17/06/2019 - 10:06

Bên lề hay hơn chính hội! 

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ diễn ra tại thành phố Osaka của Nhật Bản trong hai ngày 28 và 29-6. Đương nhiên, với tổng GDP chiếm  tới 85% qui mô kinh tế toàn cầu, thượng đỉnh G20 có vai trò rất quan trọng và thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Trump (phải) và Chủ tịch Tập là tâm điểm tại thượng đỉnh G20. Ảnh: AP

Cuộc gặp giữa Tổng thống Trump (phải) và Chủ tịch Tập là tâm điểm tại thượng đỉnh G20. Ảnh: AP

Tuy nhiên, nhiều ánh mắt lại đang đổ dồn về một sự kiện bên lề, đó là liệu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump để hạ nhiệt thương chiến giữa hai nước.

Đầu tuần rồi, ông Trump dọa sẽ lập tức áp thuế 25% lên khoảng 300 tỉ USD hàng nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc nếu ông Tập không dự thượng đỉnh G20. Trước đó, Washington đã áp mức thuế này lên 250 tỉ USD hàng Trung Quốc và Bắc Kinh đáp trả bằng cách áp thuế 25% lên 110 tỉ USD hàng Mỹ.

Ông Trump vào Nhà Trắng đầu năm 2017 và ra sức tìm cách cân bằng thương mại với Trung Quốc. Thế nhưng thâm hụt mậu dịch của Mỹ với đối tác này lại năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2018, Mỹ thâm hụt thương mại hàng hóa 419 tỉ USD với Trung Quốc, cao hơn nhiều so với con số 375 tỉ USD một năm trước đó. Năm ngoái, Trung Quốc xuất sang Mỹ lượng hàng hóa trị giá 539 tỉ USD, trong khi nhập chỉ 120 tỉ USD. Do vậy, Trung Quốc không còn nhiều dư địa nếu dùng thuế quan trả đũa Mỹ.

Trở lại với thượng đỉnh G20. Sau mấy ngày Bắc Kinh không có phản ứng gì đối với lời đe dọa trên, ông Trump cuối tuần rồi đổi giọng, nói rằng không gặp ông Tập Cận Bình cũng không sao. “Nếu ông ấy xuất hiện thì tốt, bằng không thì trong thời gian chờ đợi, chúng ta vẫn đang thu về hàng tỉ USD mỗi tháng từ Trung Quốc. Chúng ta sẽ thấy. Cuối cùng họ cũng sẽ chịu thỏa thuận. Họ đang phải trả hàng trăm tỉ USD. Tôi đánh thuế 25% lên 250 tỉ USD hàng hóa… Họ đang thao túng tiền tệ để có tiền chi trả”, chủ nhân Nhà Trắng nói với hãng tin Fox News.

Tuy nhiên, quan điểm của Tổng thống Trump cùng đội ngũ cố vấn về việc ai phải gánh chịu tổn thất từ màn “ăn miếng trả miếng” thuế quan lại mâu thuẫn với giới doanh nghiệp.  Phòng Thương mại Mỹ ngày 14-6 một lần nữa bày tỏ phản đối kế hoạch áp thuế bổ sung, cho rằng mức thuế 25% đánh vào 250 tỉ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đang gây tổn hại nghiêm trọng cho người tiêu dùng, nông dân và các doanh nghiệp Mỹ. Do đó, đề xuất tăng thuế đối với khoảng 300 tỉ USD hàng hóa còn lại sẽ chỉ gây thêm thiệt hại cho những nhóm đối tượng này và toàn bộ nền kinh tế. Cùng ngày, hơn 660 công ty và hiệp hội doanh nghiệp Mỹ đã ký vào một bức thư gửi Tổng thống Trump, kêu gọi từ bỏ việc tiếp tục tăng thuế. Theo tính toán của họ, mức thuế bổ sung cùng với các biện pháp trước đó của cả hai phía sẽ khiến nước Mỹ mất hơn 2 triệu việc làm và mỗi hộ gia đình (bình quân 4 người) ở xứ cờ hoa sẽ phải chi thêm hơn 2.000 USD/năm.

Trong động thái gia tăng áp lực với Bắc Kinh, bắt đầu từ hôm nay 17-6, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ sẽ tổ chức các phiên điều trần công khai về đề xuất áp thuế 25% lên toàn bộ hàng hóa còn lại của Trung Quốc.

Nhưng Nhà Trắng cũng dường như không muốn đẩy căng thẳng vượt khỏi tầm kiểm soát khi quyết định tạm dừng khiếu nại Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới liên quan quyền sở hữu trí tuệ cho tới ngày 31-12 năm nay.

Những động thái, tuyên bố bất nhất của Nhà Trắng càng khiến người ta chú ý hơn tới cuộc gặp Trump-Tập bên lề thượng đỉnh G20, dù rằng nếu có diễn ra cũng không thể giải quyết ngay mâu thuẫn giữa hai nền kinh tế lớn nhất hành tinh.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết