20/02/2024 - 15:57

Tiến sĩ Ngô Hồ Anh Khôi:

Cách tiếp cận, nhìn nhận, thực hiện và cách ước mơ của người trẻ về bảo tồn văn hóa sẽ khác đi 

Tiến sĩ Ngô Hồ Anh Khôi là gương mặt trẻ tâm huyết với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Nhiều hoạt động trong lĩnh vực di sản thời gian qua của anh đã tạo được hiệu ứng tốt. Những ngày đầu năm Giáp Thìn, vị tiến sĩ sinh năm 1988 đã dành cho phóng viên Báo Cần Thơ cuộc phỏng vấn.

Tiến sĩ Ngô Hồ Anh Khôi (bìa phải) cùng một bạn trẻ thực hành phong tục thờ cúng tổ tiên ngày Tết phục vụ công tác ghi hình của báo chí dịp Tết Giáp Thìn. Ảnh: HỒ THỨC

* Thưa anh, triển lãm “Bản sắc và hội nhập” giới thiệu gồm 500 bức tranh và hiện vật của Marcel Georges Bernanose (1884-1952) về Ðông Dương mà anh ra mắt trong năm vừa qua tạo được tiếng vang lớn. Xin anh chia sẻ đôi điều về sự kiện này?

- Ðây là một may mắn! Khi được bán ra, bộ sưu tập này được đưa vào nhà đấu giá chuyên khu vực thu hút của họa sĩ tại Pháp và Ý, thay vì được bán ở khu vực Ðông Dương. Vì vậy, vào thời điểm bán ra, rất ít người Việt Nam biết đến. Trong một lần tình cờ tìm tư liệu nghiên cứu về trò chơi dân gian Việt Nam thì tôi tìm thấy một bức tranh của ông vẽ cảnh những người phụ nữ Bắc Bộ chơi bài (tam cúc). Từ đó, tôi mới tìm hiểu thêm về ông. Khi phát hiện ra rất ít người biết về ông ở khía cạnh họa sĩ, trong khi ông rất nổi tiếng về khía cạnh văn hóa, tôi đã đưa ra ý định mua lại toàn bộ tranh Ðông Dương của ông, để làm tư liệu nghiên cứu. Và tôi đã quyết định tổ chức triển lãm để giới thiệu đến công chúng.

* Nhận bằng tiến sĩ danh giá ở Pháp về trí tuệ nhân tạo nhưng được biết, anh cũng đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ về Triết học Phật giáo. Hai lĩnh vực nghe ra có vẻ “không liên quan” cho lắm, anh nghĩ như thế nào?

- Như tất cả những bằng tiến sĩ khác thôi, đều được xây dựng từ công sức nghiên cứu nghiêm túc theo nguyên tắc khoa học, với tôi thì không có gì khác biệt. Tôi đơn giản là đã hoàn thành một chặng đường nghiên cứu và đạt được học vị tiến sĩ, như bao người khác, chứ không có gì danh giá hơn. Cụ thể, tôi tốt nghiệp thạc sĩ ở Ðại học La Rochelle, Pháp và sau đó tốt nghiệp tiến sĩ ở Ðại học Francois Rabelais Tours, Pháp với học bổng do ANR (Agence National de la Recherche, Cục Nghiên cứu Quốc gia Pháp) cấp. Ở cấp thạc sĩ, tôi nghiên cứu về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào số hóa di sản truyện tranh của châu Âu (dự án eBDtheque) và ở cấp tiến sĩ, tôi nghiên cứu về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo để số hóa và phân loại di sản tư liệu cổ (dự án DigiDoc). Hiện tại thì tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào phân loại và số hóa di sản, gần đây nhất, là phân loại tự động trang sức thủy tinh cổ văn hóa Sa Huỳnh, Óc Eo và Ðông Sơn của Việt Nam (dự án A3R).

Sau khi về Việt Nam, tôi dành thời gian để học và nghiên cứu về triết học, và tôi hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ về Triết học Phật giáo ở Học viện Phật giáo Việt Nam. Về mảng này, tôi nghiên cứu chủ yếu về ảnh hưởng triết học, tôn giáo và tín ngưỡng lên các vấn đề đương đại tại Việt Nam, cũng như những tác động của khoa học kỹ thuật hiện đại lên các vấn đề văn hóa xã hội ở Việt Nam.

