17/07/2019 - 07:57

Biến thách thức từ FTA thành cơ hội 

Khi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, một trong những cơ hội Việt Nam mong chờ nhất là tăng kim ngạch xuất khẩu, đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản. Tuy nhiên, để hàng nông sản của Việt Nam thâm nhập vào nhiều thị trường trên thế giới là điều không dễ dàng trong bối cảnh năng lực của doanh nghiệp Việt còn yếu, cạnh tranh ngày càng gay gắt, rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu dựng lên dày đặc…

Sản phẩm nông, thủy sản được đánh giá có nhiều lợi thế xuất khẩu khi FTA có hiệu lực.

Sản phẩm nông, thủy sản được đánh giá có nhiều lợi thế xuất khẩu khi FTA có hiệu lực.

Sức ép từ FTA

Theo ông Huỳnh Trung Trứ, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, bên cạnh những cơ hội lớn từ hội nhập kinh tế quốc tế mang lại là những khó khăn thách thức cho các doanh nghiệp Việt. Trước hết là sức ép mở cửa thị trường. Và nếu doanh nghiệp không có sự chuẩn bị trước, nhiều ngành sản xuất, trong đó có nông nghiệp có thể phải đối mặt với nhiều khó khăn. "Để tận dụng được các ưu đãi trong FTA, các doanh nghiệp phải đáp ứng những yêu cầu, tiêu chuẩn cao về chất lượng hàng hóa, chịu sức ép tuân thủ các điều khoản tiêu chuẩn quy định chất lượng hàng hóa, môi trường, lao động… Đây vừa là cơ hội để tự nâng cao năng lực, vừa là thách thức đối với các doanh nghiệp Việt vì đa số doanh nghiệp của ta hiện nay đều thuộc loại hình vừa và nhỏ; thiếu công nghệ, vốn và kinh nghiệm sản xuất"-ông Huỳnh Trung Trứ phân tích.

Việc cắt giảm thuế quan sẽ thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam sang khối FTA vì hàng hóa Việt Nam sẽ hưởng ưu đãi về thuế ở thị trường các nước có ký kết FTA với Việt Nam so với các quốc gia ngoài khối FTA. Tuy nhiên, FTA cũng tạo ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. "Các FTA chưa chắc mang lại lợi ích kinh tế ngay được mà cần có thời gian. Trong khi quy mô sản xuất nông nghiệp của ta còn nhỏ, manh mún; ứng dụng khoa học công nghệ (giống, bảo quản sau thu hoạch, chế biến…) chưa cao. Ngoài ra, cơ chế thu hút đầu tư vào nông nghiệp hiện nay vẫn chưa hấp dẫn và mới chỉ có 1% doanh nghiệp FDI đầu tư vào nông nghiệp". Có thể thấy, luật chơi cạnh tranh các FTA đề ra là như nhau nhưng "người chơi" lại khác nhau về năng lực. Đây là thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt vốn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn, công nghệ, thiếu kinh nghiệm quản lý… Ngoài ra, các điều khoản về nhãn mác, xuất xứ hàng hóa, sở hữu trí tuệ… không chỉ tăng chi phí sản xuất mà còn ẩn chứa nhiều rủi ro khi hàng nông sản nước ta xuất ngoại.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), khi tham gia FTA, một trong những khó khăn hiện hữu là không ít doanh nghiệp vẫn thiếu thông tin về các FTA và thị trường xuất khẩu. Đơn cử như: Quy tắc xuất xứ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, mức hưởng lợi từ thuế quan xuất khẩu, giá cả thị trường của sản phẩm tại nước sở tại, vấn đề chống bán phá giá… Nhiều ý kiến cho rằng, để xuất khẩu được sang các thị trường khó tính cần sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, số doanh nghiệp liên kết cùng nông dân còn ít nên nông dân vẫn phát triển tự phát, tự do buôn bán chứ ít có doanh nghiệp thu mua cùng liên kết. Mặt khác, thời tiết không thuận lợi, tỷ giá biến động, sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp với nhau là những nguyên nhân kéo giá trị xuất khẩu nông sản tuột dốc.

Hướng đi riêng

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, để doanh nghiệp và các bên có liên quan vững tin, chủ động ứng phó trước tác động của​ FTA, Nhà nước cần tổ chức cung cấp thông tin cụ thể về thị trường và các FTA cho từng ngành/sản phẩm; hỗ trợ tiếp cận vốn, lao động và xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp. Các hiệp hội cần liên kết doanh nghiệp và các chủ thể trong chuỗi cung ứng; làm đầu mối xử lý thống nhất các vấn đề về chống bán phá giá và các biện pháp phòng vệ; hỗ trợ xây dựng và kiểm soát thương hiệu. Đối với các doanh nghiệp trong ngành cần xây dựng và duy trì các chứng nhận về quy trình và tiêu chuẩn quản lý chất lượng đặc thù của ngành; chủ động tìm kiếm thông tin thị trường, cơ hội từ các FTA; tập trung cạnh tranh bằng chất lượng, sự khác biệt chứ không chỉ cạnh tranh về giá...

Để thúc đẩy xuất khẩu, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam cần có chiến lược xuất khẩu theo lợi thế của mình, các sản phẩm thị trường quốc tế có nhu cầu (sản phẩm xanh, sạch, hữu cơ,...). Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thừa Lộc, Giảng viên cao cấp, Đại học Kinh tế Quốc Dân, nhấn mạnh: "Chúng ta cần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu. Trước hết, doanh nghiệp phải xác định mục tiêu chiến lược phát triển của mình là xuất khẩu hay tiêu thụ nội địa. Khi đã quyết tâm đưa hàng hóa xuất ngoại thì phải lựa chọn hình thức gia nhập thị trường phù hợp với điều kiện và tiềm năng của doanh nghiệp như: Xuất khẩu trực tiếp, gián tiếp; tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu; thực hiện nhượng quyền thương mại với doanh nghiệp nước ngoài… Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu từ các nước nhập khẩu. Đừng giữ tâm lý cứ cắt giảm thuế là xuất khẩu được. Thực tế, Việt Nam phải mất 8 năm để đưa thanh long và 5 năm để xuất khẩu xoài vào Nhật Bản".

Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, thời gian tới, thành phố đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; nghiên cứu, xây dựng và ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, mở rộng thị trường. Đồng thời, làm tốt công tác đối ngoại xúc tiến xuất khẩu tại các thị trường trọng điểm; chú trọng cung cấp thông tin thị trường như giá cả, khối lượng giao dịch, tiêu chuẩn công bố,... để người sản xuất, doanh nghiệp định hướng sản xuất kinh doanh theo nhu cầu thị trường. FTA mang đến những thách thức và doanh nghiệp phải biến các thách thức đó thành cơ hội-cơ hội để rèn luyện, nâng cao năng lực khi bước chân vào sân chơi toàn cầu. Do đó, thành phố khuyến khích doanh nghiệp tăng cường chế biến sâu; chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm; thúc đẩy hình thành và phát triển các liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với hạt nhân là các doanh nghiệp lớn, sớm đưa các doanh nghiệp trong ngành tham gia vào chuỗi giá trị thực phẩm toàn cầu.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết