Tổ hợp tác (THT) sản xuất gạo sạch My Hậu xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, ra mắt vào tháng 12-2018 với 8 thành viên, diện tích đất sản xuất 30ha. Tuy chỉ mới hơn 1 năm đi vào hoạt động, thế nhưng THT đã có những bước tiến đáng kể trong hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Vượt qua những trở ngại, khó khăn ban đầu về sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, an toàn, THT từng bước đi vào hoạt động ổn định, các thành viên ngày càng tin tưởng vào hiệu quả kinh tế khi chuyển đổi phương thức sản xuất truyền thống sang canh tác lúa không sử dụng phân, thuốc hóa học. Ông Phạm Ngọc Chúc, thành viên THT My Hậu, nói: “Trong những vụ sản xuất đầu tiên ứng dụng quy trình canh tác theo hướng hữu cơ, an toàn tôi còn nghi ngờ về hiệu quả, vì từ trước tới nay canh tác lúa phải bón phân, xịt thuốc thì lúa mới trúng, mới đạt năng suất nhưng dần dần được chuyển giao khoa học kỹ thuật, quy trình canh tác mới, mặc dù năng suất không cao nhưng vẫn có hiệu quả kinh tế, lúa bán được giá nên lợi nhuận vẫn đảm bảo. Từ đó tôi cùng các thành viên mạnh dạn sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, an toàn”.

Ông Dương Đình Vũ, Tổ trưởng THT gạo sạch My Hậu thăm ruộng lúa tím thảo dược sắp thu hoạch.
Theo ông Dương Đình Vũ, Tổ trưởng THT My Hậu, quy trình canh tác lúa của THT khá nghiêm ngặt, ngay cả khâu ngâm ủ giống cũng không được sử dụng thuốc kích thích nẩy mầm, sinh trưởng, cỏ dại thì xử lý trước khi gieo sạ hoặc thuê nhân công loại bỏ bằng phương pháp thủ công. Trong suốt quá trình canh tác chỉ bón lót phân Urê cử đầu tiên còn lại sử dụng phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học trong việc phòng trừ sâu bệnh… có như vậy thì sản phẩm gạo mới đảm bảo an toàn. Điều đáng mừng là sản phẩm gạo sạch My Hậu đang từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường, ngày càng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
Nhớ lại buổi đầu thành lập THT, sản phẩm gạo sạch My Hậu chưa được người tiêu dùng biết đến nên sản lượng tiêu thụ chưa nhiều nhưng nhờ kiên trì tìm kiếm đầu mối tiêu thụ, sản phẩm gạo My Hậu từng bước được người tiêu dùng đón nhận. Ông Dương Đình Vũ, cho biết: “Tôi tìm đến rất nhiều nơi để chào hàng, không chỉ các cửa hàng ở TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận: Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, TP Hồ Chí Minh mà cả các tỉnh giáp biên giới với Campuchia… Giờ đây có thể nói, sản phẩm gạo sạch My Hậu sản xuất không đủ bán, nhiều cơ sở ngỏ ý ký hợp đồng tiêu thụ với số lượng lớn nhưng sản phẩm của THT chỉ có hạn. Thị trường tiêu thụ chủ yếu hiện nay là ở TP Cần Thơ, Long An, Hồ Chí Minh và Hà Nội”.
Vụ đông xuân này với 30ha đất canh tác, THT cung ứng ra thị trường khoảng 200 tấn lúa tươi, tương đương 150 tấn gạo giống ST24, một trong những sản phẩm gạo được người tiêu dùng ưa chuộng nhất hiện nay với giá bán sỉ 100.000 đồng/gói (5kg). Như vậy, sau khi trừ chi phí, mỗi héc-ta các thành viên thu lợi nhuận hơn 26 triệu đồng, cao hơn 6-7 triệu đồng/ha so với canh tác kiểu truyền thống. Đặc biệt, vụ này THT còn sản xuất thêm 1ha giống lúa tím thảo dược, loại gạo này có giá bán lẻ trên thị trường hiện nay là 50.000 đồng/kg. Theo ông Dương Đình Vũ, Tổ trưởng THT, gọi là lúa tím thảo dược vì giống lúa này được cho là rất tốt cho sức khỏe, nhất là đối với những người mắc bệnh đái tháo đường… Tuy nhiên, giống lúa này thời gian sinh trưởng dài hơn các giống lúa khác từ 10-15 ngày nên THT sẽ nghiên cứu để nhân rộng diện tích canh tác và xây dựng thương hiệu riêng, trở thành một trong những sản phẩm chủ lực của THT. Sản phẩm lúa tím này đã được Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh lựa chọn, bổ sung danh mục sản phẩm tham gia chương trình OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) năm 2019. Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi giúp THT phát triển trong thời gian tới.
Cùng với đó, để đáp ứng nhu cầu của thị trường và xu hướng phát triển của nền nông nghiệp, THT đang nhờ ngành nông nghiệp huyện và chính quyền địa phương tư vấn chính sách, hướng dẫn thủ tục và hỗ trợ THT xây dựng phương án sản xuất kinh doanh tiến lên thành lập Hợp tác xã (HTX). Ông Dương Đĩnh Vũ, Tổ trưởng THT My Hậu, nói: “Thành lập HTX nhằm tận dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước, có điều kiện mở rộng quy mô canh tác lúa hữu cơ, bao tiêu hàng hóa cho thành viên và xây dựng vùng nguyên liệu cho HTX, cũng như có tư cách pháp nhân ký kết hợp đồng cung ứng sản phẩm cho đối tác, giúp thành viên và bà con nông dân nâng cao thu nhập”. Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện tích cực hỗ trợ các THT, HTX nói chung THT My Hậu nói riêng trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, quy trình canh tác lúa theo hướng hữu cơ, an toàn, giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu, giúp gạo sạch My Hậu có chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng đón nhận. Việc THT nâng lên thành HTX là phù hợp với xu thế và tiến trình phát triển chung của nền nông nghiệp, vì vậy Phòng NN&PTNT huyện đang tích cực hỗ trợ THT xây dựng phương án sản xuất kinh doanh với các ngành nghề phù hợp, giúp HTX hoạt động hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và tái cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương”.
Bài, ảnh: MINH HẢI