Mỗi năm, khi những cơn gió chướng non từ phương xa lao rao ngọn trở về châu thổ sông Cửu Long, nhìn các tán xoài ngà vàng những chùm bông dập dờn bao cánh ong hút mật là tôi nghe lòng dậy nên niềm vui mới: niềm vui Tết nhứt. Và khi ngọn gió chướng đã khá “cứng”, lồng lộng bạt ngã những cánh đồng vàng hươm ngọn lúa mùa; phần phật lay động những chân lông làm thanh niên “nhổ giò” lớn dậy, thiếu nữ ngực thêm căng tròn sức sống; ào ạt khiến xoài xanh lớn phổng phao tòn ten khắp cành nhánh, cũng là lúc tôi sắp sửa được thưởng thức món ngon đợi trông cả năm qua.
Khi Tết vừa mới qua, mùa này, sáng sớm nào cũng tràn ngập mù sương. Sương mờ phủ khiến ta nhìn mọi vật như bức tranh thủy mặc mơ màng. Những sợi tơ trời bay lang thang ngang lưng lửng ngọn cây như điểm xuyết cho không gian thêm phần lãng mạn. Mùa mù sương ấy khiến bụng dạ tôi nôn nao chờ nghe tiếng rao hàng thân quen văng vẳng từ dưới lòng sông vang lên những khuya khoắc đầu ngày. Đó là tiếng rao bán cá cháy.
Ba tôi nói, cá cháy (*) là loại cá ăn sương mà lớn lên. Cho nên, sương mù càng dày đặc càng là mùa có nhiều cá cháy xuất hiện. Cá cháy chỉ xuất hiện quanh quẩn quanh lưu vực cuối nguồn sông Hậu là Vàm Tấn (nay là Đại Ngãi, Sóc Trăng), Tân Dinh (giờ là Tân Quy, Cầu Kè, Trà Vinh) và Trà Ôn (Vĩnh Long) khi những ngọn gió chướng từ biển Đông “lùa” chúng vào. Ngư dân xưa thường câu cá cháy nhưng sau này người ta chài để bắt chúng được nhiều hơn và nhanh hơn. Vẫn theo ba tôi, cá cháy là loài rất “đỏng đảnh”. Dù mới vừa bắt lên khỏi nước, cho vô khoang xuồng đầy nước liền, vậy mà chúng vẫn tắt thở, lìa đời! Để giúp người ta có những miếng tươi ngon nhớ đời, khi đánh bắt được số cá kha khá, là ngư phủ nhanh tay chèo ghe dài theo các bến sông với tiếng rao vang vọng trong sương sớm: “Cá cháy... đây...!”. Mỗi lần nghe tiếng rao cá âm vang đến nao lòng là má tôi vội vàng xuống bến sông kêu ngoắc họ lại. Bà chọn mua con cá vừa ý, có con nặng tới vài ba ký lô. Tôi đã nhiều lần thức sớm, ra bờ sông coi má chọn cá trong ánh đèn dầu lù mù của buổi sáng tinh sương. Nhìn những chiếc vảy to sắp đều đặn trên thân cá ánh bạc, tôi thấy chúng đẹp như bạch ngọc mà mê mẩn cả thần hồn!
Má tôi bắt con cá có dạng hình bầu dục, thân to và dẹt, lưng màu xám, lườn và bụng trắng bạc, để nguyên vảy, mổ bụng, móc bao tử, ruột và nhất là đùm trứng vàng hươm chiếm gần hết diện tích ổ bụng, để riêng. Cá rửa sạch, cắt khúc. Món “ruột” của má tôi là nấu canh chua cá cháy với xoài sống. Má tôi nấu nồi nước sôi, thả từng khứa cá vô, nước sôi lượt nữa, nêm nếm gia vị (không cần bột ngọt - lúc bấy giờ đã có bột ngọt Ajinomoto) xong là nhấc xuống. Để đó. Trước bữa cơm trưa, má tôi hâm nồi canh sôi lại, rồi múc từng vá vừa nước vừa cá và trứng cá vô tô lớn, sau đó bằm xoài tượng xắt lát thả vô. Dùng đũa trộn đều, đã có tô canh vừa chua dịu vị xoài sống vừa ngọt thịt cá vừa béo đùm trứng. Cả nhà ai cũng gắp thịt cá chấm nước mắm nhĩ giằm ớt hiểm xanh ăn mê mải. Ba tôi thường căn dặn anh em tôi phải cẩn thận kẻo nuốt nhằm xương cá thì nguy. Bởi cá cháy có bộ xương to lớn, mắc xương - thời đó - ở vùng quê xa, không thể nào lấy ra được mà không ảnh hưởng tới sức khỏe!
Riêng mấy khứa cá cháy còn lại, má tôi kho rim với nước dừa, đáy nồi lót lớp mía chẻ. Trên ngọn lửa liu riu, vài giờ sau, các khứa cá trong nồi mềm ra nhưng vẫn còn nguyên hình dạng. Cả nhà tôi ai thưởng thức món này cũng đều tấm tắc khen ngợi. Nhưng má tôi không hài lòng, bà cứ cằn nhằn kho như vẫn vậy vẫn chưa bằng chị dâu bà con họ của tôi. Má tôi “rủa” con nhỏ đó coi vậy mà hiểm. Không biết sao mà nó kho cá cháy cũng như mình vậy mà mềm mục như cá mòi Sumaco của Ma Rốc. Lại còn để được vài ba ngày, vẫn thơm ngon. Đem lên Sài Gòn biếu bà con cô bác, ai ăn cũng ngậm ngùi nhớ tới quê nhà xa lắc. Ngon ác liệt là vậy nên má tôi tức vì nó chỉ cho bà không được “ thiệt tình”!
Ngày nay má tôi đã trở thành người thiên cổ, bà chị dâu kia chẳng còn trên đời và con cá cháy kia cũng đã trở thành “bóng chim tăm cá” từ những năm 1960. Chính vì niềm hoài vọng món ngon chẳng bao giờ có lại mà học giả Vương Hồng Sển khi còn sinh tiền đã từng hạ bút trong quyển “Tự vị tiếng Việt miền Nam”, rằng: “Đại Ngãi, tới mùa cá cháy rất ngon”. Cá cháy đã trở thành “hải vị mùa xưa” trong tâm thức tôi. Nên khi gió chướng lồng lộng trở về, nên khi mù sương dày đặc các ngả đường, nên khi xoài tượng sống bán đầy các chợ, là, nhất định, bụng dạ tôi nôn nao nhớ đến con “cá cháy mùa xưa” - con cá cháy cổ tích giờ đã biệt tăm!
PHÙ SA LỘC
(*) Theo “Từ điển tiếng Việt” của Viện Ngôn ngữ học, Nhà xuất bản Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, 1998, thì cá cháy “cùng họ cá trích (tên khoa học Macrura ruversil) nhưng lớn hơn nhiều, thường (từ biển) vào sông để đẻ”.