13/10/2011 - 21:09

Biến không khí nóng thành nhiên liệu sạch cho tương lai

Phối cảnh nhà máy sản xuất năng lượng từ khí nóng EnviroMission.

Không khí nóng bức trong những ngày hè luôn khiến chúng ta khó chịu. Tuy nhiên, loại khí này sẽ trở nên có ích khi các nhà khoa học cho biết họ có thể biến nó thành năng lượng sạch phục vụ cho các đô thị trong tương lai.

Doanh nhân người Úc Roger Davey, Tổng giám đốc điều hành EnviroMission, cho biết công ty của ông đang lên kế hoạch xây dựng một tòa tháp quang năng cao gần 800 mét giữa lòng sa mạc Arizona của Mỹ. Dự kiến, tòa tháp này sẽ sản xuất khoảng 200 megawatt điện mỗi ngày, đủ để cung cấp cho 100.000 ngôi nhà.

Khác với các tấm pin quang năng thông thường biến ánh nắng thành năng lượng, tháp EnviroMission sẽ tạo ra năng lượng nhiệt Mặt trời, từ cả năng lẫn gió. Theo các chuyên gia, tòa tháp này bao gồm rất nhiều vòm kính lắp đặt quanh chân tháp, với diện tích tương đương một sân bóng đá. Giống như hiệu ứng nhà kính, Mặt trời sẽ chiếu vào và làm nóng không khí bên dưới vòm kính đến ngưỡng 90oC. Khi đó, luồng khí nóng sẽ đi vào tháp, làm quay 32 tua-bin để tạo ra năng lượng cơ học và các máy phát điện sẽ biến nó thành điện năng. Tòa tháp càng cao, luồng khí đi vào càng mạnh, giúp tua-bin quay nhanh và sản xuất ra nhiều điện.

Theo ông Davey, ưu điểm vượt trội của không khí nóng là chúng ta có thể dùng nó để sản xuất điện bất cứ khi nào chúng ta muốn, kể cả ban đêm, khi mặt đất vẫn còn phả ra hơi nóng, trong khi năng lượng Mặt trời và năng lượng gió thường không ổn định. Ngoài ra, công nghệ sản xuất điện từ khí nóng cũng không cần dùng đến nước. Thực tế, các nhà máy nhiệt điện và điện hạt nhân thường tiêu tốn rất nhiều nước, còn các tấm pin quang năng thì cũng cần được chà rửa thường xuyên.

Theo các chuyên gia, EnviroMission là công ty duy nhất phát triển công nghệ này. Mặc dù tháp EnviroMission vẫn còn nằm trên bản vẽ nhưng công nghệ tương tự với quy mô nhỏ hơn đã được thử nghiệm tại Tây Ban Nha và có khả năng tạo ra 50 kilowatt điện mỗi ngày. Dự kiến, công trình này sẽ được xây dựng trong 2 năm với chi phí khoảng 750 triệu USD. Khi hoàn tất, tháp EnviroMission sẽ là công trình kiến trúc cao thứ hai thế giới, sau tháp Burj Khalifa ở Dubai (Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất) và có tuổi thọ lên đến 80 năm, cao hơn cả tuổi thọ trung bình của các trang trại năng lượng Mặt trời.

Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn còn băn khoăn về tính khả thi của tháp EnviroMission. Mohammad Taslim, Giáo sư cơ khí tại Đại học Northeastern nghi ngại tiềm năng sản xuất điện của tòa tháp cũng như tính kinh tế và mức độ thân thiện với môi trường của nó. “Về góc độ công nghệ thì nó khả thi nhưng mục tiêu sản xuất ra 200 megawatt điện một ngày là không dễ đạt được”, Giáo sư Taslim nhận định. Trong khi đó, Tổng giám đốc Davey cho biết công ty ông đã mất 10 năm để phát triển công nghệ này và tin rằng tiềm năng của nó đủ sức thu hút các nhà đầu tư tư nhân. Hơn nữa, vì không khí nóng rất dồi dào và không mất tiền nên chi phí sản xuất năng lượng bằng công nghệ này cũng sẽ được giảm xuống.

BẢO TRÂM (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết