29/03/2019 - 08:16

Brexit lại bế tắc 

Theo Phòng Thương mại Anh (BCC), triển vọng không chắc chắn của tiến trình rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi Brexit đang gây thiệt hại cho nền kinh tế Anh, đặc biệt sau động thái chưa từng có của các nghị sĩ là giành quyền kiểm soát Brexit từ tay chính phủ.

Ảnh: Sky News

Tổng giám đốc BCC Adam Marshall cho rằng các nghị sĩ nên dừng việc theo đuổi những điều không thực tế. Theo ông, việc Luân Đôn mất gần 3 năm mà chẳng giải quyết được vấn đề khiến giới doanh nghiệp ngày càng “thất vọng và tức giận”. Người đứng đầu BCC cảnh báo nền kinh tế quốc gia có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu các chính trị gia không “để tâm’’ đến nguy cơ “Brexit cứng”.

Hôm 27-3, Hạ viện Anh đã thảo luận và bỏ phiếu 8 đề xuất mới nhằm tìm ra sự đồng thuận về cách rời EU. Nhưng kết quả chỉ nêu bật sự chia rẽ giữa các nghị sĩ khi không đề xuất nào giành được đa số phiếu để thông qua. Một trong số các lựa chọn này là rời liên minh vào ngày 12-4 mà không có thỏa thuận hoặc đơn phương hủy bỏ Brexit. Những đề xuất còn lại bao gồm tiến hành trưng cầu dân ý lần hai về Brexit, rời EU nhưng ở lại trong liên minh hải quan của khối, hoặc “ra đi” nhưng giữ tư cách thành viên Khu vực kinh tế châu Âu (EEA) và gia nhập Hiệp hội thương mại tự do châu Âu (EFTA). Hai đề xuất còn lại là đàm phán thay đổi thỏa thuận Brexit theo quan điểm của Công đảng đối lập hoặc chấp nhận giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 2 năm với EU để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường chung của khối.

Sau cuộc bỏ phiếu, Bộ trưởng Brexit Stephen Barclay nói rằng việc các nghị sĩ không thể thông qua những lựa chọn khác cho thấy tìm kiếm giải pháp thay thế thỏa thuận “ly hôn” hiện có của Thủ tướng Theresa May (ảnh) là điều không dễ dàng. Diễn biến này củng cố quan điểm rằng thỏa thuận mà chính phủ đã đàm phán vẫn là lựa chọn tốt nhất. Nhưng văn kiện trên đã 2 lần bị Hạ viện bác bỏ. Trong nỗ lực cứu lấy thỏa thuận, Thủ tướng May tại cuộc họp với các nghị sĩ đảng Bảo thủ hôm 27-3 cho biết sẽ rời ghế sớm hơn dự định nếu họ ủng hộ đề án của bà trong cuộc bỏ phiếu lần ba.

Tuần rồi, các nhà lãnh đạo EU đồng ý để Anh trì hoãn Brexit đến ngày 22-5 nhưng chỉ khi thỏa thuận của bà May giành được sự ủng hộ của Hạ viện trong tuần này. Theo BBC, cam kết từ chức để cứu thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May hiện được một số nhân vật ủng hộ, bao gồm cựu Ngoại trưởng Boris Johnson. Song, thách thức vẫn còn đó khi đảng Dân chủ Hợp nhất (DUP) ở Bắc Ireland tuyên bố không tán thành (Lâu nay, Thủ tướng May thường dựa vào sự ủng hộ của 10 nghị sĩ DUP để có được số phiếu ủng hộ quá bán tại Hạ viện). Trường hợp lại thất bại, Thủ tướng May buộc phải quay lại Brussels trước ngày 12-4 để thông báo dự định tiếp theo và nhiều khả năng sẽ yêu cầu gia hạn lâu hơn.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Brexit