19/04/2016 - 10:18

Brexit sẽ khiến Vương quốc Anh “nghèo đi lâu dài”

Đó là cảnh báo của Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne (ảnh), khi nghiên cứu của cơ quan ngân khố cho thấy nền kinh tế xứ sương mù sẽ sụt giảm 6% GDP và thu nhập hằng năm của mỗi hộ dân mất khoảng 4.300 bảng Anh vào năm 2030, nếu cử tri bỏ phiếu chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Vết thương Brexit

Trong cảnh báo ảm đạm nhất từ trước đến nay của chính phủ đối với chiến dịch trưng cầu dân ý, Bộ trưởng Osborne mô tả Brexit – kế hoạch bỏ phiếu để quyết định Vương quốc Anh sẽ ở lại hay rời khỏi EU – là "vết thương tự gây ra bất thường nhất".

Theo báo Anh Guardian, ngày 18-4, ông Osborne tiến hành một trong những bước đi quan trọng nhất của chính phủ trong chiến dịch trưng cầu dân ý là công bố báo cáo 200 trang của Bộ Tài chính để trình bày những tổn thất và lợi ích khi là thành viên EU. Trong bài báo đăng trên tờ The Times ngày 18-4, ông viết: "Kết luận rất rõ ràng đối với nền kinh tế Anh và các hộ gia đình - rời khỏi EU sẽ là vết thương tự gây ra bất thường nhất". Ông cảnh báo rằng sự lựa chọn mà Thị trưởng Luân Đôn Boris Johnson ủng hộ – tức một thỏa thuận giống với thỏa thuận thương mại EU-Canada – sẽ khiến Anh suy giảm kinh tế 6% vào năm 2030. Những người ủng hộ duy trì tư cách thành viên EU ở Anh cũng cho rằng thỏa thuận EU-Canada sẽ là một thảm họa cho Vương quốc Anh bởi nó loại trừ các dịch vụ tài chính, một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế nước này.

Bộ trưởng Osborne hỏi liệu đó có phải là "cái giá đáng phải trả" hay không khi hiện không có một mô hình nào khác để Vương quốc Anh tiếp cận một thị trường riêng lẻ mà không cần hạn ngạch và thuế quan, trong khi vẫn giữ được qui định của mình. Theo ông, có một học thuyết kinh tế tồn tại từ lâu là cởi mở và kết nối với nhau càng nhiều giúp thúc đẩy năng lực sản xuất của nền kinh tế. Đó là bởi vì một nền kinh tế mở làm tăng sức cạnh tranh giữa các công ty, giúp họ hiệu quả hơn khi đối mặt với sự lựa chọn của người tiêu dùng và khuyến khích doanh nghiệp đổi mới và áp dụng những công nghệ mới.

Vẫn tranh cãi nảy lửa

Phân tích của Bộ Tài chính Anh chuẩn bị trước thềm cuộc bỏ phiếu dự kiến vào ngày 23-6 tới được cho là nhằm đánh giá 3 tùy chọn về một thỏa thuận hậu Brexit, đó là:

• Anh đạt được một thỏa thuận kiểu Na Uy và gia nhập Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA), trong đó Anh có quyền tiếp cận thị trường EU và vẫn đóng góp cho ngân sách EU nhưng không có tiếng nói đối với các quy định của khối này.

• Anh thực thi một thỏa thuận thương mại song phương với EU tương tự thỏa thuận EU-Canada.

• Anh được giao dịch với phần còn lại của châu Âu và các nước khác theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Theo báo cáo thì cả 3 lựa chọn nói trên đều có những mặt tiêu cực của nó. "Các phân tích của bộ cho thấy mọi lựa chọn hợp lý thay cho việc duy trì vị thế thành viên EU đều sẽ khiến chúng ta có một nền kinh tế ít cởi mở và kết nối với nhau, không chỉ riêng châu Âu mà quan trọng hơn là với phần còn lại của thế giới. Thương mại, đầu tư và kinh doanh sẽ ít hơn. Rời khỏi EU đồng nghĩa Anh sẽ nghèo đi vĩnh viễn, các gia đình ở Anh cũng sẽ nghèo hơn" – ông Osborne viết trên báo The Times.

Nỗ lực chứng minh ra khỏi EU là một bước đi nguy hiểm của người đứng đầu cơ quan ngân khố Anh được củng cố bởi ý kiến của Bộ trưởng Kinh tế Pháp Emmanuel Macron, người nói Anh sẽ "bị hủy hoại hoàn toàn" trong các cuộc đàm phán thương mại toàn cầu nếu chọn rời khỏi khối. Phát biểu trên kênh BBC1, Macron nói: "Hôm nay, bạn mạnh mẽ bởi vì bạn là một phần của EU. Khi thảo luận về ngành công nghiệp thép của bạn với Trung Quốc, bạn đáng tin cậy vì là một phần của EU, chứ không phải vì bạn là Vương quốc Anh. Còn trong hoàn cảnh khác, bạn sẽ thua thiệt hoàn toàn".

Trong khi đó, phe ủng hộ chiến dịch vận động bỏ phiếu Brexit gọi là "Vote Leave" lại bác bỏ những cảnh báo của Bộ trưởng Tài chính Osborne. Chris Grayling, Chủ tịch Hạ viện cùng một vài bộ trưởng ủng hộ kế hoạch rời EU, đặt nghi vấn về việc Văn phòng Thủ tướng và Bộ Tài chính sử dụng các nguồn lực của chính phủ để vận động bỏ phiếu ủng hộ ở lại EU. Nghị sĩ nổi tiếng John Redwood của đảng Bảo thủ còn nhắc rằng thủ tướng đương nhiệm từng là một trong những cố vấn cấp cao trong cơ quan ngân khố khi chính phủ của cựu Thủ tướng John Major cố giữ nước này trong Cơ chế Tỷ giá Hối đoái (ERM) tai hại của EU hồi thập niên 1990. "ERM đã hủy hoại việc làm và gây ra đau khổ cho các gia đình trên toàn quốc. Những người chọn ở lại khi đó đã sai và họ lại đang sai. Người dân không nên tin tưởng vào phán đoán của họ về EU" – ông này nói.

THANH TRÚC
(Theo Guardian, BBC)

THANH TRÚC (Theo Guardian, BBC)

Chia sẻ bài viết