29/03/2010 - 20:59

Các chuyên ngành mới của Trường Đại học Cần Thơ

Kỳ tuyển sinh năm 2010, Trường Đại học Cần Thơ mở 5 chuyên ngành mới: Tin học ứng dụng, Dược thú y, Vi sinh vật học, Hóa dược, Ngôn ngữ Pháp. Nhằm giúp thí sinh hiểu rõ hơn về các ngành mới, Báo Cần Thơ xin giới thiệu chi tiết về các chuyên ngành này.

1. Tin học ứng dụng

- Khối thi tuyển: A (Toán, Lý, Hóa)

- Thời gian đào tạo: 4 năm.

Ngành Tin học ứng dụng đào tạo kỹ sư Tin học ứng dụng có kỹ năng: sử dụng thành thạo tin học văn phòng, khai thác các phần mềm ứng dụng; phân tích thiết kế và quản trị hệ thống thông tin, sử dụng thành thạo các hệ quản trị cơ sở dữ liệu phổ biến, quản lý dự án tin học; thiết kế, xây dựng và quản trị hệ thống mạng, cũng như khắc phục các sự cố máy tính cho các cơ quan, trường học, doanh nghiệp.

Sau khi tốt nghiệp ngành này, sinh viên có thể làm việc tại các cơ quan hành chính, các doanh nghiệp trong và ngoài nước có ứng dụng công nghệ thông tin; các cơ quan thống kê xử lý số liệu, dự báo khuynh hướng dữ liệu trong tương lai; các công ty phát triển phần mềm, thiết kế website, gia công phần mềm; các đơn vị vận hành và phát triển công nghệ thông tin của các doanh nghiệp, cơ quan ban ngành, nhà máy, trường học, ngân hàng,... Ngoài ra, sinh viên còn có khả năng tự nghiên cứu để nâng cao trình độ.

2. Dược Thú y

- Khối thi: B (Toán, Hóa, Sinh)

- Thời gian đào tạo: 5 năm.

Ngành Dược Thú y đào tạo bác sĩ Thú y, chuyên ngành Dược Thú y. Người học được trang bị kiến thức cơ bản về toán học, vật lý học, dược liệu học, dược lâm sàng, bào chế dược phẩm, ngộ độc dược phẩm, kiểm nghiệm dược phẩm hoặc kiểm tra chất lượng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật (dư lượng các hóa chất, các hóa dược, các chất kháng sinh trong sản phẩm có nguồn gốc từ động vật: thịt, sữa, trứng), nghiên cứu các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ gìn vệ sinh môi trường.

Sau khi tốt nghiệp có thể làm cán bộ quản lý hoặc chuyên viên ở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thú y; cán bộ nghiên cứu ở Viện Thú y, Cục thú y, Trung tâm Thú y, trường, công ty,...

3. Hóa Dược

- Khối thi tuyển sinh: A, B.

- Thời gian đào tạo: 4 năm.

Ngành này đào tạo cử nhân Hóa học chuyên nghiên cứu thiết kế, tổng hợp và bào chế dược phẩm. Chương trình đào tạo được xây dựng nhằm cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về dược lý học và cách tác động của thuốc trong cơ thể; quá trình phát hiện, sàng lọc, tổng hợp dược phẩm; các phương pháp tách chiết và cô lập các hợp chất tự nhiên có hoạt tính sinh học. Bên cạnh đó chương trình cũng cung cấp cho sinh viên những kiến thức nền tảng thuộc lĩnh vực Hóa vô cơ, Hóa lý, Hóa phân tích, Sinh học và Sinh hóa. Sinh viên tốt nghiệp có đủ kiến thức và kỹ năng thực hành cơ bản để có thể làm việc trong ngành công nghiệp dược phẩm hoặc có thể học liên thông với chương trình đào tạo Dược sĩ.

4. Ngành Ngôn ngữ Pháp

- Khối thi tuyển sinh: D1 (Toán, Văn, Anh văn), D3 (Toán, Văn, Pháp văn)

- Thời gian đào tạo: 4 năm.

Ngành này được thiết kế nhằm giúp sinh viên tốt nghiệp hội tụ đủ những yêu cầu cần thiết về năng lực kiến thức, kỹ năng ngôn ngữ để giao tiếp hiệu quả bằng tiếng Pháp trong môi trường đa văn hóa, am hiểu sâu về nền văn hóa và xã hội Pháp...

Sau khi tốt nghiệp, có thể làm công tác hướng dẫn viên du lịch, biên dịch- phiên dịch tiếng Pháp, thư tín văn phòng, tiếp tân cho công ty, khách sạn và dự án, biên tập viên, phát nông viên, cộng tác viên cho các cơ quan thông tấn báo chí, đài phát thanh truyền hình; làm công tác văn thư, đối ngoại cho Sở Ngoại vụ, Nội vụ; làm công tác giảng dạy ở các trường phổ thông, trung tâm ngoại ngữ,...

5. Ngành Vi sinh vật học

- Khối thi tuyển sinh: B

- Thời gian đào tạo: 4 năm

Đây là ngành đào tạo cử nhân chuyên ngành vi sinh vật học. Người học sẽ được cung cấp kiến thức cơ bản và chuyên môn về vi sinh vật, chức năng vai trò của hệ vi sinh vật trong bảo quản và chế biến thực phẩm cùng những tác động có lợi và có hại của chúng trong quá trình sản xuất nông nghiệp; kiến thức về vai trò và ứng dụng của hệ vi sinh vật trong xử lý ô nhiễm môi trường và các ngành liên quan khác như vi sinh vật nông nghiệp, chăn nuôi thú y, vi sinh vật thủy sản, y học...

Sau khi tốt nghiệp, có thể làm việc ở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tham gia các đề tài, dự án liên quan đến lĩnh vực vi sinh vật; tư vấn, quản lý và làm việc ở các cơ quan xí nghiệp nhà máy chế biến và bảo quản nông - thủy sản, sản xuất thực phẩm dược phẩm, mỹ phẩm và phân bón; các phòng thí nghiệm phân tích kiểm nghiệm vi sinh, an toàn thực phẩm...

BÍCH NGỌC (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết