10/10/2018 - 15:02

Báo động khủng hoảng sức khỏe sinh sản nam giới 

Tình trạng béo phì, hút thuốc lá và phơi nhiễm hóa chất độc hại từ đồ nhựa là nguyên nhân chính khiến số lượng và chất lượng tinh trùng ở nam giới giảm nghiêm trọng. Đáng chú ý, tỷ lệ phái mạnh phải điều trị vô sinh đã tăng 700% chỉ sau 15 năm.

Các phát hiện trên được Tiến sĩ Ashley Tiegs trình bày tại hội nghị của Hiệp hội Y học Sinh sản Mỹ hôm 8-10. Theo đó, bà và nhóm cộng sự đã phân tích mẫu tinh dịch thu thập từ 120.000 nam giới châu Âu và Mỹ trong thời gian từ năm 2002 đến năm 2017 của hai trung tâm sức khỏe sinh sản lớn là Hội Y học Sinh sản New Jersey ở Mỹ và Viện nghiên cứu Vô sinh Valencia của Tây Ban Nha.

Họ phát hiện tỷ lệ phái mạnh phải điều trị vô sinh trong giai đoạn này đã tăng gấp 7 lần, từ 8.000 lên 60.000 ca. Không chỉ giảm về số lượng và chất lượng tinh trùng đến mức cần phải tiến hành phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) mới có thể có con, số người sở hữu lượng tinh trùng ở mức “bình thường” cũng giảm thấp đáng kể. Điều đáng lo là xu hướng này đã và đang tiếp tục tăng cao, Tiến sĩ Tiegs cảnh báo.

Thông thường, mật độ tinh trùng được xem là bình thường khi số lượng tinh trùng di động phải trên 20 triệu con trong mỗi ml tinh dịch. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, nam giới có dưới 15 triệu tinh trùng/ml tinh dịch thì cần điều trị khả năng sinh sản, tùy vào số lượng tinh trùng của họ thấp đến mức nào. Cụ thể, đối với người có mật độ tinh trùng di động từ 5-15 triệu/ml tinh dịch thì chỉ cần áp dụng phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI). Trong khi đó, người có số lượng từ 0-5 triệu “tinh binh” đòi hỏi phải điều trị bằng IVF. Theo dữ liệu mà Tiến sĩ Tiegs và các đồng nghiệp thu thập từ năm 2002, tỷ lệ người nam có số lượng tinh trùng dưới mức trung bình 15 triệu đã tăng vọt trong khi tỷ lệ này ở nhóm bình thường từ 15 triệu trở lên giảm dần từ 85% xuống còn 79%.

Lý giải nguyên nhân, Tiến sĩ Tiegs cho biết tuổi tác có thể không liên quan nhiều tới khả năng sinh sản của nam giới bởi tuổi trung bình những người cần điều trị vô sinh trong nghiên cứu là trên dưới 36 tuổi. Thay vào đó, các nhà khoa học tin rằng lối sống gồm chế độ ăn uống kém lành mạnh (như tiêu thụ nhiều bia rượu, caffeine và thịt chế biến), ít vận động, thường xuyên bị căng thẳng, hút thuốc lá, bị béo phì và phơi nhiễm hóa chất trong đồ nhựa, thuốc trừ sâu mới là nguyên nhân chủ yếu làm giảm số lượng lẫn chất lượng tinh trùng.

Trước nghiên cứu này, các nhà khoa học Mỹ và Israel năm 2017 đã công bố nghiên cứu gây sốc khi cho biết số lượng tinh trùng ở nam giới các nước phương Tây đã giảm 59,3% trong 40 năm qua. Kết quả này dựa trên phân tích của 250 nghiên cứu về số lượng tinh trùng tiến hành từ năm 1973 đến 2011. Trong cùng năm, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng phát cảnh báo mức sinh ở Mỹ đang ở mức thấp nhất mọi thời đại. Cụ thể, tỷ lệ sinh ở Mỹ năm 2016 chỉ 62 ca/1.000 phụ nữ. Ở nữ giới, phần lớn chị em muốn hoãn sinh con hoặc không muốn sinh do theo đuổi việc học hành, công việc… Trong khi đó ở nam giới, tình trạng chậm có con hoặc không thể sinh con hoàn toàn là do yếu tố sinh học tự nhiên, nói cách khác là sức khỏe sinh sản của họ không bảo đảm.

Những phát hiện trên đang làm dấy lên mối quan ngại về sự khủng hoảng sức khỏe sinh sản ở nam giới ở cấp độ toàn cầu. 

ĐƯỜNG THẤT (Theo Daily Mail)

Chia sẻ bài viết