27/06/2018 - 07:51

Cái giá của sự chủ quan 

TAND TP Cần Thơ vừa đưa ra xét xử 2 vụ án hiếp dâm người dưới 16 tuổi, để lại nhiều nỗi xót xa. Kẻ thủ ác phải trả giá với hình phạt thích đáng, nhưng hậu quả để lại cũng như những tổn thương đối với bị hại và người thân khó có thể bù đắp. 2 câu chuyện là bài học đắt giá cho các bậc phụ huynh trong việc giáo dục, quản lý con em. Chính sự chủ quan, bất cẩn của người lớn cùng suy nghĩ lệch lạc của các bị cáo đã gây nên thảm kịch đau lòng.

Trả giá cho phút giây nông nổi, Thạch Dương lãnh án 10 năm tù tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Ảnh: KIỀU CHINH
Trả giá cho phút giây nông nổi, Thạch Dương lãnh án 10 năm tù tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Ảnh: KIỀU CHINH

Phiên tòa xét xử Thạch Dương (SN 1992, ngụ quận Ô Môn) vào giữa tháng 6-2018 diễn ra nhanh chóng, bị cáo thừa nhận tất cả tội lỗi. Vẻ ngờ nghệch của Dương cũng như những giọt nước mắt buồn tủi của bà mẹ lam lũ khiến người dự khán không khỏi chạnh lòng. Dương bị chậm phát triển về tâm thần mức độ nhẹ, rối loạn hành vi. Theo kết quả giám định pháp y về tâm thần, Dương có năng lực chịu trách nhiệm hình sự.

Do hoàn cảnh khó khăn, Dương nghỉ học sớm, vào đời mưu sinh. Sau giờ làm thuê, Dương ít đi đâu, thường quanh quẩn ở nhà. Do có họ hàng và ở cạnh nhau, bé B.N. (11 tuổi) thường qua nhà Dương chơi. Những người lớn trong gia đình thấy Dương hay tiếp xúc, trò chuyện với N. cũng an tâm, coi như có người giữ hộ, khỏi sợ cháu ra ngoài xe cộ, sông nước nguy hiểm. Cha mẹ N. ly hôn, mẹ đi làm xa, để N. sống với ngoại, thỉnh thoảng mới về thăm. Ngoại N. lớn tuổi, suy nghĩ đơn giản rằng xung quanh cũng là bà con nên rất an tâm khi thấy con cháu qua lại hòa thuận với nhau. Có thời gian N. ít nói, biếng ăn, hay giật mình, tưởng cháu căng thẳng chuyện học hành, bà ngoại chỉ khuyên cố gắng học tốt, rồi thôi, đâu dè cháu đang trải qua biến cố kinh hoàng.

Trưa 4-11-2017, N. và dì ruột sang nhà Dương. Lát sau, người dì đi về rồi quay trở lại, phát hiện Dương và N. đang giao cấu nên chạy đi nói với mẹ mình. Gia đình N. đến công an trình báo. Theo lời khai của Dương, lợi dụng sự ngây thơ, tin tưởng của N., bị cáo đã nhiều lần dụ dỗ bé làm chuyện người lớn. Lo sợ, N. không dám kể với ai, âm thầm chịu đựng. Mẹ N. nức nở trình bày: “Tôi đâu ngờ có chuyện này xảy ra. Mấy tháng nay tâm thần con tôi hoảng loạn, khó ngủ, học hành sa sút. Tôi sẽ cố gắng lo cho con vượt qua cú sốc này”. Trả giá cho việc làm tội lỗi, Dương lãnh án 10 năm tù giam. Khi xe phạm đưa bị cáo về trại, người thân hai bên gia đình vẫn còn bàn tán, đổ lỗi cho nhau. Nhưng mọi sự giá như bây giờ đều đã quá muộn màng…

Cũng trong tháng 6, một vụ án tương tự được đưa ra xét xử. Bị cáo là Nguyễn Văn Gấu (39 tuổi, ngụ quận Bình Thủy), bị hại là M. (SN 2005), cháu của Gấu, thời điểm bị xâm hại chỉ mới 12 tuổi.

Cuối năm 2014, mẹ M. đi xuất khẩu lao động nên gửi con cho bà ngoại nuôi. Bà ngoại M. bị tai biến, sinh hoạt khó khăn, nên Gấu thường xuyên tới lui chăm sóc. Những lúc nhà vắng người, Gấu dùng vũ lực thực hiện hành vi đồi bại đối với M., dặn không được nói với ai. Cuối tháng 11-2017, khi mẹ về nhà, M. kể hết sự việc. Chuyện đổ bể, công an khẩn trương vào cuộc điều tra, Gấu bị bắt.

Trong suốt phiên tòa, Gấu không dám quay lại phía sau nhìn ai, cúi gằm mặt, lí nhí trả lời thẩm vấn. HĐXX nhận định việc làm của bị cáo bất chấp vi phạm đạo đức xã hội, xâm hại sự phát triển bình thường về thể chất và tâm sinh lý trẻ em được pháp luật bảo vệ, ảnh hưởng xấu tình hình an ninh trật tự, cần xử phạt nghiêm. Mức án 14 năm tù tòa tuyên là hình phạt thích đáng đối với Gấu, nhưng còn bản án lương tâm có lẽ sẽ theo bị cáo đến suốt đời.

Theo đánh giá cơ quan chức năng, phương thức, thủ đoạn của tội phạm xâm hại trẻ em diễn biến ngày càng phức tạp, điều đáng lưu ý là khoảng 70% thủ phạm gây án là người thân, quen biết. Có không ít phụ huynh vì quá chủ quan đã vô tình “giao trứng cho ác”. Để tránh xảy ra chuyện không hay cho trẻ, phụ huynh phải tạo môi trường sống an toàn cho con, cung cấp kiến thức và kỹ năng bảo vệ bản thân, cách nhận biết những hành vi xấu, cần thiết nói cho con biết những vùng riêng tư trên cơ thể mà không ai được phép chạm vào. Hãy thường xuyên trò chuyện với con, kịp thời phát hiện khác lạ để xử lý… Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, lên án và xử lý thật nghiêm những vụ xâm hại trẻ em để phòng ngừa loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm này. Về phía bị hại, gia đình hãy kiên trì, bền bỉ đồng hành cùng con trong điều trị tâm lý, để trẻ vượt qua được quá khứ đau buồn.

KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết