22/10/2023 - 10:47

Các nhóm vũ trang thân Iran tại Trung Ðông 

Chiến sự dữ dội giữa Israel và Hamas tại Gaza vẫn không ngừng leo thang. Trong đó, Mỹ và các đồng minh phương Tây đang nhìn vào vai trò của Iran như yếu tố quyết định xung đột có lan sang tầm khu vực hay không.

Ngoại trưởng Iran Abdollahian (trái) gặp lãnh đạo hàng đầu của nhóm Hamas Haniyeh tại Doha. Ảnh: Reuters

Ngày 7-10, xung đột Israel - Hamas bùng phát trở lại sau hơn 2 năm tạm lắng khi nhóm vũ trang Hồi giáo người Palestine phát động cuộc tấn công quy mô nhắm vào Nhà nước Do Thái từ Dải Gaza. Ðây là cuộc xung đột trực tiếp đầu tiên trong phạm vi ranh giới của Israel kể từ cuộc chiến tranh Arab năm 1948. Chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu ngay lập tức thông báo tình trạng chiến tranh và dọa “xóa sổ” lực lượng này.

Hamas hiện là bên kiểm soát Dải Gaza, đồng thời hoạt động ở Bờ Tây với mục tiêu thành lập một nhà nước Palestine độc lập. Vốn có quan hệ mơ hồ với Iran, Hamas từng phản đối Tehran trong nhiều năm vì ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Quan hệ giữa 2 bên đã quay lại quỹ đạo khi Damascus bình thường hóa quan hệ với các cường quốc Arab. Cả 2 cũng có “mẫu số chung” chiến lược là làm “suy giảm Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) và khiến xã hội nước này kiệt quệ”. Theo thông tin của Tel Aviv, Iran ngoài huấn luyện và cung cấp vũ khí còn hỗ trợ các chiến binh Hamas khoảng 100 triệu USD/năm. Năm 2021, Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng nhóm cũng dựa vào một số quỹ được huy động ở các nước Arab vùng Vịnh. Nguồn tiền mặt thường được chuyển qua các đường hầm ở Gaza hoặc thông qua kênh tiền điện tử. Một quan chức cấp cao thuộc Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc hôm 17-10 nói rằng Hamas thậm chí có mối liên hệ gián tiếp hoặc trực tiếp với Triều Tiên bởi vũ khí và chiến thuật triển khai mà phong trào Hồi giáo sử dụng để đột kích Israel “có khả năng cao” đến từ Bình Nhưỡng thông qua các bên trung gian, bao gồm Iran. Ðại sứ Israel tại Hàn Quốc Akiva Tor cũng tin rằng vũ khí mà Hamas sử dụng để tấn công qua biên giới Israel có xuất xứ từ Triều Tiên nhưng từ lâu chúng đã được nhìn thấy ở Iran. Ðáp lại, Bình Nhưỡng cho rằng đó là cáo buộc “sai trái và vô căn cứ”.

Các đồng minh quân sự khác

Trong khi đó, cùng với Hamas, nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon cũng là thành viên của cái gọi là “trục kháng cự” do Tehran dẫn đầu. Nếu Hezbollah quyết định tham gia xung đột ở Dải Gaza, nhà phân tích Firas Maksad tại Viện Trung Ðông cho rằng đây có thể là yếu tố “thay đổi cuộc chơi” không chỉ với Israel mà còn cả khu vực. Hezbollah được Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thành lập vào năm 1982 nhằm đối phó với chiến dịch quân sự của Israel tại Lebanon. Tổ chức này tiến hành cuộc chiến du kích dài 18 năm, buộc Tel Aviv rút hết lực lượng khỏi Lebanon vào năm 2000. Tổ chức này hoạt động như một đảng chính trị Hồi giáo dòng Shiite quyền lực trong Quốc hội Lebanon, đồng thời là nhóm bán quân sự bị Mỹ liệt vào danh sách tổ chức khủng bố. Kể từ sau cuộc chiến với Israel năm 2006, Hezbollah ngày càng phát triển và dần thay quân đội Lebanon trở thành lực lượng quân sự chính ở nước này.

Washington ước tính Iran phân bổ hàng trăm triệu USD mỗi năm cho Hezbollah. Năm 2021, thủ lĩnh Hassan Nasrallah tuyên bố Hezbollah có 100.000 chiến binh và kho tên lửa có thể tấn công tất cả các vùng của Israel. Theo đánh giá của giới chuyên môn, đơn vị vũ trang của Hezbollah hiện có quy mô tương đương đội quân cỡ trung bình ở châu Âu, trở thành mối đe dọa lớn trong khu vực. Tuy vậy, theo các nhà chiến lược, Hezbollah được huấn luyện chiến đấu trong chiến tranh bất đối xứng nên khó đánh bại Israel trong chiến tranh tổng lực. Ngoài ra, nhóm cũng phải tính đến dư luận ở Lebanon trong bối cảnh không còn nhận sự ủng hộ rộng rãi như năm 2006. Nếu mở mặt trận hỗ trợ Hamas, Israel có thể lấy đó làm cớ biện minh cho việc phá hủy Lebanon, quốc gia đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế tồi tệ. Gần 3/4 người dân Lebanon đang sống dưới mức nghèo khổ.

