ Đào Nha). Và đúng như dự báo của Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen, không có quyết định nào được đưa ra tại hội nghị này.

Kết quả của hội nghị là sự thừa nhận rằng các nhà lãnh đạo ngoại giao của liên minh quân sự hùng mạnh nhất thế giới này chưa thể tìm ra giải pháp cho một loạt vấn đề đang đặt ra: phải lý giải vì sao NATO cần tồn tại; phát triển NATO thành liên minh quân sự toàn cầu; duy trì vũ khí hạt nhân của Mỹ tại châu Âu và mở rộng NATO mà vẫn cải thiện được quan hệ với Nga; chuyển giao quyền đảm bảo an ninh cho Chính phủ Afghanistan nhưng vai trò sen đầm của NATO không thay đổi.

Theo nhà phân tích Stephen Flanagan thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế, dù các nước thành viên chưa có cuộc thảo luận nghiêm túc nào về việc giải thể tổ chức này, nhưng nhiều câu hỏi đặt ra là sự tồn tại của NATO nhằm mục đích gì khi mà đối trọng của nó, khối Vác-xa-va, đã tan rã cách đây 2 thập kỷ. Tuy nhiên, cuộc chiến giữa Nga và Gruzia năm 2008 đã khiến một số quốc gia NATO vin vào lý do lo ngại chính sách quân sự của Mát-xcơ-va và đề nghị mở rộng liên minh đến sát nách Nga. Không chỉ tiếp tục hiện diện và mở rộng về hướng Đông, có ý kiến còn muốn NATO vươn ra toàn cầu, nhưng bị dư luận quốc tế cáo buộc đây là âm mưu “soán ngôi” vai trò điều hành thế giới của Liên Hiệp Quốc. Về số phận 200 đầu đạn hạt nhân từ thời Chiến tranh lạnh tại 5 nước châu Âu, công luận yêu cầu Mỹ đưa tất cả về nước theo cam kết xây dựng thế giới phi hạt nhân của Tổng thống Barack Obama và lịch trình cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga. Tuy nhiên, các nước “châu Âu mới” vẫn muốn Washington duy trì bom nguyên tử tại châu Âu nhằm làm đối trọng với Nga. Về vấn đề Afghanistan, giữa các nước thành viên NATO đang bị chia rẽ sâu sắc vì những thất bại chiến lược và bất ổn chính trị, an ninh kéo dài từ nhiều năm qua tại đây.

NATO rõ ràng đang đứng trước sức ép phải chọn lựa dứt khoát một hướng đi cho mình, nhưng tất cả là những lựa chọn rất khó khăn mà các ngoại trưởng hay sắp tới đây là các vị nguyên thủ quốc gia và đứng đầu chính phủ cũng khó đưa ra được giải pháp đồng thuận khả dĩ nào. Cái khó chưa ló cái khôn trong hoàn cảnh của NATO hiện nay là vậy đó.

KIẾN HÒA
(Theo AP, Reuters, Xinhua, RFE/RL)

KIẾN HÒA (Theo AP, Reuters, Xinhua, RFE/RL)

Chia sẻ bài viết