24/03/2011 - 09:08

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII:

Các báo cáo nhiệm kỳ công tác của Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đánh giá khá toàn diện công tác điều hành đất nước

* Thảo luận dự án Luật phòng, chống mua bán người

Sáng 23-3, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường thảo luận dự án Luật phòng, chống mua bán người.

Chủ trì phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các đại biểu Quốc hội trong thảo luận tập trung vào các nội dung còn có ý kiến khác nhau về hành vi bị nghiêm cấm; biện pháp phòng ngừa; hỗ trợ nạn nhân; thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân; trách nhiệm Chính phủ, bộ, ngành, địa phương trong phòng, chống mua bán người...

Báo cáo với Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba cho biết, so với dự thảo trước, bản dự thảo trình Quốc hội lần này có nhiều điểm được sửa đổi, bổ sung quan trọng liên quan đến khái niệm “hành vi mua bán người và các hành vi có liên quan”; các quyền của nạn nhân; tiếp nhận, xác minh nạn nhân bị mua bán trong nước, bảo vệ an toàn cho nạn nhân, việc thành lập các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân và hoạt động của các cơ sở này... Về khái niệm “hành vi mua bán người và các hành vi có liên quan” - một vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến, dự thảo luật đã quy định cụ thể các hành vi mua bán người và hành vi có liên quan đến mua bán người. Về tiếp nhận, xác minh nạn nhân bị mua bán trong nước, dự thảo được chỉnh lý theo hướng nạn nhân hoặc người đại diện hợp pháp của nạn nhân có thể đến UBND cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi gần nhất để khai báo về việc bị mua bán. Cơ quan, tổ chức tiếp nhận khai báo có trách nhiệm chuyển ngay người đó đến UBND cấp xã nơi cơ quan, tổ chức đặt trụ sở. UBND cấp xã thực hiện việc hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân trong những trường hợp cần thiết và thông báo ngay với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội. Trong thời hạn 3 ngày kể từ khi nhận được thông báo của UBND cấp xã, Phòng phải thực hiện việc tiếp nhận nạn nhân, hỗ trợ và phối hợp với cơ quan công an cùng cấp xác định thông tin ban đầu về nạn nhân...

Nhiều ý kiến nhấn mạnh tới vai trò của tuyên truyền trong việc phòng chống mua, bán người. Có ý kiến đề nghị trong tuyên truyền cần nhấn mạnh toàn bộ nội dung Điều 3. “Hành vi mua, bán người và các hành vi liên quan đến mua, bán người gồm: Mua, bán người; Chuyển giao, tiếp nhận người trái với ý muốn của họ nhằm bóc lột tình dục, bóc lột sức lao động, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người nhằm thực hiện các hành vi quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này” để người dân hiểu rõ, đặc biệt là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của Đại biểu Quốc hội để chỉnh lý cho phù hợp, trình Quốc hội trong thời gian tới.

* Chiều 23-3, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận, cho ý kiến vào báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007 - 2011 của Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Phần lớn các đại biểu đều bày tỏ sự đồng tình với báo cáo đánh giá công tác nhiệm kỳ 2007 - 2011 của Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, các báo cáo đã được chuẩn bị công phu kỹ lưỡng, đánh giá khá toàn diện những mặt được, chưa được cũng như nguyên nhân và nêu ra bài học kinh nghiệm, phương hướng khắc phục.

Đối với báo cáo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Nguyễn Đăng Kính (Hà Nội) đánh giá: 4 năm qua, Chính phủ đã đạt được nhiều việc, đặc biệt là đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ. Kinh tế có bước phát triển, đời sống nhân dân, an sinh xã hội được đảm bảo, an ninh quốc phòng được giữ vững, vị thế của Việt Nam được khẳng định trong khu vực và trên thế giới.

Các đại biểu Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), Trần Đình Long (Đắc Lắc), Vũ Quang Hải (Hưng Yên) thì cho rằng: nhiệm kỳ vừa qua Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, có những quyết sách kịp thời, hiệu quả. Đặc biệt là việc huy động vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn ODA trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động phức tạp, là một thắng lợi lớn, giúp cho nước ta đạt các mục tiêu đề ra về ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 150 tỉ USD, gấp hơn 2,7 lần, tổng vốn thực hiện đạt gần 45 tỉ USD, vượt 77% so với mục tiêu đề ra. Các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài đã góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh. Vốn ODA cam kết đạt trên 31 tỉ USD, gấp hơn 1,5 lần, giải ngân đạt khoảng 13,8 tỉ USD, vượt 16% so với mục tiêu đề ra.

Nhiều đại biểu cũng ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong việc tạo lập và vận hành các loại thị trường hàng hóa, dịch vụ như thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường lao động, dịch vụ tài chính...

Đại biểu Hà Văn Hiền cho rằng các cơ quan thuộc Chính phủ cần tăng cường hơn nữa trong công tác phối hợp. Việc ban hành chính sách và tổ chức thực hiện cần tập trung làm tốt hơn. “Trong ban hành chính sách giữa ngành này với ngành kia, nhiều việc lẽ ra các bộ, ngành có thể chủ động phối hợp với nhau thì Chính phủ lại phải vào cuộc làm cho việc thực hiện chậm trễ, hoặc ngành này ban hành chính sách lại mâu thuẫn với ngành khác” - ông Hiền nói. Đại biểu này kiến nghị: các giải pháp để tiến hành cơ cấu lại nền kinh tế, Chính phủ phải chỉ đạo tập trung hơn, quyết liệt hơn, phải xem xét việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế và cơ cấu lại nền kinh tế, sắp xếp doanh nghiệp và tăng cường công tác chỉ đạo đối với các doanh nghiệp; cần thể hiện rõ vai trò của Chính phủ với doanh nghiệp, vấn đề chủ sở hữu với các doanh nghiệp ra sao?

Đối với báo cáo của Chủ tịch nước, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cơ bản tán thành với nhiều nội dung đánh giá hoạt động của Chủ tịch nước về các mặt lập pháp, hành pháp và tư pháp. Song, mang theo những tâm tư của cử tri, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cũng như các đại biểu Nguyễn Đình Quyền, Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) băn khoăn về việc xem xét trao tặng danh hiệu và huân huy chương. Huân chương Lao động được trao tặng khá nhiều, như vậy đã thực chất hay chưa? đó là câu hỏi mà nhiều cử tri đã nêu.

Đại biểu Nguyễn Thành Lập mong Chủ tịch nước kịp thời khen thưởng người tốt việc tốt; tăng cường đội ngũ cán bộ tư pháp và chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ này. Bởi hiện nay, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ này chưa tương xứng so với vai trò “người cầm cân nảy mực”. Đi “vi hành” nhiều hơn nữa là điều mong muốn của cử tri với nhiệm kỳ Chủ tịch nước tới đây...

QUỲNH HOA-CHU THAHH VÂN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết