B.Ngọc (ghi)

Sinh viên Trường ÐH Cần Thơ tại Trung tâm học liệu của trường. Ảnh: B.NGỌC
Các trường đại học (ÐH) đóng vai trò tiên phong trong đổi mới, sáng tạo khoa học công nghệ cùng với phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Tại ÐBSCL, các cơ sở giáo dục ÐH đã và đang thúc đẩy chuyển đổi số (CÐS) trong hoạt động quản trị, đào tạo, nghiên cứu khoa học… Từ đó, tạo nền tảng phát triển, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Báo Cần Thơ ghi nhận ý kiến lãnh đạo các trường ÐH ở ÐBSCL xoay quanh thực hiện CÐS tại đơn vị.
► Giáo sư Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ÐH Cần Thơ: Ðầu tư mọi nguồn lực xây dựng các mô hình CÐS
- Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và ứng phó biến đổi khí hậu đưa nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng. Một trong những công cụ quan trọng là CÐS phù hợp, thích nghi tình hình thế giới. Trong CÐS, việc thực hiện ứng dụng công nghệ trong tất cả các ngành nhằm phát triển kinh tế - xã hội là vấn đề cốt lõi, đòi hỏi đầu tư cơ sở vật chất để ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nguồn nhân lực, các đề tài nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho các doanh nghiệp…
Trường ÐH Cần Thơ được Bộ Giáo dục và Ðào tạo cho phép xây dựng CÐS trong ngành đào tạo về nông nghiệp; trong đó có đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng một số môn học ứng dụng CÐS để các trường khác có thể sử dụng. Trường có chiến lược đầu tư mọi nguồn lực về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên để xây dựng các mô hình CÐS; một số môn học ứng dụng công nghệ thông tin, CÐS để chia sẻ cho các trường khác trong cả nước. Ðây là bước tạo điều kiện cho Trường ÐH Cần Thơ CÐS một cách toàn diện, ưu tiên phát triển các ngành có liên quan đến nông nghiệp, thủy sản vùng ÐBSCL, để chia sẻ với các viện, trường khác trong cả nước.
Năm 2021, Ðảng ủy Trường ÐH Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết số 51/NQ-ÐU về “Ðẩy mạnh CÐS để phát triển Trường ÐH Cần Thơ theo hướng đại học thông minh”. Trong đó, trường đặt ra chỉ tiêu đến năm 2025, có 90% quy trình và hồ sơ công việc của trường được xử lý trên môi trường mạng (trừ các hồ sơ, văn bản thuộc phạm vi bí mật nhà nước); quản lý nhân sự và giờ làm việc cũng được số hóa. Có 80% dịch vụ cung cấp cho viên chức và người học đạt mức độ trực tuyến 4; ít nhất 20% số học phần áp dụng hình thức giảng dạy trực tuyến, đánh giá trắc nghiệm khách quan trên máy tính.
► NGND.PGS.TS Huỳnh Thanh Nhã, Hiệu trưởng Trường ÐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ: Hướng đến xây dựng “Trường ÐH số”
- Thực hiện công tác CÐS, nhà trường đã đầu tư trang bị cơ sở vật chất, xây dựng các hệ thống quản lý hoạt động của trường như: phần mềm quản lý học vụ (Education), phần mềm quản lý nhân sự - tiền lương (HRM), phần mềm hành chính điện tử (EGOV), cổng thông tin của trường và các trang thông tin theo mỗi đơn vị, phần mềm E-Learning hỗ trợ giảng dạy trực tuyến các học phần lý thuyết, thực hành… phục vụ tốt cho các bên liên quan. Ban Chỉ đạo CÐS của trường được thành lập, do hiệu trưởng nhà trường làm trưởng ban. Ðồng thời đầu tư thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “CÐS Trường ÐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ gắn với phục vụ TP Cần Thơ trong quá trình CNH, HÐH” và giao phó hiệu trưởng nhà trường làm chủ nhiệm, nhằm rà soát, xây dựng kế hoạch, giám sát thực hiện việc CÐS trong toàn bộ các hoạt động của trường.
