Truyện ngắn: nhật hồng
Vừa sáng sớm má đã cằn nhằn Thùy: “Má nói hồi đầu mùa rồi, không nuôi cá nuôi mắm gì, để ba bây nghỉ ngơi. Vậy mà hổng ai nghe, bây giờ ổng ở miết ngoài đồng, có đau ốm gì ai hay!”. Thùy xoa dịu: “Má ơi, ba nuôi cá trên ruộng lớn từng ngày vầy nè, mê chết luôn, má ra coi đi”. “Hông!”- thím Bảy vẫn còn thấy khó chịu trong lòng.
Biết ý của má nên Thùy không nói gì nữa, mà lặng lẽ giúp ba chăm sóc, cho thêm thức ăn để cá mau lớn. Ngày xưa, người ta nói: “Về sông ăn cá, về đồng ăn cua”. Thùy hay nói vui: “Qua tháng năm phát triển và sự thay đổi hướng đi của nhà nông thì câu này giờ đã lệch rồi. Về sông ăn cá, về đồng cũng ăn cá luôn, cua bây giờ quý lắm, không có đủ ăn đâu!”. Thùy ngầm giúp ba nuôi cá vì thấy quyết định của ba đúng lắm. Sau khi thu hoạch lúa, thời gian đất ở không từ giữa tháng 7 đến nửa tháng 10 âm lịch, ngót ba tháng trời! Chẳng lẽ bắt ba ngồi khoanh tay nhìn mưa, nhìn nước hay sao? Vả lại, cá trên ruộng ăn côn trùng dưới đất, bỏ ra trên mặt đất số phân rất tốt cho cây lúa.
Cái đặc biệt của khu vực xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ này là nuôi cá trong vuông ruộng của mình, không tốn tiền lưới đăng quầng như ở những nơi khác, lại phải đi thăm từng ngày coi mưa gió có trống chưn lưới hay không. Còn ở xã này, nuôi cá trên vuông ruộng, không phí sức, không lo lắng cá bị thất thoát vì bị lủng lưới, cứ ngồi nhà xem chừng đến vụ thu hoạch, cân cá là xong. Để giúp ba, Thùy còn đi tìm tòi cách nuôi cá trên đồng, mật độ cá, mực nước… để áp dụng đúng kỹ thuật, sách vở đàng hoàng. Nhưng cũng phải có thêm kinh nghiệm của ba và các chú bác xung quanh. Khi cá con đem về, ba Thùy không thả lên ruộng liền mà nuôi trong quầng lưới một thời gian, để cá khỏe mạnh đủ sức tồn tại và phát triển trong môi trường thiên nhiên.
Má Thùy thì phản đối kịch liệt, chủ yếu bởi lo cho sức khỏe của ba: “Cho người ta mướn ruộng làm, ba con lớn tuổi rồi, quanh năm quần quật ngoài đồng sao đặng, phải nghỉ dưỡng sức cho vụ sau”. Chỉ nhiêu đó mà ông bà lạnh nhạt nhau. Thùy biết ba hiểu tấm lòng của má, nhưng bắt ông ngồi không vài ba tháng hổng chừng sanh bệnh. Để hóa giải sự việc này, cha con Thùy tự nhủ chỉ có cách tốt nhứt là vụ cá phải thành công vượt bực!
Má không hiểu được niềm đam mê của ba đối với việc chứng kiến đàn cá lớn lên từng ngày, nên cứ hờn trách. Ngược lại ba bị cá thu hút mà quên đi nhà cửa, quên tối sớm. Có những buổi chiều, ba ngồi hàng giờ nhìn những đàn cá thong dong bơi lội, nhìn chúng đùa giỡn, tranh mồi làm nổi sóng mặt nước. Ba mê những con cá mè trắng lớn nhanh như thổi, ông còn nói với Thùy: “Mỗi loại cá đi ăn khác nhau, như cá mè dinh, mè trắng ăn khơi mặt nước, cá chép, cá rô phi ăn ngầm ở mặt đất, cá tai tượng săn mồi sống như cá lóc hung dữ. Từ những tính nết đó mà ba đã biết được số cá nuôi trong vuông của mình từng loài và cách nó lớn lên”.
