Huỳnh Kim
Khép lại sách “Chúng ta đòi hòa bình”, lòng còn bồi hồi về những câu chuyện thấm máu và nước mắt của phong trào yêu nước, đấu tranh đòi hoà bình của sinh viên, học sinh Sài Gòn giai đoạn 1969-1975. Nhân vật chính của sách là anh Huỳnh Tấn Mẫm, Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn nhiệm kỳ 1969-1971, hiện nay là bác sĩ y khoa và tiến sĩ triết học. Sách do Ðoàn Yên Kiều thể hiện, NXB Trẻ ấn hành quý III năm 2022
Sách gồm 14 chương: Cuộc “trao trả” bất thành; Mái lá ven đô, Từ Pétrus Ký tới Ðại học Y khoa, Nhận nhiệm vụ, Tham gia Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, Xây lực lượng, Dậy phong trào, Trận chiến trong tù, Ngọn cờ công khai, Ðòi tự trị đại học, chống huấn luyện quân sự học đường, Tiếng dội năm châu, Không thay đổi nhưng làm rung chuyển, Từ tia lửa bùng lên bão lửa, Hành trình tới đích. Phụ lục có các bài: Nhìn lại phong trào sinh viên, học sinh tranh đấu, Phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”, Ðoàn sinh viên Phật tử - điểm tựa vững chắc của phong trào sinh viên, học sinh, Các Ba, Má phong trào, Cuộc thi dành cho một người, Thầy Lý Chánh Trung nói về Huỳnh Tấn Mẫm, Ðồng đội nói về Huỳnh
Tấn Mẫm.
Chương đầu kể câu chuyện cuộc trao trả tù binh bất thành ở Lộc Ninh vào ngày 20-2-1974 vì anh Huỳnh Tấn Mẫm là đảng viên bí mật, được lệnh ở lại Sài Gòn tiếp tục hoạt động công khai. Sau này, anh Mẫm có tâm sự với đồng đội Ngô Ða: Năm 1974, thực hiện Hiệp định Paris về trao trả tù binh, thật lòng tôi muốn trao trả về Lộc Ninh, về “phe ta” cho sớm để thoát cảnh địa ngục trần gian, thoát những trận đòn tra khảo tàn khốc không thể tưởng tượng nổi. Nhưng do yêu cầu của tổ chức lúc bấy giờ, với tư cách là lãnh tụ phong trào sinh viên, học sinh đấu tranh công khai, tôi đòi địch trả tự do cho tôi về với gia đình tại Sài Gòn.
Nhưng ở Sài Gòn anh Mẫm vẫn bị giam tiếp. Tới cuối tháng 4-1974, anh bị áp tải bí mật rời Sài Gòn trong một chuyến xe xuyên đêm ra giam ở Bình Tuy; trại giam chỉ có một tù nhân là anh. Sang tháng 4-1975, khi Quân Giải phóng đánh tới Bình Tuy, trại giam chỉ còn hai người, một sĩ quan coi trại và anh. Từ đây tới sáng ngày 29-4-1975, khi anh Mẫm được trả tự do tại Dinh Hoa Lan của Ðại tướng Dương Văn Minh ở Sài Gòn, là một chuyến phiêu lưu. Xin trích: “Xuồng máy từ La Gi đến Long Hải. Gần 8 giờ sáng chiếc xuồng cập bờ. Ðại úy Ðức giải Huỳnh Tấn Mẫm vào Ty Cảnh sát Long Hải, đề nghị nơi đây tạm giam anh nhưng không được tiếp nhận. Cảnh sát ở Long Hải nói “Ðịch quân đánh vô tới rồi, giờ ai cũng chạy, lấy đâu ra người mà giữ tên này”… Giờ đây, giữa Huỳnh Tấn Mẫm và Ðại úy Ðức không nói ra nhưng giống như có một cam kết ngầm: Ðại úy Ðức không còn còng tay Huỳnh Tấn Mẫm, để anh tự do bên cạnh mình. Bản thân Huỳnh Tấn Mẫm cũng không bỏ trốn vì anh tôn trọng Ðại úy Ðức và biết ơn ông ấy đang cố gắng thực hiện chức trách của mình tới cùng; nếu là người khác, có thể họ đã chọn cách thủ tiêu anh Huỳnh Tấn Mẫm rồi phủi tay chạy trốn”.