Trường ÐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ đã có chiến lược tiếp tục chú trọng đẩy mạnh CÐS, đặc biệt trong công tác quản trị và giảng dạy, để hướng đến việc xây dựng “Trường ÐH số”, góp phần vào tiến trình thực hiện CÐS của TP Cần Thơ và cả nước.
► Tiến sĩ Thạch Thị Dân, Phó Hiệu trưởng Trường ÐH Trà Vinh: Phát triển mô hình ÐH thông minh
- Nhiều năm qua, Trường ÐH Trà Vinh đã từng bước thực hiện CÐS, đạt được một số thành tựu nổi bật. Ðó là phát triển mô hình ÐH thông minh; xây dựng và sử dụng các khóa học E-Learning trên hệ thống LMS như công cụ hỗ trợ cho việc giảng dạy trực tiếp trên lớp; số hóa tài liệu tham khảo, học liệu, tài liệu nội sinh gắn với chương trình đào tạo. Các giải pháp này áp dụng cho hơn 20.000 sinh viên, học viên theo học từ trình độ ÐH đến sau ÐH. Trường đào tạo 52 ngành bậc đại học, 25 ngành bậc thạc sĩ, 10 ngành bậc tiến sĩ và 5 ngành chuyên khoa cấp 1... cung cấp hệ sinh thái đào tạo tương đối hoàn chỉnh cho tỉnh Trà Vinh và khu vực với mô hình đào tạo đa ngành, đa cấp học, liên thông các bậc học hướng tới học tập suốt đời; cùng với nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và các hoạt động phục vụ cộng đồng.
Sau những nỗ lực không ngừng, trường đạt Giải thưởng CÐS Việt Nam 2022 (VietNam Digital Awards - VDA) ở hạng mục doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp CÐS xuất sắc. Trường đã được trao giải “Hệ thống quản lý công tác nhân sự, đào tạo; Hệ thống quản lý đào tạo kỹ năng mềm và Hệ thống hỗ trợ công tác đánh giá chuẩn đầu ra chương trình đào tạo phục vụ cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo”. Ðây là hạng mục trao cho những doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực đã có quá trình ứng dụng công nghệ số để thay đổi mô hình quản lý, sản xuất, kinh doanh, CÐS thành công.

Sinh viên Trường ÐH Trà Vinh thực hành trên Phòng Kế toán mô phỏng. Ảnh: B.Ngọc
► Tiến sĩ Hồ Văn Thống, Hiệu trưởng Trường ÐH Ðồng Tháp: CÐS là đòn bẩy thúc đẩy trường phát triển
 |
- Chủ đề năm học 2022-2023 của trường là “Ðẩy mạnh CÐS và thích ứng nhanh”, thể hiện sự đồng thuận và quyết tâm biến các thách thức thành cơ hội, tiếp tục theo đuổi mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Hiện trường có quy mô gần 10.000 học viên, sinh viên ở các hệ đào tạo, bồi dưỡng. Tập thể lãnh đạo và toàn thể viên chức, sinh viên, học viên của trường tiếp tục khai mở và vận dụng hiệu quả chủ trương tự chủ ÐH, quản trị ÐH tiên tiến; tận dụng lợi thế ÐBSCL và tỉnh Ðồng Tháp để triển khai đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng hiệu quả, nhanh và với quy mô lớn hơn. Ðồng thời tiếp tục khai thác tiềm năng khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên của trường để đẩy mạnh đổi mới đào tạo; chú trọng hơn nữa hoạt động đổi mới sáng tạo trong trường. Trong đó, lấy CÐS làm đòn bẩy để thúc đẩy sự phát triển của hệ thống quản lý nhà trường, tiếp tục khai thác và phát huy lợi thế của trường đại học đa ngành.
CÐS của trường gắn liền triển khai các đề án thu hút, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài. Ðẩy mạnh xây dựng văn hóa chất lượng và văn hóa nhà trường; tăng cường hợp tác - kết nối với nhà tuyển dụng, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và chuyên gia để cùng đồng hành với trường trong đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương, ÐBSCL và cả nước. Tích cực tham gia các chương trình, dự án trọng điểm góp phần phát triển bền vững ÐBSCL, ứng phó với biến đổi khí hậu...