13/05/2020 - 11:29

Báo động nạn tự tử do COVID-19 

Các nhà nghiên cứu Thái Lan cảnh báo số người tự tử do khó khăn về kinh tế có thể sẽ vượt qua số ca tử vong do COVID-19, nếu chính phủ nước này không phản ứng nhanh.

Hồi cuối tháng 4, Anyakan đã phải cấp cứu tại bệnh viện ở thủ đô Bangkok sau khi uống thuốc diệt chuột nhằm phản đối việc không nhận được khoản hỗ trợ tài chính từ chính phủ là 5.000 baht (khoảng 154 USD) mỗi tháng trong 3 tháng. Nỗ lực tự tử bất thành của bà Anyakan nằm trong xu hướng đáng lo ngại hiện nay, bởi túng quẫn kinh tế do dịch bệnh gây ra đang đẩy ngày càng nhiều người dân Thái Lan đến tâm trạng tuyệt vọng.

Còn 2,4 triệu người chưa nhận được 5.000 baht thuộc chương trình hỗ trợ của Chính phủ Thái Lan. Ảnh: AFP

Trong những tuần gần đây, truyền thông địa phương đưa tin về một số vụ việc rất đau lòng, chẳng hạn như trường hợp của Irada ở Đông Bắc Thái Lan. Bà treo cổ tự vẫn hôm 21-4 sau khi gặp khó trong việc kiếm tiền nuôi hai con nhỏ. Hoạt động bán sữa chua của Irada vốn đã ế ẩm lại càng khó khăn hơn khi xứ Chùa Vàng áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Trước đó một ngày, ông bố 41 tuổi cùng đứa con gái được phát hiện chết trên sông ở phía Bắc Bangkok. Người đàn ông này được cho thất nghiệp và không thể tìm được việc để có thu nhập.

►Nhiều đối tượng trong nhóm nguy cơ

Thái Lan là nước có tỷ lệ tự tử trên đầu người cao nhất ở khu vực Đông Nam Á. Tự kết liễu đời mình đứng hàng thứ hai trong số những nguyên nhân tử vong phi tự nhiên tại đây, xếp sau tai nạn giao thông. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Thái Lan đứng vị trí 32 về tỷ lệ tự sát hàng năm trên thế giới, khi mà mỗi năm nước này có tới 10 ngàn người chết do tự vẫn.

Giờ đây, đại dịch COVID-19 và tác động kinh tế của nó khiến vấn nạn trên càng thêm tồi tệ. Nhóm các học giả Thái Lan đến từ nhiều trường đại học đã bắt đầu nghiên cứu nạn tự tử tại vương quốc này vài tuần sau khi chính phủ thực thi các biện pháp khẩn cấp để kiềm chế sự lây lan của virus. Theo đó, tính đến cuối tháng 4 đã có ít nhất 38 vụ tự tử liên quan đến các biện pháp phong tỏa và mất việc làm trong cuộc khủng hoảng, trong đó 28 người chết. Được biết, "đường dây nóng" của Bộ Y tế Thái Lan cũng đã tiếp nhận trên 600 cuộc gọi trong tháng 3, so với 20-40 cuộc ở các tháng trước đó.

Theo Cơ quan Thống kê quốc gia, người lao động phi chính thức chiếm 54,3% trong lực lượng lao động 37,5 triệu người của Thái Lan. Do có thu nhập không đều đặn, đồng lương thấp và không được bảo vệ bởi hệ thống an sinh xã hội, nên nhóm đối tượng này rất dễ bị tổn thương. Do vậy mới có cảnh báo rằng số ca tự tử do những ảnh hưởng về kinh tế thậm chí có thể qua mặt số người chết do COVID-19 nếu chính phủ không sớm hành động. Tính đến nay, Thái Lan ghi nhận hơn 3.000 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 56 trường hợp tử vong.

►Mỹ lo ngại về làn sóng tự sát

Trong tài liệu gần đây, các nhà nghiên cứu Mỹ tại tổ chức Well Being Trust cũng cảnh báo khủng hoảng liên quan dịch COVID-19 có thể khiến thêm 75 ngàn người chết vì tuyệt vọng trong một thập niên tới. Đó là những trường hợp thiệt mạng do tự sát và lạm dụng rượu bia hoặc chất kích thích.

Biện pháp cách ly và gặp khó về tài chính liên quan tới COVID-19 đang tạo ra cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần tại xứ cờ hoa. Kể từ trung tuần tháng 3, số người xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ đã lên tới khoảng 33 triệu. Theo khảo sát hồi đầu tháng này của hãng Gallup, tỷ lệ người Mỹ trưởng thành rất hài lòng với cuộc sống hiện tại và lạc quan về tương lai đã giảm xuống mức thấp kỷ lục kể từ tháng 11-2008.

 Nghiên cứu trước đây từng phát hiện cứ mỗi điểm % tăng ở tỷ lệ thất nghiệp thì tỷ lệ tự sát tăng khoảng 1,6%.

HẠNH NGUYÊN (Theo Diplomat, CNN)

Chia sẻ bài viết