Từ ngày cho cá lên đồng, ba dành gần hết thời gian cho việc chăm sóc cá, đám tiệc ông chỉ đi có mặt với xóm giềng rồi về nhà, miết ngoài vuông ruộng. Biết má không thèm ra vuông, ông vẫn vô thức như thói quen mấy chục năm nay mà hay reo lên: “Cá lớn nhanh mê quá má con Thùy ơi!”. Sự đam mê của ông còn kéo lên mâm cơm, đưa đề tài con cá mùa nước nổi để khoe với mọi người. Má bực bội, ba vẫn cứ nói: “Con cá ăn buổi sáng vào lúc mặt trời lên và chiều vào lúc trời xế qua. Cho nên nếu các con có cho cá ăn dặm thêm thì cũng vào giờ đó cho cá khỏe”. Chưa dứt câu đã bị chặn: “Cá ăn giờ nào ông biết rành, còn con mình túng thiếu ông có biết không? Đó, nó về xin tiền đóng tiền trường đó, lo cho nó đi!”.
Ba nhìn má rồi nhìn thằng Út mới từ trường đại học ở thành phố về. Mỗi lần về là cần tiền, ba biết, nhưng chưa vội, vẫn ôn tồn hỏi Út: “Chừng nào con đi, ba đã chừa sẵn phần cho con đi học mà!”. Bữa cơm có phần lạt lẽo. Ba dong ra chòi ruộng.
Nắng chiều nghiêng in bóng cây soi hình trên mặt nước. Ba hốt từng vốc lúa quăng cho cá ăn dặm. Cá tranh mồi quẫy đuôi cuộn sóng thành một quầng lớn, ba mê miết vung lúa xuống mặt nước. Từ phía sau lưng má nói khẽ: “Ông đừng giận, tui có phần sai, vì lo cho ông tuổi già ở ngoài đồng gió máy một mình không ai hay. Chớ biết ông luôn lo cho nhà cho cửa...”. Ba nhìn má. Không ngờ lần đầu má ra ruộng cá lại nên cơ sự. Cho qua nỗi niềm, ba nói: “Bà nhìn kìa, những con cá chạy vòng ngoài là cá mè trắng đó, nó nhanh lẹ hơn những loài khác. Mới hơn tháng mà mỗi con có cả ký, còn tháng rưỡi nữa, cá sẽ lớn cho coi. Bà nhớ đi, năm trước mình thu hoạch hai hecta này được 7 tấn cá, năm nay sẽ hơn. Tôi chắc chắn như vậy! Giá cá có dao động lên xuống, mình vẫn lời. Bà tính đi, mình sẽ có tiền cho thằng Út đóng tiền cả năm học tới, còn dư cho con Thùy chi phí lên tỉnh học thêm mấy lớp kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi ngăn ngắn. Thùy nó chịu thiệt nhiều hơn bạn bè đồng trang lứa, vì hồi đó nhà mình nghèo quá, may mà con nó tự học hỏi, nay đã rành và yêu thích chuyện đồng áng…”
Má cảm động nhìn cá tranh mồi làm thành cái vòng lớn trên mặt ruộng, nói: “Lâu lắm tui mới ra đây, cá năm nay nhiều thiệt”, rồi dè dặt: “Mà đừng tính trước, tui sợ bước không qua, tới đâu, tính tới đó!”.
Nói vậy thôi chứ trong bụng má đang nôn nao liên tưởng đến thu hoạch vụ cá nước nổi rộn ràng xóm ấp. Khi tát nước ra, cá lớn gom dần xuống trũng, kéo lưới cân cho bạn hàng, còn lại cá lóc, cá rô, cá sặc ít lắm cũng trăm ký, lại thêm nào là cua ốc, đem chia lối xóm ăn lấy thảo. Cá nào chết ngộp thì phơi khô dành ăn lâu ngày. Má vẫn luôn biết mùa nước nổi mang về phù sa cho đất màu mỡ và cũng là cơ hội giúp nông dân kiếm thêm tiền ăn học cho sấp nhỏ trong mấy tháng rảnh rỗi.
Ba thấy má dịu lại, nên mới bạo dạn nắm tay má: “Bà yên tâm, tui đã để tâm chăm sóc thì kết quả sẽ không đến đỗi tệ”. Chiều tối nhanh, má hối: “Vô nhà ông ơi, tối gió lạnh”. Má đi nép sát bên lưng ba. Thùy mở đèn sáng cả mảnh sân bên hiên nhà chờ ba má, thấy nụ cười mỉm của má và bàn tay siết nhẹ của hai người, cô biết mùa cá năm nay bình yên.