14/11/2011 - 09:11

THỊ TRƯỜNG CÁ TRA NGUYÊN LIỆU

Bất ổn là cơ hội tái cấu trúc?

Giá xuất khẩu sản phẩm cá tra đang có lợi nhưng giá cá tra nguyên liệu trong nước đang dần tiến đến mốc kỷ lục mới. Nguyên nhân tình trạng này do thiếu nguyên liệu cho chế biến - một dự báo xấu đã được cảnh báo từ trước trong quá trình phát triển của con cá tra... Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, sự bất ổn này lại là cơ hội tái cấu trúc ngành công nghiệp cá tra Việt Nam để hướng đến sự phát triển căn cơ và bền vững.

YÊU CẦU “ĐỊNH VỊ” LẠI CHUỖI SẢN XUẤT

Những ngày đầu tháng 11-2011, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL đã mức 28.500 đồng/kg, tăng 1.000-1.500 đồng/so với đầu tháng 10. Mức giá này đã đạt mức giá cao kỷ lục hồi đầu năm 2011. Nhiều ý kiến cho rằng, giá cá tra nguyên liệu có thể đạt mức 30.000 đồng/kg trong thời gian tới. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trước tiên, do ảnh hưởng của việc rớt giá liên tục từ khoảng tháng 5, cộng với việc thiếu nguồn vốn đầu tư, nhiều người dân không còn “mặn” với việc thả nuôi mới khiến nguồn cá nuôi trong dân giảm. Mặt khác, từ đầu tháng 9 đến nay, không chỉ 2 tỉnh đầu nguồn (Đồng Tháp và An Giang), nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL như: Kiên Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và TP Cần Thơ, nước lũ đã gây thiệt hại nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó có cá tra. Trong khi đó, sản phẩm cá tra xuất khẩu đang có giá và rộng mở ở nhiều thị trường thế giới. Nhiều doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh thu mua nguyên liệu chế biến, cũng là một nguyên nhân tạo nên sự khan cá tra nguyên liệu.

Với việc chiếm từ 80-90% tổng giá thành sản xuất, giảm thiểu hệ số chuyển đổi thức ăn trong nuôi cá tra cần được đặc biệt quan tâm. 

Căn nguyên sâu xa của thực trạng trên chính là nguồn vốn đầu tư cho nghề nuôi. Theo Tiến sĩ Lê Thanh Hùng, Trưởng khoa Thủy sản, Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, chi phí thức ăn chiếm 80-90% giá thành sản xuất cá tra. Hiện nay, người nuôi cá tra ĐBSCL đạt mức độ chuyển hóa thức ăn trung bình ở mức 1.5 – 1.6, cao hơn nhiều so với việc nuôi cá da trơn của nhiều nước trên thế giới. Và trong bối cảnh giá các nguyên liệu cho sản xuất thức ăn như: cám gạo, bột khoai, bột bắp... cứ “leo thang” như hiện nay, tỷ lệ chuyển hóa thức ăn càng cao thì việc nuôi cá sẽ không đảm bảo lợi nhuận. Trên hết, nguồn thức ăn dư thừa khiến môi trường nuôi ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất cá. Đặc biệt, thị trường cá tra nguyên liệu liên tục biến động, thường xuyên giảm giá, việc đầu tư bị lỗ lã khiến áp lực về vốn ngày càng đè nặng.

Trước thực trạng phát triển bất ổn đã được dự báo của con cá tra ở ĐBSCL, Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), cho rằng: Dù muộn nhưng cần thiết phải xem lại chuỗi sản xuất cá tra để có những hoạch định cho phát triển bền vững. Sự phát triển của con cá tra trong tương lai sẽ phụ thuộc nhiều vào việc áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong quá trình nuôi, việc kiểm soát môi trường, chi phí...; đặc biệt là sự phát triển của hệ thống các dịch vụ vận tải, logistics... Chính vì vậy, ngành công nghiệp cá tra, chuỗi giá trị sản xuất cá tra không chỉ đơn thuần là đảm bảo lợi ích của người nuôi, DN chế biến, xuất khẩu mà cần phải cân nhắc đến việc “chia sẻ” cho các tác nhân khác như: nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi, hệ thống các dịch vụ vận tải, logistics...

BÀI TOÁN LIÊN KẾT VÀ VAI TRÒ CỦA CÁC TÁC NHÂN

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2011, giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1,31 tỉ USD, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó EU chiếm tỷ trọng 30,2%, đạt 397,802 triệu USD, tăng 6,1%; Mỹ đạt cao nhất 226,6 triệu USD, tăng 100%.

Thị trường châu Âu, giá cá tra (phi lê) khoảng 3-3,1 USD/kg, thay vì trên dưới 2 USD/kg như trước và có khả năng tăng lên 3,4 - 3,6 USD/kg; thị trường Mỹ từ 4,2 USD lên 4,4 USD/kg.

Nhiều ý kiến cho rằng, sự “lộn xộn” của thị trường cá tra trong suốt thời gian qua lại là thời cơ tốt để tái cấu trúc, đưa ngành công nghiệp cá tra bước sang giai đoạn phát triển mới.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Thủy sản Thới An, TP Cần Thơ, cho rằng: Đã đến lúc nghề nuôi cá tra không dành cho người nuôi có quy mô nhỏ lẻ, hạn chế về kỹ thuật. Bởi lẽ, không chỉ đòi hỏi nguồn tài chính đủ mạnh, người nuôi cá tra hiện nay còn phải đáp ứng về yêu cầu truy xuất nguồn gốc của DN thu mua chế biến. Trong đó, việc truy xuất nguồn gốc thức ăn là một yêu cầu khá khắt khe để các DN định giá cá tra nguyên liệu. “Người nuôi phải liên kết hình thành những vùng nuôi, liên kết với thương hiệu sản xuất thức ăn có uy tín, DN chế biến xuất khẩu... Như vậy mới có thể giải quyết được bài toán vốn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của DN và đặc biệt hướng đến sự phát triển bền vững” – ông Hải nói. Tiến sĩ Lê Thanh Hùng, Trưởng khoa Thủy sản Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, cho biết: Sử dụng thức ăn thủy sản chất lượng, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ nhằm giảm thiểu hệ số chuyển đổi thức ăn còn 1.2 đang là kỳ vọng cho ngành nuôi cá tra. Trong đó, việc sử dụng cám gạo, chiếm 30-60% trong công thức thức ăn nuôi cá tra, cần được người nuôi quan tâm. Bởi người nuôi thường mua các loại cám gạo trôi nổi trên thị trường. Dù được gọi là “cám mới” nhưng phần lớn đã bị “ôxy hóa” (ôi dầu) và chứa nhiều tạp chất. Nếu sử dụng sản xuất thức ăn cho cá sẽ khiến tỷ lệ cá chết cao, cá sinh trưởng chậm và hệ số tiêu tốn thức ăn cao. Vì vậy, việc sử dụng cám trích ly đã được ổn định chất lượng sau quá trình sơ chế trong chăn nuôi cá sẽ cho hiệu quả tối ưu.

Việc tiếp cận ngành sản xuất thức ăn thủy sản cũng cần phải được quan tâm trong nâng cao chuỗi sản xuất cá tra. Tiến sĩ Phillippe Serene - Chuyên gia dinh dưỡng thủy sản, cho rằng: Thời gian qua, ngành chế biến thức ăn thủy sản nói chung và cá tra nói riêng đã phát triển gần đạt ngưỡng giá trị dinh dưỡng. Nếu tiếp tục nghiên cứu về giá trị dinh dưỡng cũng chỉ mang lại những hiệu quả không đáng kể. Vì vậy, việc đầu tư, nghiên cứu các loại thực phẩm chức năng nhằm hỗ trợ hoạt động tối ưu của các cơ trong cơ thể giúp cá tăng sức đề kháng, miễn dịch đối với dịch bệnh... cần được các DN và ngành hữu quan đặc biệt quan tâm. Trong vấn đề này, cải thiện công nghệ sản xuất hiện đại đi đôi với bảo vệ môi trường, áp dụng dây chuyền sản xuất tiết kiệm nhiêu liệu, sử dụng các nhiêu liệu thay thế xăng dầu... cũng là những yếu tố cần được xem xét để nâng cao chất lượng, hướng sản xuất thức ăn, ngành công nghiệp cá tra đến phát triển bền vững...

Tại hội nghị “Nâng cao chất lượng thức ăn cá tra, cá ba sa hướng đến hội nhập kinh tế và phát triển bền vững” do Công ty TNHH Wilmar Agro Việt Nam (Khu Công nghiệp Hưng Phú 1, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) tổ chức tại An Giang vừa qua, nhiều ý kiến khẳng định: Con cá tra Việt Nam vẫn còn tiềm năng lớn cho sự phát triển do có nhiều lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, các DN chế biến, xuất khẩu cần có cách nhìn mới trong “định vị” thị trường xuất khẩu... Trong bối cảnh này, theo Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, lợi ích ngành nuôi thủy sản của các nước nhập khẩu cũng cần phải được các DN cân nhắc và chia sẻ để nâng cao giá trị chuỗi sản xuất, hướng ngành công nghiệp cá tra đến phát triển bền vững.

Bài, ảnh: HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết