08/12/2012 - 16:21

Cách bảo quản ô tô khi không sử dụng trong thời gian dài

Ô tô được bảo quản đúng cách sẽ giúp chủ phương tiện tiết kiệm được nhiều chi phí sửa chữa khi muốn vận hành xe trở lại.
Ảnh: THU HOÀI

Ô tô là tài sản và là phương tiện đi lại của không ít doanh nghiệp, gia đình hiện nay. Tuy nhiên, vì nhiều lý do chủ phương tiện có thể không sử dụng ô tô trong một thời gian dài chẳng hạn như: Đi công tác xa, đi học, vắng lâu ngày… Khi đó, ô tô sẽ không được sử dụng thường xuyên rất dễ hư hỏng và xuống cấp nếu bảo quản không đúng cách. Sau đây là một vài kinh nghiệm chia sẻ cùng bạn đọc về cách bảo quản xe nhằm giúp chủ phương tiện hạn chế những hư hỏng và thuận lợi khi vận hành xe trở lại.

Thực tế cho thấy, không riêng gì ô tô mà nhiều thiết bị máy móc nói chung đã qua sử dụng nhưng trong một khoảng thời gian dài không được khởi động thì rất dễ xuống cấp và có thể hư hỏng, làm chủ phương tiện tốn không ít tiền để sửa chữa khi muốn sử dụng lại chúng. Vì vậy, khi bạn có một chuyến công tác khá lâu hoặc công việc bận đòi hỏi phải đi vắng trong một thời gian dài mà không sử dụng đến xe thì việc bảo quản đúng cách là giải pháp giúp chủ phương tiện hoàn toàn yên tâm cho chuyến đi của mình.

Không quá khó để thực hiện việc bảo quản xe đúng cách, việc đầu tiên các chủ xe cần thực hiện là làm sạch xe. Bên cạnh yếu tố thẩm mỹ thì việc làm sạch chiếc xe sẽ giúp loại bỏ được những bụi bẩn dính trên thân xe, nếu để lâu ngày có thể phá hỏng lớp sơn của xe. Ngoài thân xe thì khi làm sạch cũng lưu ý đến phần dưới gầm xe, chắn bùn của xe, các vị trí có thể dính bùn vì những chất này khi bám vào kim loại và để lâu kết hợp với hơi ẩm trong không khí sẽ gây han gỉ các chi tiết làm bằng kim loại.

Điểm tiếp theo chủ phương tiện cần lưu ý là thay dầu máy, dầu phanh và công (ly hợp). Tuy nhiên, nếu xe chỉ không sử dụng trong vòng 1 đến 2 tuần thì không cần thiết phải thay dầu. Nhưng nếu thời gian bảo quản dài hơn 1 tháng thì việc này là cần thiết. Khi xe vận hành, quá trình luân chuyển dầu diễn ra liên tục sẽ hạn chế hiện tượng đóng cặn, còn khi để lâu thì cặn bẩn tích tụ lại thành cục khó tan và theo đường dầu đi vào các chi tiết máy, làm mài mòn nhanh các chi tiết. Đối với những loại dầu đã sử dụng thì khi bảo quản chất lượng của dầu sẽ giảm đi rõ rệt, độ nhớt của dầu giảm làm giảm khả năng bôi trơn... Cùng với thay dầu máy thì nên thay cả lọc dầu nếu đã sử dụng lâu tránh cặn bẩn tích tụ trong lọc dầu gây tắc nghẽn hệ thống bôi trơn khi vận hành xe trở lại. Theo các chuyên gia vận hành ô tô, có thể thực hiện việc thay các loại dầu này sau khi vận hành xe trở lại nhưng điều này sẽ không tốt. Bởi các cặn bẩn được tạo thành có thể bám chặt vào đáy cacte (mức dầu bôi trơn trong máy dầu) và các đường ống mà không bị đẩy ra ngoài khi xả dầu cũ. Do đó việc thay trước khi đưa vào gara bảo quản sẽ hiệu quả hơn. Ngoài ra, chủ phương tiện cũng cần lưu ý, khi thay dầu xong phải cho động cơ nổ máy, đạp chân ga, chân côn để dầu đi vào điền đầy các hệ thống ngoài việc bôi trơn cho các chi tiết còn có tác dụng tạo thành một lớp màng bao bọc chi tiết và tránh làm han gỉ các chi tiết nhờ tác dụng chống ăn mòn của dầu.

Đổ đầy xăng, nước làm mát cũng là một cách tốt để bảo quản xe. Nhưng thực tế không ít người làm điều trái lại, thường xả hết xăng trước khi mang cất xe đi để tránh rò rỉ gây cháy nổ, tránh xăng bị hư hỏng…Tuy nhiên, nếu bình xăng trống rỗng có thể làm cho mặt trong bình xăng tiếp xúc với hơi nước trong không khí gây han gỉ bề mặt này và lẫn vào trong xăng khi vận hành trở lại. Thậm chí còn có thể phải thay bình xăng mới. Nếu chất lượng xăng đảm bảo đạt tiêu chuẩn thì có thể vẫn sử dụng bình thường sau 12 tháng. Hiện tượng tương tự cũng xảy ra đối với hệ thống làm mát. Vì vậy, phải kiểm tra và bổ sung đầy đủ nước tránh han gỉ các chi tiết của của hệ thống làm mát. Theo khuyến cáo từ các nhà sản xuất khi bảo quản xe nên pha dung dịch nước làm mát với nước theo tỷ lệ: 50/50.

Một lưu ý tiếp theo cũng không kém phần quan trọng khi bảo quản xe là kiểm tra áp suất lốp xe. Giống như một chi tiết khi bị uốn cong, mặt trên bị ép lại, trong khi mặt dưới bị căng ra, tới một giới hạn sẽ hình thành vết nứt. Khi hơi giảm xuống một mức nhất định, toàn bộ trọng lượng xe đè lên lốp làm nảy sinh vết nứt ở lốp, hiện tượng này xảy ra nhanh hơn khi cao su bị thoái hóa (lốp đã sử dụng lâu). Để tránh hiện tượng này, nếu gara có cầu nâng 2 trụ thì có thể đặt xe nên cầu nâng và nâng xe đủ để bánh xe không chạm đất. Trường hợp không có kích nâng thì chúng ta nên kiểm tra áp suất lốp và bơm lốp nên áp suất tối đa cho phép. Một số nhà sản xuất khuyến cáo không nên "treo" xe lên vì như vậy sẽ phá hỏng hệ thống treo, để đảm bảo thực hiện đúng, nên tham khảo sách hướng dẫn sử dụng từ nhà sản xuất. Hiện tượng xuống hơi sẽ xảy ra nhanh hơn vào mùa hè khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao làm săm và lốp bị giãn nở nhiều hơn.

Trên đây là một số lưu ý chia sẻ cùng bạn đọc, hy vọng các chủ phương tiện sẽ có cách bảo quản tốt cho ô tô nhằm hạn chế những chi phí sửa chữa xe khi muốn sử dụng lại…

Tùng Thư (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết