07/12/2007 - 15:54

Dự án xây dựng Nhà máy lọc dầu tại TP Cần Thơ

Bước khởi động mới

Việc thuê đất xây dựng Nhà máy lọc dầu tại TP Cần Thơ đã được xúc tiến từ giữa năm 2004. Thế nhưng đến nay, dự án này vẫn chưa được triển khai. Vậy khi nào sẽ khởi công xây dựng nhà máy lọc dầu? Xây dựng ở đâu? Có tác động gì đến môi trường? Đó là những vấn đề đang được nhiều người quan tâm.

Nhiều thay đổi

Ngày 30-6-2004, Công ty Cổ phần Đầu tư –Thương mại Viễn Đông (trụ sở tại TP Hồ Chí Minh) đã ký ghi nhớ với Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ về việc xin thuê 80 ha đất thô tại Khu công nghiệp Hưng Phú, để xây dựng nhà máy lọc dầu có công suất 1 triệu tấn dầu thô/năm. Dự án trên do Công ty Cổ phần Đầu tư –Thương mại Viễn Đông liên doanh cùng một tập đoàn kinh tế của Trung Quốc làm chủ đầu tư.

Trước yêu cầu thuê đất của nhà đầu tư, UBND TP Cần Thơ có công văn xin ý kiến và được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phúc đáp rằng dự án xây dựng nhà máy lọc dầu tại Cần Thơ phù hợp với chủ trương của Chính phủ về khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực dầu khí. Tuy nhiên, nhà máy lọc dầu công suất 1 triệu tấn dầu thô/năm là loại nhà máy mi-ni thường có hiệu quả đầu tư thấp, nên cần xây dựng nhà máy có công suất 2 triệu tấn dầu thô/năm. Từ ý kiến trên, chủ đầu tư đã đề nghị nâng công suất nhà máy lọc dầu tại Cần Thơ lên 2 triệu tấn/năm, với số vốn đầu tư 250 triệu USD.

Đến ngày 26-9-2006, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư –Thương mại Viễn Đông và Chủ tịch UBND TP Cần Thơ ký kết bản ghi nhớ về việc tái xác định vị trí xây dựng nhà máy lọc dầu công suất 2 triệu tấn dầu thô/năm tại KCN Hưng Phú. Diện tích đất thuê được điều chỉnh lên 100 ha, tổng vốn để thực hiện dự án tăng lên 400 triệu USD. Ngày 27-7-2007, UBND TP Cần Thơ có Tờ trình số 48/TTr.UBND về việc điều chỉnh vị trí đầu tư xây dựng Nhà máy lọc dầu công suất 2 triệu tấn dầu thô/năm tại TP Cần Thơ gởi đến và được các bộ, ngành có liên quan ủng hộ. Theo đó, Nhà máy lọc dầu Cần Thơ công suất 2 triệu tấn dầu thô/năm, tổng vốn đầu tư được điều chỉnh tăng lên 580 triệu USD do Công ty Cổ phần Đầu tư –Thương mại Viễn Đông liên doanh cùng Công ty Semtech Limited B.V.I của Hoa Kỳ làm chủ đầu tư. Nhà máy sẽ được xây dựng trên phạm vi 250 ha đất ở địa bàn phường Phước Thới, quận Ô Môn (trong vùng quy hoạch xây dựng khu công nghiệp Ô Môn). Chủ đầu tư đang lập thủ tục triển khai thực hiện dự án tại địa bàn quận Ô Môn.

Đồng thuận từ nhiều phía

 Những khu đất nông nghiệp ở phường Phước Thới nằm gần Trung tâm Điện lực Ô Môn đã được quy hoạch xây dựng Nhà máy lọc dầu Cần Thơ. Ảnh: NHẬT CHÁNH

Do dự án xây dựng nhà máy lọc đầu thuộc loại “nhạy cảm”, nên thời gian qua TP Cần Thơ đã xin ý kiến và nhận được sự ủng hộ của nhiều bộ, ngành về việc xây dựng nhà máy lọc dầu tại TP Cần Thơ.

Đối với dự án xây dựng nhà máy lọc dầu tại Cần Thơ, Văn phòng Chính phủ đã 2 lần ban hành văn bản (số 4193/VPCP-DK và số 4478/VPCP-DK) để bày tỏ quan điểm chấp thuận chủ trương lập dự án nhà máy lọc dầu 2 triệu tấn/năm tại TP Cần Thơ và đề nghị UBND TP Cần Thơ yêu cầu nhà đầu tư xây dựng nhà máy trên cơ sở lựa chọn địa điểm phù hợp với quy hoạch chung xây dựng TP Cần Thơ đến năm 2025.

Nhà máy lọc dầu tại Cần Thơ phải thực hiện các điều kiện: Nhà nước Việt Nam không cam kết cung cấp dầu thô, nhà máy lọc dầu phải có công nghệ thiết bị tiên tiến, hiện đại để đảm bảo chất lượng sản phẩm và an toàn tuyệt đối về môi trường; giá bán sản phẩm của nhà máy theo cơ chế chung áp dụng cho các nhà máy lọc dầu ở Việt Nam. Ngân sách nhà nước không cam kết xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ trực tiếp cho nhà máy và giao Bộ Công nghiệp thông báo cho nhà đầu tư rõ về chiến lược phát triển dầu khí đến năm 2025.

