29/04/2019 - 09:51

Bước chuyển ở xã Nhơn Nghĩa 

          44 năm sau ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, xã Nhơn Nghĩa anh hùng ngày càng chuyển mình khởi sắc, hướng tới xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2020.

Gia đình ông Nguyễn Văn Liên có vườn chuyên canh chôm chôm. Ảnh: Hồ Thức

 Xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền là vùng đất từng hứng chịu đạn xới, bom dội, pháo gầm của quân địch trong kháng chiến. Trân quý từng tấc đất thấm đẫm máu xương của biết bao liệt sỹ, thương binh, của đồng bào không ngại gian khổ, hy sinh cho kháng chiến, ngay từ những ngày đầu quê hương được giải phóng, bà con nhân dân đã ra sức vun đắp, nhanh chóng phủ đầy bằng sắc màu rạng rỡ của ruộng lúa, hoa màu, cây trái. 

          Ông Nguyễn Văn Liên, ngụ xã Nhơn Nghĩa vẫn nhớ như in những năm tháng đầu khó khăn, vất vả do chiến tranh tàn phá: Cán bộ, chiến sỹ trở về trong kháng chiến, nhân dân tản cử trở về thì đất hoang hóa, rồi đủ thứ chất nổ, rồi hố bom... thiếu thốn trăm bề. Nhưng mọi người cố gắng phấn đấu, đi từng bước, từng bước để vươn lên trong cuộc sống… Một trong những khó khăn rất lớn ở giai đoạn này là máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất rất ít. “Mới giải phóng ra, các vườn cây ăn trái, chủ yếu là vườn cam ở đây 90% bà con toàn tưới bằng tay hết, dùng thau, dùng gàu tưới lên. Nói chung mấy năm đó gian nan, vất vả lắm, nhưng mà bà con cũng vượt qua được...”  – ông Nguyễn Hoàng Minh, ngụ ở xã Nhơn Nghĩa hồi tưởng.

Di tích lịch sử Giàn Gừa có cảnh quan độc đáo hấp dẫn du khách. ẢNh: Hồ Thức

      Có được độc lập, tự do, có cuộc sống dần ấm no, hạnh phúc, nhân dân địa phương vẫn luôn quan tâm giáo dục con cháu những truyền thống quý báu của quê nhà... Giàn Gừa - một trong những căn cứ quan trọng của cách mạng, là một địa chỉ đỏ đang được giữ gìn và phát huy ở xã Nhơn Nghĩa. Trao đổi với chúng tôi ngay tại Giàn Gừa – Di tích lịch sử cấp thành phố, ông Nguyễn Văn Xô, xã Nhơn Nghĩa, cho biết: Đây là nơi góp phần giáo dục truyền thống, dạy dỗ cho con cháu chí thú làm ăn, về tham gia hoạt động xã hội, về bảo vệ đất nước cho tốt đẹp, rồi nghiên cứu mở ra làm du lịch...

       Những cây gừa bị trúng bom đạn của địch, vẫn kiên cường đứng vững bằng sức sống mãnh liệt, vẫn bén rễ, đâm chồi, hiên ngang bảo vệ quân và dân địa phương. Di tích lịch sử hàng trăm năm tuổi gắn liền đời sống văn hóa tinh thần, với truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc, đến nay vẫn phát triển tốt tươi đón chào du khách gần xa, là hình ảnh minh chứng cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nhơn Nghĩa phát huy truyền thống cách mạng tốt đẹp vào phát triển kinh tế – xã hội, ổn định quốc phòng – an ninh. Đó là những con đường không còn lầy lội vào mùa mưa, trong đó có trên 90% đường liên ấp, gần 70% đường ngõ, xóm được bê tông hóa; 5/6 trường học đạt chuẩn quốc gia;  trên 88% nhà ở đạt chuẩn, không còn nhà tạm, dột nát; những vườn cây ăn trái hiệu quả kinh tế cao gắn với khai thác du lịch góp phần nâng cao thu nhập nhân dân... Các tiêu chí nông mới không ngừng được nâng chất bởi quyết tâm của thế hệ hôm nay. “Phát huy truyền thống cách mạng của ông cha, lớp trẻ của chúng tôi quyết đoàn kết một lòng, ra sức phát triển quê hương, cụ thể là đầu tư các tuyến đường trọng điểm, thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trọng tâm là phát triển vườn cây ăn trái, nâng chất cảnh quan môi trường... quyết tâm vào năm 2020, xã Nhơn Nghĩa được công nhận xã nông thôn mới nâng cao” - ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Nhơn Nghĩa nhấn mạnh

      Xã Nhơn Nghĩa là điểm tập kết, xuất phát của một cánh quân vượt sông Cần Thơ tiến qua Lộ Vòng Cung, góp phần giải phóng Cần Thơ, giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đó là niềm tự hào, nguồn động viên để cấp ủy, chính quyền và nhân dân Nhơn Nghĩa thi đua xây dựng xã nhà ngày thêm giàu đẹp.

Hồ Thức

Chia sẻ bài viết