17/11/2008 - 20:50

Dạy học nghề ở bậc trung học phổ thông

Bất cập vì điểm cộng

Chương trình sách giáo khoa mới (phân ban) ở bậc THPT được triển khai thực hiện hơn 3 năm. Theo đánh giá của nhiều giáo viên, so với chương trình cũ, chương trình mới hoàn chỉnh hơn về nội dung, nhất là trong việc giáo dục toàn diện cho học sinh. Trong đó, nội dung dạy nghề được đưa vào chương trình chính thức với mục tiêu trang bị cho học sinh kiến thức cơ bản về một nghề nào đó, tạo tiền đề cho sự phát triển nghề nghiệp sau này. Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn nhiều bất cập…

“Không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc”

So với trước đây, nội dung dạy nghề ở chương trình THPT phân ban có những nét mới. Chương trình tập trung vào các nghề: điện dân dụng, may thêu, nấu ăn, nuôi trồng thủy sản, tin học... Việc dạy nghề cho học sinh chỉ bắt đầu thực hiện ở lớp 11. Nội dung dạy nghề được đưa vào chương trình chính khóa với 105 tiết dạy chính thức và 75 tiết ôn tập trong hè. Nếu học sinh không tham gia đủ 180 tiết sẽ không được thi chứng chỉ nghề.

Học sinh Trường THPT Bán công Phan Ngọc Hiển đang học thực hành nghề Điện dân dụng. 

Hai năm nay, khi tổ chức dạy nghề cho học sinh, Trường THPT Lưu Hữu Phước (quận Ô Môn) chỉ tập trung vào dạy nghề nuôi trồng thủy sản và tin học. Năm học 2008-2009, trường có 512 học sinh lớp 11 đăng ký học nghề nuôi trồng thủy sản và 52 học sinh đăng ký học nghề tin học. Việc dạy nghề được trường tổ chức trái buổi, 2 tiết/ tuần. Em Phạm Thị Phương Thảo, học sinh lớp 11A1, Trường THPT Lưu Hữu Phước, nói: “Trường chỉ dạy nghề nuôi trồng thủy sản và tin học, mà nhà em không có máy vi tính, nên em chọn học nghề nuôi trồng thủy sản, dù nhà em chẳng nuôi cá, tôm gì cả!”. Cũng chọn học nghề nuôi trồng thủy sản nhưng nguyên nhân của Bùi Thị Mai Thi, học sinh lớp 12A6, là: “Do trường không có đủ máy vi tính để dạy nghề tin học cho học sinh, nên em không thể đăng ký học tin học. Cũng may là nhà em vừa nuôi ao cá trê khá lớn nên em có điều kiện thực hành. Bây giờ, em học được cách cho cá ăn, cách xác định một số loại bệnh của cá...”.

Trường THPT Bán công Phan Ngọc Hiển (quận Ninh Kiều) tổ chức dạy 3 nghề: tin học, điện dân dụng, nấu ăn cho học sinh. 100% học sinh lớp 11 của trường đều đăng ký học nghề. Ông Nguyễn Văn Nhỏ, Hiệu trưởng trường, cho biết: “Do điều kiện cơ sở vật chất của trường hạn chế nên chỉ có khoảng 10% học sinh được học nghề tin học và nấu ăn; 90% còn lại học nghề điện dân dụng”. Không đủ phòng ốc để tổ chức dạy học nghề trái buổi nên các lớp học nghề phải học vào chủ nhật. Ông Nguyễn Văn Nhỏ nói thêm: “Sau mỗi khóa học, dù không học được nhiều thì học sinh cũng biết cách mắc một bóng đèn, nấu một bữa ăn hay đánh máy, trình bày một văn bản”.

Không thể phủ nhận vai trò của dạy nghề cho học sinh THPT trong mục tiêu hướng đến giáo dục toàn diện. Tuy nhiên, những hạn chế về cơ sở vật chất của các trường khiến chương trình chưa đạt được mục tiêu.

Giáo dục toàn diện hay vì điểm cộng?

Trường THPT Lưu Hữu Phước không có ao nuôi cá. Mỗi khi thực hành nghề nuôi trồng thủy sản, giáo viên phải dẫn học sinh lên tận Viện Lúa ĐBSCL, cách trường 4-5km. Do đây là ao nuôi của Viện nên học sinh chỉ được xem là chính, chứ ít có cơ hội tự tay thực hành. Còn ở Trường THPT Bán công Phan Ngọc Hiển, khuôn viên rất chật hẹp nên giáo viên, học sinh cũng gặp khó khi thực hành nấu ăn.

Hiện nay, ở hầu hết các trường, giáo viên dạy nghề là giáo viên dạy các bộ môn văn hóa được linh động điều chuyển sang. Chẳng hạn, giáo viên dạy nghề nuôi trồng thủy sản ở Trường THPT Lưu Hữu Phước là giáo viên dạy nghề trồng lúa được tập huấn lại. Còn giáo viên dạy nấu ăn của Trường THPT Bán công Phan Ngọc Hiển là giáo viên dạy Toán, Giáo dục công dân. Ông Dương Văn Nghiêm, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Hữu Phước, nhận xét: “Giáo viên dạy không đúng chuyên ngành, không thực sự đam mê nên khó lòng truyền đạt tốt cho học sinh”.

Nhiều giáo viên cho rằng chương trình phân ban hiện nay khá nặng, đòi hỏi các trường tổ chức dạy 2 buổi/ ngày nhưng do hạn chế về cơ sở vật chất, phần lớn các trường không thực hiện được. Việc đưa dạy nghề vào chương trình chính khóa khiến chương trình càng thêm nặng nề với học sinh. Nhiều trường THPT ở TP Cần Thơ, học sinh còn phải học nhờ, học gởi ở trường tiểu học nên các trường không tránh khỏi lúng túng trong việc tổ chức cho học sinh học nghề. Ông Nguyễn Văn Nhỏ nhận xét: “Thời lượng 105 tiết/ năm học của dạy nghề tương đương với một môn học văn hóa là áp lực không nhỏ đối với các trường”.

Năm học 2008-2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai công văn không bắt buộc các trường THPT tổ chức dạy nghề nếu không có giáo viên và điều kiện cơ sở vật chất tốt. Thế nhưng, nhiều trường vẫn cố gắng “vượt khó” dạy nghề cho học sinh, bởi nếu học sinh không học nghề đủ 180 tiết, sẽ không được thi nghề phổ thông. Điều này đồng nghĩa với việc học sinh sẽ mất đi cơ hội được cộng từ 1 đến 2 điểm khuyến khích vào điểm thi tốt nghiệp THPT. Và tất nhiên, theo đó, tỷ lệ tốt nghiệp THPT cũng sẽ giảm đi. Phải chăng mục tiêu học nghề, thi nghề để lấy điểm là chủ yếu đang trở nên phổ biến hơn mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh?

Năm học 2008-2009, Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng đã mạnh dạn bỏ hẳn việc dạy nghề cho học sinh. Nguyên nhân là do học sinh của trường đăng ký học nghề rất ít và trường cũng không có giáo viên dạy nghề. Đây là một tín hiệu thiết thực hưởng ứng cuộc vận động “nói không với bệnh thành tích trong giáo dục” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động. Liệu sau Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng sẽ có trường nào dũng cảm trả việc dạy nghề về đúng với mục tiêu đã đề ra?

Bài, ảnh: HÀ THANH

Chia sẻ bài viết