Ngày 10-9-2007, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn đề nghị UBND TP Cần Thơ hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện việc lập báo cáo đầu tư tại địa điểm mới theo đúng các quy định hiện hành. Còn Bộ Giao thông Vận tải thì yêu cầu chủ đầu tư khi lập báo cáo đầu tư cần nghiên cứu và có các hồ sơ cụ thể về giao thông vận tải như: vị trí, quy mô, công suất các bến chuyên dụng... Theo Công văn số 1773/BXD-KTQH ngày 16-8-2007 của Bộ Xây dựng thì việc điều chỉnh vị trí nhà máy lọc dầu từ Khu công nghiệp Hưng Phú đến Khu công nghiệp Ô Môn là phù hợp với quy hoạch của TP Cần Thơ.

Riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường thì cho rằng theo các quy định hiện hành, dự án xây dựng nhà máy lọc dầu thuộc diện phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt làm căn cứ phê duyệt dự án đầu tư. Do đó, chủ đầu tư phải sớm hoàn tất việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Riêng Bộ Công Thương và Bộ Tài chính thì yêu cầu chủ đầu tư phải giải trình thêm về năng lực tài chính của phía liên doanh nước ngoài, cũng như cơ cấu vốn vay.

Quyết tâm của nhà đầu tư

Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Đức, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư –Thương mại Viễn Đông, khu vực ĐBSCL đang cần khoảng 4 -5 triệu tấn xăng dầu/năm và nhu cầu này sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những năm tiếp theo cùng đà tăng trưởng kinh tế-xã hội của vùng. Do vùng ĐBSCL chưa có nhà máy lọc dầu nên toàn bộ nhu cầu về xăng, dầu của khu vực từ trước đến nay đều phụ thuộc vào nhập khẩu. Vì thế, việc đầu tư xây dựng Nhà máy lọc dầu tại TP Cần Thơ-trung tâm của vùng ĐBSCL-có triển vọng phát triển rất tốt. Ông Đức nói: “Chúng tôi cùng đối tác của mình quyết định đầu tư vào Cần Thơ cũng nhằm khai thác các tiềm năng trên. Điều đáng mừng là dự án xây dựng Nhà máy lọc đầu tại TP Cần Thơ được sự đồng thuận của các cơ quan Trung ương và sự nhiệt tình ủng hộ của lãnh đạo TP Cần Thơ”.

Trao đổi trực tiếp với phóng viên Báo Cần Thơ về tiến độ triển khai thực hiện dự án xây dựng Nhà máy lọc dầu tại TP Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Đức cho rằng chủ đầu tư phải mất 4 tháng lập thủ tục đầu tư, do việc thay đổi địa điểm nhà máy từ KCN Hưng Phú về KCN Ô Môn. Đến thời điểm này, chủ đầu tư đã hoàn tất báo cáo đầu tư cũng như giải trình thêm cho các cơ quan Trung ương và thành phố. Trong đó, vấn đề năng lực tài chính của chủ đầu tư đã được khẳng định. Nguồn vốn đầu tư cho dự án là vốn tự có của nhà đầu tư (Công ty Cổ phần Đầu tư –Thương mại Viễn Đông góp 30% vốn, Công ty Semtech Limited B.V.I của Hoa Kỳ góp 70% vốn). Chủ đầu tư của dự án Nhà máy lọc dầu Cần Thơ đã tính đến 2 phương án mua nguyên liệu: mua dầu thô của Việt Nam theo giá đấu thầu quốc tế hoặc nhập khẩu từ Trung Đông, Indonesia. Vấn đề môi trường, trong các hồ sơ của dự án chủ đầu tư đã cam kết thực hiện theo tiêu chuẩn Euro 3 của Châu Âu và tiêu chuẩn Việt Nam. Chủ đầu tư đang hoàn tất báo cáo đánh giá tác động môi trường để bổ sung vào hồ sơ xin cấp giấy phép đầu tư. Ông Nguyễn Văn Đức cho biết thêm: “Chúng tôi đang cố gắng sớm hoàn tất thủ tục để kịp khởi công xây dựng nhà máy vào cuối quý II-2008 và đưa vào sản xuất vào cuối quý II-2010”.

Được biết, chủ đầu tư kết hợp cùng Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khảo sát sơ bộ địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu (250 ha đất nằm cạnh Trung tâm Điện lực Ô Môn). Kết quả khảo sát cho thấy, trong phạm vi xây dựng nhà máy lọc dầu hiện có khoảng 1.000 hộ dân với khoảng 4.000 nhân khẩu. Do đó, việc bồi thường thiệt hại giải phóng mặt bằng và lo chỗ tái định cư được cảnh báo là vấn đề khó mà chủ đầu tư sẽ phải gặp trong thời gian tới. Ông Nguyễn Văn Đức nhìn nhận: “Từ trước đến nay, người dân trong vùng quy hoạch đã sống được nhờ vào nghề chăn nuôi, trồng trọt trên phần đất của mình. Khi thực hiện dự án, bà con bị thu hồi hết đất sản xuất và chỉ được bố trí khoảng 100m2 đất ở trong khu tái định cư nên sẽ gặp khó khăn. Do đó, quan điểm của chúng tôi là phải tính toán để người dân không bị thiệt thòi”.

Khi Nhà máy lọc dầu Cần Thơ đi vào hoạt động với doanh thu dự kiến hàng chục ngàn tỉ đồng/năm sẽ là đột phá trong tiến trình công nghiệp hóa ở TP Cần Thơ. Hy vọng rằng những cam kết của chủ đầu tư (về bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền lợi của người dân trong vùng quy hoạch...) sẽ được thực hiện nghiêm để dự án này thực sự tạo ra động lực mới, thúc đẩy sự phát triển của TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL.

Bài, ảnh: Nhật Chánh

Chia sẻ bài viết