Không đến mức là “không liên quan gì” đâu, tôi nghĩ rằng ai cũng đang trong quá trình nghiên cứu và thực hành văn hóa, chỉ là ở những mức độ khác nhau. Tôi may mắn được nghiên cứu ở một môi trường chính thống, được ghi nhận và công nhận thôi. Nói là may mắn, vì tôi sống trong một gia đình nề nếp và có truyền thống khoa học xã hội và nhân văn; mặc dù hồi đại học, tôi rẽ nhánh sang khoa học kỹ thuật nhưng điều đó không khiến cho tôi cảm thấy xa cách với văn hóa. May mắn hơn nữa, khi trong những chặng đường nghiên cứu thạc sĩ và tiến sĩ, tôi lại được tiếp tục tiếp cận với những dự án liên quan với văn hóa ở những vai trò kỹ thuật khác nhau. Sau khi về Việt Nam, tôi lại may mắn được sự tín nhiệm của các thầy cô, các vị lãnh đạo đưa tôi vào các vai trò hoạt động, dự án liên quan nhiều đến văn hóa. Tôi không nghĩ mình có gì hơn các bạn trẻ khác, chẳng qua là các bạn trẻ khác có nhiều cơ hội đóng góp trong các vấn đề quan trọng khác của xã hội, hơn là trong văn hóa, chỉ vậy thôi.

Về công việc hiện tại, ở mảng khoa học kỹ thuật, tôi đang là Trưởng Bộ môn Khoa học máy tính tại Trường Ðại học Nam Cần Thơ. Ở mảng khoa học xã hội và nhân văn, tôi đang đảm nhận vai trò Trưởng Ban Hợp tác quốc tế của Viện Triết học Phát triển và Phó Giám đốc Ban Văn hóa - Xã hội của Trung tâm UNESCO Khoa học Nhân văn và Cộng đồng. Tôi cũng thành viên của Hội đồng giám định cổ vật, hiện vật lịch sử của Liên hiệp các tổ chức UNESCO Việt Nam.

* Gần đây, trong một phát ngôn với báo chí, quan điểm: “Công tác “bảo tồn” chủ yếu không phải là khư khư giữ lấy hình thức bề ngoài của văn hóa, mà là “bảo tồn” cái nội hàm của văn hóa” của anh được nhiều người đồng tình. Xin anh chia sẻ thêm?

- Ðây không phải một phát ngôn gì to tát, chỉ là một chia sẻ mang tính chất nhận định cá nhân. Ðó chỉ là một lời cảnh tỉnh tình trạng bảo tồn một cách cứng nhắc nhưng lại rất phổ biến hiện nay, rất thiếu tính uyển chuyển, không tạo điều kiện để cái “nội hàm” đó được phát huy, biến đổi, phát triển và mang lại sức sống mới cho di sản, mà ngược lại, đóng khung nó, ép nó khư khư giữ hình thức bề ngoài, buộc nó thoái hóa trước sự biến đổi của xã hội, và tất yếu, nó sẽ chết. Tức là tuy mang tiếng bảo tồn di sản, thực tế là đang bóp chết sự sống của di sản.

m Ðược biết, anh đang nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào phân loại và số hóa di sản. Công việc này đã thực hiện tới đâu, thưa anh, và dự định của anh trong thời gian tới là gì, với các công việc liên quan đến bảo tồn văn hóa?

- Hiện tại tôi tham gia rất nhiều dự án liên ngành, tức là kết hợp giữa khoa học kỹ thuật và di sản văn hóa. Một vài trong số chúng là một số hệ thống giám định tự động một số nhóm cổ vật đặc thù và một số hệ thống phát triển số hóa di sản. Hiện tại, dự án đã được một số nhà đầu tư quan tâm, và dự án đang trình một số bằng sáng chế sắp tới. Còn dự định thì làm tiếp tục những gì dang dở, hoàn thành các dự án và tiến tới phục vụ cộng đồng.

* Thưa anh, tuổi trẻ 9X, 10X, GenZ hiện nay gắn liền với công nghệ, mạng xã hội. Anh nghĩ sao về mối quan hệ giữa bảo tồn văn hóa với tuổi trẻ bây giờ?

- Tôi nghĩ, công chúng thường có thái độ tiêu cực về giới trẻ, chủ yếu do khác biệt về thế hệ thôi. Và hình như thời nào cũng thế cả, các anh chị, bố mẹ, ông bà thế hệ trước vẫn thường nhìn nhận y như thế về lớp 8X chúng tôi đấy thôi. Vậy mà giờ, thế hệ 8X cũng ổn phết chứ! Toàn những nhân vật lớn với đóng góp lớn cho xã hội. Thế hệ 9X, 10X, GenZ cũng thế thôi. Họ cũng sẽ có người cống hiến, có người lạc lối, có người bừng tỉnh, và có người đi làm bảo tồn văn hóa giống như thế hệ 8X. Chỉ là cách tiếp cận, cách nhìn nhận, cách thực hiện, cách ước mơ sẽ khác đi theo dòng chảy lịch sử, đâu thể bắt họ có cùng cách nhìn giống chúng ta được. Nhưng hãy vững tin là họ cũng sẽ làm cho xã hội tốt lên thêm, tất nhiên, với sự góp sức của công nghệ mới (trí tuệ nhân tạo, mạng xã hội, IoT,...), điều mà thế hệ 8X không có hoặc không thân thuộc lắm, chỉ thế thôi.

* Xin cảm ơn anh!

Chia sẻ bài viết