27/10/2018 - 15:45

Các startup Ấn Độ đua nhau ứng dụng AI chống ung thư 

Bệnh ung thư tăng nhanh ở Ấn Độ từ nhiều năm qua, nhưng hai từ ung thư vẫn gây sốc và sợ hãi bởi hai lý do: chi phí điều trị đắt đỏ và tỷ lệ sống sót thấp. Chính vì vậy, các công ty khởi nghiệp (startup) ở Ấn Độ đang nỗ lực áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ học máy để giúp việc điều trị ung thư trở nên dễ tiếp cận và giá cả phải chăng hơn.

Chuyên gia sinh học tế bào Manjiri Bakre, nhà sáng lập startup sàng lọc ung thư vú OncoStem. Ảnh: IndianExpress

Ước tính, số người sống chung với một dạng ung thư nào đó ở Ấn Độ là 2,25 triệu và từ đầu năm 2018 đến nay hơn 784.800 bệnh nhân đã tử vong. Theo Viện Nghiên cứu và Phòng chống Ung thư Quốc gia, ung thư vú là dạng phổ biến nhất, chiếm tỷ lệ 14%, đặc biệt ở phụ nữ. Riêng năm 2018 ghi nhận 162.468 ca bệnh mới, trong đó 87.000 người đã tử vong.

Trong nhiều trường hợp, phát hiện sớm có thể giúp người bệnh gia tăng cơ hội sống sót. OncoStem, startup sàng lọc ung thư vú ở thành phố Bengaluru - thủ phủ của bang Karnataka, đang nỗ lực vì điều đó. Công ty này tập trung vào cá nhân hóa việc chẩn đoán và điều trị dựa trên nhu cầu cụ thể của bệnh nhân và bản chất của khối u. Đến nay, OncoStem đã tiến hành 300 xét nghiệm tại hơn 100 bệnh viện. “Hệ thống của chúng tôi có khả năng đọc và phân tích sự bất thường của mô cũng như nhận diện các khối u có thể phát triển thành ung thư” – chuyên gia sinh học tế bào Manjiri Bakre, người sáng lập OncoStem, cho biết. Hệ thống phòng thí nghiệm của công ty còn số hóa bệnh án của bệnh nhân, cấp dữ liệu cho một thuật toán AI để nó phân tích và đưa ra thông tin hữu ích cho các bác sĩ điều trị.

Hơn cả chẩn đoán, một startup khác tại Bengaluru là Niramai dùng AI để lập phác đồ điều trị và chế tạo thuốc mới. Công ty đang tận dụng AI và công nghệ máy học để xử lý, phân tích và giải thích các hình ảnh chẩn đoán y khoa, cũng như tạo ra các thông số cận lâm sàng không thể hình dung hoặc đo đạc bằng mắt. Theo Nidhi Mathur, đồng sáng lập Niramai, các thuật toán của công ty có thể phân tích 400.000 điểm dữ liệu của mỗi người cho mỗi lần sàng lọc, từ đó giúp phát hiện ung thư vú chính xác theo thời gian thực. Tính đến tháng 9-2018, Niramai đã sàng lọc bệnh cho hơn 4.000 phụ nữ.

Một trong những lợi ích lớn nhất khi sử dụng AI và công nghệ học máy trong chẩn đoán và điều trị ung thư là chúng có thể đọc một lượng lớn dữ liệu với độ chính xác cao và ít tốn thời gian.

Trong khi Niramai và OncoStem tập trung vào các bệnh ung thư phổ biến nhất, những công ty khác chú ý đến những khía cạnh khác. Chẳng hạn, công ty khởi nghiệp SigTuple sử dụng nền tảng AI để phân tích máu, nước tiểu, tinh dịch, ảnh X-quang ngực và quét võng mạc để phát triển các kiểu xét nghiệm tế bào tiền ung thư và ung thư. Cũng với mục tiêu sàng lọc ung thư sớm, UE Lifesciences ở Mumbai cung cấp các thiết bị AI không có phóng xạ. Trong khi đó, AIndra Systems sử dụng thị giác máy tính trên nền tảng AI để sàng lọc ung thư cổ tử cung và đang hướng tới mục tiêu đưa các thiết bị chẩn đoán tiên tiến tới Ấn Độ với chi phí hợp lý. Còn Perfint Healthcare thì phát triển một hệ thống robot gọi là MAXIO giúp bác sĩ lập phác đồ điều trị cho từng bệnh nhân. MAXIO đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cấp phép lưu hành. Hiện Perfint Healthcare cũng đang điều nghiên các liệu pháp không xâm lấn nhằm thay thế hóa trị vốn tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.

Những tiến bộ nói trên tuy chỉ mới bắt đầu, song thuật toán AI phát triển bởi các công ty khởi nghiệp Ấn Độ hứa hẹn có thể trở thành công cụ chăm sóc sức khỏe dự phòng cho nhiều người. Sarayu Natrajan, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học King ở Luân Đôn (Anh), cho biết: “Với dân số trên một tỉ người, Ấn Độ sở hữu nguồn dữ liệu rất lớn, có thể được số hoá và đưa vào hệ thống AI nhằm nâng cao độ chính xác trong chẩn đoán và điều trị”. Đó cũng là lý do Ấn Độ đang thu hút các công ty công nghệ lớn như IBM và Google tham gia vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở nước này. Leslie Joseph, chuyên gia phân tích chính của công ty nghiên cứu thị trường Forrester Research (Mỹ) nhận định một khi hệ thống AI do các startup Ấn Độ xây dựng có đủ dữ liệu, nó sẽ cung cấp những giải pháp chẩn đoán và điều trị rẻ hơn nhiều so với hiện nay. 

HOÀNG ĐIỂU (Theo Quartz.com)

Chia sẻ bài viết