29/08/2024 - 17:49

Các sáng kiến thúc đẩy quyền lực mềm của Trung Quốc 

Trong bối cảnh quyền lực mềm của họ đối mặt với nhiều thách thức, Mỹ dường như dựa nhiều hơn vào quyền lực cứng để duy trì tầm nhìn về một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Ngược lại, Trung Quốc thiết lập nền tảng kinh tế xã hội và văn minh về một trật tự quốc tế công bằng thông qua tầm nhìn về một “cộng đồng chia sẻ tương lai”.

Các đồng minh Mỹ “đứng ngồi không yên”

Do lo ngại Iran sẽ quyết liệt trả đũa Israel để báo thù cho các thủ lĩnh Hezbollah và Hamas có thể khiến Trung Ðông lún sâu vào cuộc chiến tổng lực, Mỹ đã nhanh chóng điều động nhiều tàu chiến tới khu vực để bảo vệ đồng minh thân cận nhất Trung Ðông của mình. Trong khi đó, ở phía Tây Thái Bình Dương, Mỹ nỗ lực kiềm chế mối đe dọa từ Trung Quốc thông qua các liên minh và nhóm quân sự, đồng thời tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự rộng khắp toàn cầu.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) cùng đại diện các nước BRICS tại hội nghị thượng đỉnh ở Nam Phi hồi tháng 8-2023. Ảnh: AP

Song, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới có thể phá vỡ chiến lược trên, bởi ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump có vẻ như muốn giảm các cam kết quân sự của Washington trên toàn thế giới, khiến các đồng minh và đối tác xứ cờ hoa như Ukraine, Đài Loan và Philippines “đứng ngồi không yên”, qua đó làm dấy lên nghi ngờ về độ tin cậy của Mỹ trong việc bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Chưa kể, việc Mỹ không thể làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza đã làm suy yếu vị thế lãnh đạo toàn cầu của Washington trong mắt một số nước Nam bán cầu. Trong khi các đồng minh Mỹ chờ đợi kết quả cuộc bầu cử vào tháng 11 để xác định tương lai các chiến lược an ninh của họ thì Nam bán cầu đã có “lối đi riêng” - tìm kiếm mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Trung Quốc. Ngày càng nhiều quốc gia trong khu vực tìm cách gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) do Bắc Kinh dẫn dắt.

Tầm nhìn “cộng đồng chia sẻ tương lai” của Trung Quốc

Về phần mình, Trung Quốc đang thúc đẩy tầm nhìn về một “cộng đồng chia sẻ tương lai”. Trọng tâm của tầm nhìn này là Sáng kiến ​​Phát triển Toàn cầu (GDI), lấy “Vành đai, Con đường (BRI)” làm nền tảng. Kể từ khi được khởi xướng cách đây một thập niên, BRI đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Nam bán cầu. Tương tự BRI, GDI cũng đang thúc đẩy sự dịch chuyển trọng tâm kinh tế toàn cầu từ Bắc bán cầu sang Nam bán cầu. Sáng kiến này tập trung vào 6 mục tiêu chính gồm: Cam kết ưu tiên cho phát triển, thực hiện cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm, cam kết mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, cam kết phát triển theo định hướng đổi mới, cam kết hòa hợp và cam kết hành động hướng tới kết quả cao nhất.

Một trụ cột khác trong tầm nhìn nói trên của Trung Quốc là Sáng kiến ​​An ninh Toàn cầu (GSI), trong đó đề cao tầm nhìn về an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững; theo đuổi mục tiêu dài hạn là xây dựng một cộng đồng an ninh và ủng hộ một lộ trình mới cho an ninh với đối thoại thay vì đối đầu, hợp tác thay vì liên minh và trên cơ sở đôi bên cùng có lợi; nhấn mạnh vai trò của an ninh toàn cầu trong việc biến tầm nhìn về một “cộng đồng chia sẻ tương lai” thành hiện thực. Theo GSI, Trung Quốc đặt mục tiêu biến Quân giải phóng nhân dân (PLA) thành lực lượng quân sự đẳng cấp thế giới vào năm 2049 nhân 100 năm lập quốc.

Trụ cột cuối cùng là Sáng kiến ​​Văn minh Toàn cầu (GCI), trong đó kêu gọi tôn trọng sự đa dạng của các nền văn minh thế giới, phát huy các giá trị chung của nhân loại, xem trọng sự kế thừa và đổi mới văn minh, tăng cường giao lưu và hợp tác nhân văn quốc tế. GCI nhấn mạnh rằng lòng tin của các nền văn minh là điều cần thiết để hiện thực hóa tầm nhìn về một “cộng đồng có chung tương lai”.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết