08/03/2011 - 22:14

Bí quyết ngủ ngon như em bé

Ngủ không ngon giấc không chỉ làm chúng ta mệt mỏi và dễ sinh bực dọc mà còn có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, tăng nguy cơ bệnh tim và tai biến mạch máu não (đột quị), theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Tim mạch châu Âu. Có tới 89 dạng rối loạn khác nhau về giấc ngủ như ác mộng, nghiến răng, khó ngủ, tỉnh giấc nửa đêm...

Với sự trợ giúp của các chuyên gia, báo Daily Mail của Anh “mổ xẻ” 10 dạng rối loạn giấc ngủ thường gặp nhất và hướng dẫn cách khắc phục:

1. Trằn trọc khó ngủ

- Nguyên nhân: Có thể do cơ thể quá nóng nực.

Ảnh: Kelley Ryden 

Tiến sĩ Neil Stanley, chuyên gia về giấc ngủ ở Đại học Surrey (Anh), cho biết cơ thể của chúng ta hoạt động theo đồng hồ sinh học, thân nhiệt tăng vào ban ngày và giảm khi đêm xuống. Khoảng 3 giờ sáng là thời điểm cơ thể ngủ sâu nhất nhưng nếu có điều gì đó khiến cơ thể khó khăn trong việc hạ nhiệt sẽ gây gián đoạn giấc ngủ. Phụ nữ có xu hướng thao thức vào chu kỳ kinh nguyệt và giai đoạn mãn kinh do nhiệt độ cơ thể tăng.

- Khắc phục: Nhiệt độ trong phòng ngủ nên duy trì ở mức 29oC. Khi trời lạnh nên dùng mền hay sưởi ấm dưới giường nhưng bạn không nên làm giường ngủ quá nóng.

2. Loạng choạng khi thức dậy

- Nguyên nhân: Do thay đổi thói quen sinh hoạt hoặc ngủ quá giấc.

Cơ thể thích sự đều đặn và muốn thức dậy cùng một thời điểm mỗi ngày. Cơ thể thường chuẩn bị thức dậy trước đó khoảng 1 tiếng “nhưng cơ thể chỉ có thể chuẩn bị nếu nắm thói quen ra khỏi giường của bạn”, Tiến sĩ Stanley nói. Nếu bạn thường thức dậy vào lúc 7 giờ sáng thì vào lúc 6 giờ sáng cơ thể sẽ khởi động để bạn có thể tỉnh giấc trong 60 phút kế tiếp. Khi thói quen sinh hoạt bị xáo trộn, như việc ngủ “nướng” vào cuối tuần, cơ thể sẽ phải thích nghi với sự thay đổi đó và dẫn đến hệ quả bạn có thể dậy trễ vào sáng thứ Hai.

- Khắc phục: Hãy ngủ và thức theo giờ cố định và tránh ngủ vùi vào những ngày cuối tuần. Cách đơn giản này giúp đồng bộ hóa với nhịp sinh học của cơ thể đồng thời ngăn chặn cảm giác “say rượu” khi thức dậy.

3. Mộng du hoặc mớ

- Nguyên nhân: Rượu, thuốc điều trị, di truyền hoặc bận tâm do nghĩ điều gì đó.

Theo Tiến sĩ Stanley, mọi người đều có khả năng bị mộng du hoặc mớ. Phần não chi phối ý thức có thể ngủ sâu trong khi những phần não khác như vùng điều khiển cử động và di chuyển vẫn còn thức. Dạng rối loạn này có thể di truyền trong gia đình, nhưng cũng có thể xảy ra với bất kỳ ai nếu giấc ngủ của họ bị chập chờn, nghĩa là một phần não bộ vẫn còn thức. Trẻ nhỏ cũng thường bị mớ/mộng du do hệ thần kinh chưa phát triển hoàn chỉnh.

- Giải pháp: Mớ thường vô hại nhưng mộng du có thể gây nguy hiểm cho bản thân người đó và những người khác. Hãy xác định những yếu tố gây rối loạn giấc ngủ (như rượu), nên hiểu tác dụng phụ của thuốc, khả năng tương tác giữa các loại thuốc và khả năng di truyền từ gia đình.

4. Mệt mỏi ban ngày

- Nguyên nhân: Nếu vẫn ngủ đủ giấc, cảm giác mệt mỏi trong lúc thức có thể là do cơ thể đang tăng cân (dẫn đến chứng ngừng thở khi ngủ) hoặc lo lắng. Đây là những yếu tố làm xáo trộn giấc ngủ mà chúng ta thường không nhận thấy.

Khoảng 2-4% dân số mắc chứng ngừng thở khi ngủ vốn phổ biến ở những người thừa cân, đặc biệt là nam giới có vòng cổ lớn. Khi ngủ khí quản hẹp lại, họ có thể bị ngừng thở trong vòng 10-60 giây. Hệ quả là lượng ôxy giảm thấp đến mức não đánh thức cơ thể và họ bắt đầu thở lại lần nữa kèm theo tiếng ngáy.

Lo lắng cũng làm giấc ngủ nông hơn và giảm thời gian ngủ sâu - lúc cơ thể được thư giãn nhất. Cảm giác mệt mỏi cũng có thể do bệnh mãn tính hay tật nghiến răng.

- Biện pháp: Nếu lúc nào cũng cảm thấy buồn ngủ, bạn nên đến bác sĩ để tìm nguyên nhân.

5. Thức giấc nửa đêm

- Nguyên nhân: Những thay đổi trong môi trường sống, căng thẳng tinh thần (stress), tuổi tác.

Tiến sĩ Staney cho rằng theo quan điểm tiến hóa, bạn chỉ có thể ngủ ngon nếu cảm thấy an toàn và yên tâm. Vì vậy bất kì yếu tố nào phá vỡ cảm giác sẽ làm xáo trộn giấc ngủ.

Chúng ta thường ngủ theo chu kỳ và tỉnh giấc rất ngắn vào cuối mỗi chu kỳ, nhưng chúng ta thường chỉ ngờ ngợ về điều này. Tuy nhiên, nếu bận tâm về điều gì đó hoặc môi trường sống thay đổi, cơ thể sẽ dễ dàng thức giấc tại thời điểm này. Mặt khác, tuổi càng lớn, chúng ta càng dễ tỉnh giấc.

- Biện pháp: Tránh uống rượu bởi rượu làm đầy bàng quang. Không nên ăn quá khuya vì khi đó cơ thể bạn sẽ phải tiếp tục tiêu hóa thức ăn.

LÊ THÁI (Theo Daily Mail)

(còn tiếp)

Chia sẻ bài viết