06/09/2008 - 19:59

"Bố Đóa"

Nghệ sĩ Lê Đóa. Ảnh: KIM SƠN

Cách đây hơn mười năm, có lần tôi tham dự chấm thi Hội diễn Văn nghệ quần chúng của Quân khu 9 với Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Lê Đóa. Sau khi kết thúc, anh nói vui:

- Mai này, khi mình có đi gặp các nhạc sĩ tiền bối, mình muốn cậu viết giùm điếu văn cho mình.

Và khi anh bị trọng bệnh, có nguy cơ không qua khỏi, tôi được giao nhiệm vụ viết điếu văn cho NSND Lê Đóa. Nhớ lời anh gửi gắm năm xưa, tôi thầm nghĩ, điều anh dặn tôi cách đây 11 năm như có sự tiên đoán kỳ lạ. Tôi vẫn nhớ, năm 1982, anh xin chuyển từ Hà Nội vào Quân khu 9. Chúng tôi thực sự cảm động khi nghe anh tâm sự: “Con trai duy nhất của mình đã hy sinh trong cuộc Tổng tấn công Xuân Mậu Thân 1968 ở chiến trường Quân khu 9, chưa tìm được thi thể. Mình muốn còn lại những năm cuối đời được sống và cống hiến nơi mảnh đất con trai mình đã hy sinh”.

Trước khi vào công tác ở Quân khu 9, anh là Trưởng đoàn văn công Bộ đội biên phòng. Anh nói về âm nhạc, giao hưởng hợp xướng cho cánh lính trẻ chúng tôi nghe. Về Đoàn nghệ thuật Quân khu 9 lúc đó, anh đã 60 tuổi, cả đoàn gọi anh bằng cái tên thân mật: “Bố Đóa”. Được thu nhận những kiến thức uyên bác về âm nhạc của anh, chúng tôi nghe rất say sưa và đầy cảm phục. Hồi đó, anh được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu giao nhiệm vụ làm Phó Trưởng đoàn Nghệ thuật Quân khu, phụ trách ca - múa - nhạc. Mỗi lần tập các tiết mục mới, anh đã chỉ cho các ca sĩ, nhạc công từng chi tiết nhỏ về thủ pháp nghệ thuật diễn xướng. Chúng tôi được biết, anh đã chỉ huy những dàn giao hưởng hợp xướng lớn như: Tiếng hát chiến sĩ biên thùy; Du kích Sông Thao; Trường chinh ca; Sóng Cửa Tùng; Lửa rực cháy; Thành đồng Tổ quốc... Đặc biệt, năm 1964 anh đã tham gia viết nhạc và chỉ huy dàn nhạc cho vũ kịch Ngọn lửa Nghệ Tĩnh, tác phẩm này đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho tập thể tác giả chỉ huy và biểu diễn, trong đó có anh. Những thành công như vậy có lẽ một phần cũng nhờ vào kiến thức âm nhạc mà anh đã được đào tạo ở Trung Quốc và nhiều chuyến đi biểu diễn ở nước ngoài. Khi trở về, nghệ sĩ đã tích cực xây dựng và là người chỉ huy dàn nhạc giao hưởng hợp xướng đầu tiên của Việt Nam. Với kiến thức và vốn tiếng Pháp khá vững vàng, anh còn tự học tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc để đọc sách, và nghiên cứu âm nhạc. Trong những chuyến đi biểu diễn ở nước ngoài như: Liên Xô (cũ), Trung Quốc, Triều Tiên, Mông Cổ, Cu Ba, Ba Lan, Đức, Tiệp Khắc, At-lan-ta và nhiều nước khác, mỗi lần trở về anh đều sưu tập đem về nhiều sách lý luận âm nhạc và văn hóa. Từ đó, anh đã chép lại toàn bộ đầu mục Chương trình hệ 7 năm của Nhạc viện Trai-cốp-xki để tự học và làm tài liệu giảng dạy sau này. Trong giới nhạc sĩ của cả nước đều khâm phục ý chí và nghị lực tự học của anh.

Anh đã cùng các thế hệ đồng nghiệp đi phục vụ khắp mọi miền đất nước, từ vùng sâu, vùng xa biên giới, hải đảo. Đây là giai đoạn để anh dàn dựng thành công các kịch múa: Rừng thương núi nhớ; Người con bản mèo; Mảnh đất con người...Với anh, một vinh dự lớn trong cuộc đời làm nghệ thuật là anh đã 31 lần được gặp Bác Hồ. Hôm anh ra đi, đúng vào dịp kỷ niệm Quốc khánh và giỗ lần thứ 39 của Bác, nghĩ đến điều đó, lòng chúng tôi cứ rưng rưng.

NSND ra đi, để lại nhiều đóng góp có giá trị cho hoạt động ca-múa-nhạc quân đội. Với Đoàn nghệ thuật Quân khu 9, anh đã góp phần rất lớn trong việc xây dựng các chương trình ca – múa - nhạc của Đoàn và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Trong thời gian này, ngoài chăm lo xây dựng cho đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, anh đã bỏ nhiều công sức sưu tầm, nghiên cứu dân ca và truyền thống âm nhạc các dân tộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bằng việc giảng dạy và kinh nghiêm dàn dựng, hướng dẫn, sáng tác nghệ thuật, anh đã góp phần to lớn trong phong trào văn nghệ quần chúng của Đồng bằng sông Cửu Long. Anh rất chu đáo và không quên từng chi tiết nhỏ trong cách dàn dựng, xử lý một bài hát, một điệu múa, phối khí một tác phẩm. Anh sống rất điềm đạm và chuẩn mực, nhưng cũng rất kiên quyết, tôn trọng nguyên tắc nghề nghiệp khi hướng dẫn và dàn dựng các tác phẩm âm nhạc. Năm 1993, anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Kiến thức và kinh nghiệm cùng với lòng nhiệt tình, ham mê nghệ thuật của anh đã cho chúng tôi được nâng thêm nhiều kiến thức âm nhạc trong quá trình hoạt động văn hóa văn nghệ khắp vùng sông nước Cửu Long Giang.

Trong những ngày này, Đoàn nghệ thuật Quân khu 9 được sự giúp đỡ của Trường Đại học văn hóa nghệ thuật quân đội, đang tổ chức tập huấn nghiệp vụ nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, diễn viên trong đoàn, và cũng chuẩn bị tham gia Hội diễn các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân. Đoàn Nghệ thuật Quân khu 9 còn đi phục vụ đồng bào, chiến sĩ tại các tỉnh vùng lũ. NSND Lê Đóa ra đi, để lại niềm thương tiếc vô hạn trong lòng chúng tôi, nhưng cũng hun đúc thêm ngọn lửa nhiệt tình cho chúng tôi. Hình ảnh của anh khi tóc đã bạc phơ vẫn làm giám khảo trong các cuộc thi văn nghệ quần chúng, tiếng hát phát thanh, truyền hình, cầm đũa chỉ huy dàn nhạc, bươn chải khắp vùng sông nước miền Tây Nam bộ thực hiện chương trình Giai điệu đồng bằng còn lắng đọng da diết trong lòng chúng tôi.

Trần Hùng

Chia sẻ bài viết