20/11/2008 - 14:35

Ca ghép tạng từ tế bào gốc đầu tiên trên thế giới

Claudia như được hồi sinh sau ca ghép tạng. Ảnh: Daily Mail

Cô Claudia Castillo ở Columbia (Mỹ) đã trở thành người đầu tiên trên thế giới được ghép nguyên cơ quan nội tạng được tạo ra từ chính tế bào gốc của mình. Theo báo chí Anh hôm 19-11, từ một bệnh nhân gần như nằm liệt giường sau khi khí quản bị nghẽn tắc do bị lao mãn tính, người mẹ 30 tuổi này giờ đã vui sống trở lại và có thể tự tay chăm sóc hai con sau 5 tháng tiếp nhận ca ghép khí quản nhân tạo tại Tây Ban Nha.

Ca ghép của Claudia thành công là nhờ ứng dụng kỹ thuật tiên phong của các nhà khoa học Anh – sử dụng tế bào gốc trưởng thành để phát triển nguyên cả nội tạng và ghép thành công vào cơ thể. Giáo sư phẫu thuật Martin Birchall của Đại học Bristol cho rằng kỹ thuật nuôi cấy mô ghép bằng tế bào gốc mà ông và các đồng nghiệp áp dụng có thể trở thành phương pháp ghép tạng thường quy trong vòng 2 thập niên tới, và có thể được dùng trong phẫu thuật thay thế tim, gan và phổi. Ngoài ra, do sử dụng tế bào gốc của chính người bệnh nên kỹ thuật trên tránh được tranh cãi về y đức liên quan đến việc sử dụng tế bào gốc phôi thai.

Khí quản được nuôi bằng tế bào gốc trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Daily Mail

Trước nay, bệnh nhân ghép tạng sau khi rời bàn mổ đều phải dùng thuốc chống thải ghép để chống lại “sự kỳ thị” của hệ miễn dịch. Điều này khiến họ dễ mắc biến chứng, nhiễm trùng hoặc ung thư. Với kỹ thuật ghép tạng từ tế bào gốc (còn gọi là tế bào chủ có thể được xử lý thành bất kỳ tế bào nào trong cơ thể), người bệnh không còn lệ thuộc vào thuốc kiềm chế hệ miễn dịch, nhờ vậy giảm thiểu nguy cơ xảy ra biến chứng có thể dẫn tới tử vong ở người ghép tạng.

Sử dụng một phần khí quản của một bệnh nhân chết do xuất huyết não, giáo sư Martin và đồng nghiệp “rửa sạch” tất cả các tế bào của người chết và chỉ chừa lại mỗi phần khung xương. Trong khi đó, tế bào gốc được trích xuất từ tủy xương của Claudia và được xử lý để tạo ra khoảng 6 triệu tế bào sụn – nguyên liệu tạo nên thành khí quản. Số tế bào này sau đó được một chiếc máy chuyên dụng cấy lên trên khung xương khí quản kể trên. Sau một thời gian, nó phát triển thành khí quản nhân tạo hoàn chỉnh. Kế đến, khí quản nhân tạo được uốn và cắt bớt theo đúng kích cỡ khí quản của Claudia trước khi được ghép vào cơ thể bệnh nhân.

Ca ghép này được thực hiện bởi giáo sư Paolo Macchiarini của Đại học Barcelona (Tây Ban Nha). “Chúng tôi cực kỳ phấn khởi với kết quả đạt được. Chỉ sau 4 ngày ghép, khí quản nhân tạo trông không khác gì so với phế quản bên cạnh”, giáo sư Paolo cho biết. Và điều quan trọng là từ đó đến nay, cơ thể của Claudia không có dấu hiệu “tẩy chay” nội tạng mới.

THIÊN LAM (Theo Telegraph, Daily Mail)

Chia sẻ bài viết