Giữa hai chương này là hồi ức của Huỳnh Tấn Mẫm và nhiều đồng đội về giai đoạn tranh đấu cam go của phong trào sinh viên, học sinh thời đó. Như trong “Lời nói đầu” đã nhấn mạnh: “Phong trào thanh niên, sinh viên, học sinh Sài Gòn và các đô thị miền Nam là khúc ca bi tráng trong một giai đoạn lịch sử, được viết bằng máu và nước mắt của hàng vạn bạn trẻ đô thị miền Nam. Những con người từng bước qua cuộc đấu tranh đòi hòa bình luôn giữ lại trong phần sâu thẳm con tim mình những hình ảnh không bao giờ quên. Họ có niềm khao khát được nghe lại, kể lại những khoảnh khắc lịch sử ấy để đi tiếp chặng cuối cuộc đời bằng niềm tự hào và tâm hồn thanh thoát vì đã làm tròn ý nguyện. Họ cũng muốn để lại cho con cháu những câu chuyện để thế hệ sau biết được thế hệ cha ông đã sống và tranh đấu cho đất nước như thế nào”.
Thí dụ đây là một cảnh bắt bớ: “Riêng Lê Văn Nuôi, Chủ tịch Tổng đoàn Học sinh Sài Gòn, ngày 23-9-1971, anh bị bắt khi đang đi trên đường Công Lý. Bốn mật vụ đi trên hai xe honda bám theo Nuôi, chĩa súng, còng tay, bịt mắt tại chỗ, giải về Ty Cảnh sát Quận 3 trên đường Lê Văn Duyệt. Cảnh sát trong các phòng nghe tin bắt được Lê Văn Nuôi đều kéo ra sân nhìn mặt, có người chửi thề rồi nói: “Nghe tên tưởng dữ dằn lắm. Ai dè là thằng con nít!”. Xong họ bước tới mỗi người đấm đá Lê Văn Nuôi một cái rồi bỏ đi, mặt mũi Nuôi sưng vù nhức nhối”.
Thế hệ mười tám, đôi mươi của các anh chị, giờ nhiều người đã lên lão hết rồi (anh Mẫm năm nay 79 tuổi). Một số người đã nằm xuống trên quê hương Việt Nam hòa bình, nơi mà họ đã giành cả tuổi thanh xuân tranh đấu góp phần giành lại. Riêng nhân vật chính của cuốn sách: “Sau ngày giải phóng, tổ chức phân công tác gì anh Mẫm cũng lao vào làm bằng tất cả trái tim và khối óc, vẫn nhiệt tình say sưa như ngày nào, dù anh đã bị nhiều trắc trở trong công việc. Ðó là đặc trưng của Huỳnh Tấn Mẫm”, chị Nguyễn Thị Yến, cựu Tổng Thư ký Tổng hội Sinh viên miền Nam Việt Nam, kể ở trang 462.
“Anh Mẫm là một học trò giỏi, thông minh, siêng năng nên đã thành công trên đường học vấn (bác sĩ y khoa, tiến sĩ triết học). Trong lối sống, anh Mẫm luôn chọn cho mình cuộc sống giản dị, trong sạch, sống bằng lao động chân chính của mình, không tham ô, không hủ hóa… Cho đến giờ, anh Mẫm vẫn an vui với gia đình trong căn nhà bình dị, vừa làm trụ sở của một chi hội từ thiện mà anh là chủ tịch”, anh Nguyễn Xuân Lập, cựu Chủ tịch Ðoàn Sinh viên Phật tử Sài Gòn, cựu Giám đốc Công ty Sapharco, kể.