Ngoài 2 lực lượng chính kể trên, phong trào vũ trang khác ở khu vực bị cáo buộc nằm dưới sự bảo trợ của Iran là nhóm phiến quân Houthi ở Yemen. Ðây là một phong trào Hồi giáo Shiite kết hợp giữa chính trị và vũ trang, xuất hiện ở Bắc Yemen vào năm 1992. Houthi công khai bộc lộ quan điểm chống Mỹ, bài Do Thái và khối Arab. Không bao lâu, Iran gây được ảnh hưởng mạnh mẽ lên phong trào này và đến năm 2011, các lãnh tụ của nhóm tuyên bố hướng theo Iran về tư tưởng tôn giáo và chính trị. Kể từ năm 2014, theo đề nghị của chính quyền Yemen, Saudi Arabia đã lập và lãnh đạo liên minh quân sự chống phiến quân Houthi. Nhưng căng thẳng không giảm mà bị đẩy lên cao. Theo nguồn tin của Houthi, lực lượng này đang phát triển nhiều dòng vũ khí mới với sức mạnh vượt trội từ ngành sản xuất nội địa và sự trợ giúp chuyên môn từ nước ngoài, cùng linh kiện được chuyển bí mật từ Iran và nhiều quốc gia khác.

Sau cam kết của Mỹ ủng hộ Israel, lãnh đạo phong trào Houthi cho biết nhóm sẵn sàng phối hợp với các thành viên “trục kháng cự” và sẽ đáp trả bất kỳ sự can thiệp nào của Washington vào Gaza bằng máy bay không người lái, tên lửa và các lựa chọn quân sự khác. Tại Iraq, chính trị gia quyền lực Hadi Al-Amiri cũng đe dọa nhắm vào tài sản của Mỹ. Vốn là nhân vật chủ chốt trong liên minh cầm quyền ở Iraq, ông Al-Amiri còn lãnh đạo Tổ chức Badr. Ðây là nhóm chính trị người Shiite được Iran hỗ trợ và chiếm phần lớn Lực lượng Huy động Nhân dân (PMF) của Iraq - tổ chức bán quân sự nhà nước có nhiều phe phái được Iran hậu thuẫn. Các nhóm vũ trang khác như Kata’ib Sayyid al-Shuhada, Ashab al-Kahf, Asaib Ahl al-Haq, Kataib Hezbollah cũng có quan hệ thân thiết với Iran.

Bản đồ khu vực Trung Ðông.

Bài toán khó của Iran

Trong khi quân đội Israel bao vây hoàn toàn Dải Gaza, thì Iran theo đuổi sứ mệnh ngoại giao riêng là tập hợp lực lượng đứng sau người Palestine và nhóm chiến binh Hamas. Theo đó, Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian vừa rồi đã gặp lãnh đạo Hassan Nasrallah của nhóm vũ trang Hezbollah ở thủ đô Beirut của Lebanon và Tổng thống Syria Bashar al-Assad ở thủ đô Damascus. Ông Amirabdollahian cũng gặp thủ lĩnh phong trào Hồi giáo Hamas Ismail Haniyeh ở thủ đô Doha của Qatar.

“Trục kháng cự” tại Trung Ðông được cho bao gồm Iran, Syria, Hezbollah, Hamas và các nhóm chống Israel khác tại khu vực như ở Palestine, Iraq, Syria, Yemen và cả Afghanistan. Một phát ngôn viên của Hamas mới đây tuyên bố mục tiêu của “trục kháng cự” là hủy diệt Israel
và chống lại ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Ðông.

Theo các nhà phân tích, chuyến công du của Ngoại trưởng Amirabdollahian phản ánh tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran ở Trung Ðông, đồng thời cho thấy vì sao Israel và các quốc gia phương Tây tin rằng vai trò của Tehran có ý nghĩa lớn trước lo ngại xung đột ở Dải Gaza leo thang thành cuộc chiến lớn ở khu vực. Ðiều các nhà ngoại giao Arab và phương Tây chưa rõ hiện nay là tính toán thực sự của Iran đối với khủng hoảng. Cho đến nay, các kết quả được cho phù hợp với lợi ích của Iran, bao gồm đưa thực trạng của người Palestine lên hàng ưu tiên trong chương trình nghị sự của thế giới Hồi giáo. Chiến sự cũng trì hoãn tiến trình “bình thường hóa” quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia do Mỹ trung gian. “Các quốc gia Arab đang chịu áp lực rất lớn từ dư luận, điều đó buộc họ giữ khoảng cách với Israel và có thể tìm kiếm quan hệ tốt hơn với một Tehran ủng hộ Palestine” - một nhà phân tích Iran cho biết.

Dù vậy, xét về mặt tổng thể, giới chuyên môn cho rằng Iran không có lợi ích nếu cuộc chiến Israel - Hamas leo thang thành xung đột khu vực. Ðó là lý do vì sao Tehran phủ nhận mọi liên quan về các cuộc tấn công của Hamas. Về bản chất, Iran ủng hộ Hamas nhưng tổ chức Hồi giáo Sunni này có những khác biệt về hệ tư tưởng với Tehran theo dòng Shiite. Bên cạnh đó là lợi ích kinh tế cần bảo vệ. Bất kỳ sự leo thang nào cũng có nguy cơ khiến Iran trở thành mục tiêu của Mỹ và Israel.

Vấn đề không rõ hiện nay là Tehran cùng các lực lượng ủy nhiệm khu vực sẽ phản ứng thế nào nếu Israel theo đuổi một đợt tấn công quân sự lớn nhắm vào Gaza. Ahmad Dastmalchian, cựu đại sứ Iran tại Lebanon, cho biết sự tham gia của các nhóm chiến binh sẽ phụ thuộc vào hành động của Tel Aviv. Nhưng nếu kịch bản đó xảy ra, nó có thể là lý do Israel và các đồng minh dựa vào để đổ lỗi cho Iran.

Chia sẻ bài viết