23/02/2020 - 08:59

Báo động đỏ tại những cánh rừng ĐBSCL 

Hiện đang vào cao điểm mùa khô, nắng nóng kéo dài khiến những cánh rừng tại ĐBSCL cạn nước, nguy cơ cháy rất cao. Do đó, các ngành, các cấp đang tập trung triển khai nhiều giải pháp phòng chống cháy rừng (PCCR).

Nguy cơ xảy ra cháy bất cứ lúc nào

Những ngày này, nhiều cánh rừng tại vùng Bảy Núi như: núi Phú Cường, cụm núi Đất, khu vực núi Nhọn, núi Sam, núi Dài, Cô Tô, Nam Quy… và diện tích rừng tràm vùng đồng bằng trên địa bàn tỉnh An Giang đã qua nhiều ngày nắng nóng, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng cao.

Lực lượng chức năng tỉnh An Giang tuần tra và kiểm tra dụng cụ phòng chống cháy rừng tại vùng Bảy Núi. Ảnh: BÌNH NGUYÊN

Ông  Hồ Văn Minh, Tổ trưởng Tổ Bảo vệ rừng số 3 (ấp Phú Hòa, xã An Phú, huyện Tịnh Biên), cho biết, Tổ của ông có 9 người, bảo vệ khoảng 200ha rừng. Thời điểm này, do nắng nóng kéo dài, ông cùng các thành viên của Tổ luôn có ý thức và cảnh giác cao trong việc PCCR. “Chúng tôi chia 3 người một đội, đi tuần từ đây xuống dưới rồi lại trở về. Đeo bình nước đi như vậy vừa phòng chống cháy, vừa phòng chống người ta chặt củi. Về công tác phòng cháy, chúng tôi có các bình nước, bồn nước đầy đủ, lúc nào cũng đầy nước” - ông Minh nói.

Ông Lý Vĩnh Định, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm liên huyện Tri Tôn - Thoại Sơn, cho biết, Hạt quản lý địa bàn rộng, với tổng diện tích rừng hơn 5.500ha; trong đó, gần 3.800ha rừng khu vực núi, hơn 1.800ha rừng đồng bằng. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Hạt đã triển khai các phương án phòng cháy chữa cháy đối với các điểm có nguy cơ cháy cao, duy trì chế độ trực 24/24 giờ, kiểm soát chặt chẽ người vào khu vực rừng có nguy cơ cháy cao. “Năm nay trời rất hanh khô, nhiệt độ trên 350C trong khi mực nước ngầm rất thấp nên nguy cơ cháy rừng hiện rất cao. Chúng tôi đã đưa tất cả các phương tiện, dụng cụ chữa cháy xuống vùng trọng điểm. Nhất là tăng cường phối hợp với các địa phương để kiểm tra thường xuyên”- ông Định nói.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh gần 17.000ha, gồm vùng đồi núi và đồng bằng. Trong đó, vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cấp 5 là hơn 7.000ha, tập trung ở các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn… Hiện nay nhiệt độ luôn ở mức cao, cao hơn khoảng 10C so với cùng kỳ năm trước; nhất là thời điểm khoảng 13 giờ hằng ngày, nắng nóng gay gắt, các vật liệu cháy dưới tán rừng đã khô, độ ẩm rất thấp, lượng nước dưới các kênh đang dần khô kiệt nên rất dễ bắt lửa.

Những cánh rừng vùng Bảy Núi đang ở cấp báo động cháy cực kỳ nguy hiểm. 

Tại Bạc Liêu, rừng Vườn chim Bạc Liêu đang được dự báo nguy cơ cháy ở mức cực kỳ nguy hiểm (cấp 5). Nhiệt độ trung bình đo tại khu rừng này là 32oC, độ ẩm khoảng 50-56% và gió mạnh. Điều lo lắng hơn là rừng Vườn chim Bạc Liêu cảnh báo cháy sớm hơn 1,5 tháng so với năm trước. Hiện mực nước ở các kênh, mương trong khu rừng rút cạn rất nhanh, thấp hơn mực nước năm 2019.

Những ngày này, tại lâm phần rừng tràm và rừng các cụm đảo trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng đang trong tình trạng “nguy kịch” khi có tới hơn 50% diện tích cảnh báo cháy cấp độ 4 và 5, nguy cơ xảy ra cháy bất cứ lúc nào. Lo nhất hiện nay là tình trạng nắng nóng kết hợp gió mạnh khiến mực nước dưới các kênh, rạch trong rừng bốc hơi nhanh. Vào thời điểm này các năm trước, mực nước dưới kênh rạch trong rừng còn hơn 3m nhưng hiện tại chỉ còn từ 2-2,3 m. Trong khi đó, hệ thống các kênh trục vùng ngọt bên ngoài lâm phần đang trong tình trạng cạn kiệt, chỉ còn từ 1-1,5 m; các tuyến kênh cấp I thì còn từ 0,5-0,8 m, trong khi các tuyến kênh cấp II, cấp III và kênh nội đồng thì khô cạn.

Ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, cho biết đến giữa tháng 2, toàn lâm phần rừng tràm và rừng các cụm đảo trên địa bàn tỉnh Cà Mau có hơn 42.300ha đã bị khô hạn gay gắt, nguy cơ cháy rừng rất cao. Trong đó, dự báo cháy cấp 4 (cấp nguy hiểm) là hơn 11.156ha và dự báo cháy ở cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm) là hơn 12.100ha. Đã có hơn 50% diện tích nằm trong cấp “báo động đỏ” về nguy cơ cháy rừng. Diện tích báo cháy phân bổ đều trên toàn lâm phần rừng tràm Cà Mau. Trong tình thế như vậy, nếu lơ là, bất cẩn thì chỉ một mồi lửa nhỏ, cả đám rừng lớn có thể sẽ trở thành những ngọn đuốc.

Trực 24/24 giờ

Theo Ban Quản lý Vườn chim Bạc Liêu, hiện nay lượng nước trên các trục kênh toàn lâm phần rừng đang rút xuống cạn, nhất là vùng đệm, vùng lõi, cộng với lớp thực bì dày, độ ẩm cao… nếu chủ quan, lơ là trong tuần tra, kiểm soát, sẽ khó giữ được rừng. Do đó, Ban Quản lý Vườn chim cùng lực lượng kiểm lâm tỉnh đã tiến hành dọn thực bì, phát quang các tuyến đường, bờ bao, khu vực nguy cơ cháy cao. Đồng thời, tranh thủ lúc đỉnh triều, lấy nước vào để tạo độ ẩm cho rừng. Ngoài ra, cũng kiểm soát chặt hoạt động tham quan của du khách. Khu vực phục vụ du lịch giới hạn trong khu vực hành chính, du khách được hướng dẫn không sử dụng lửa, nguồn phát sinh nhiệt.

Ngành chức năng Cà Mau diễn tập công tác PCCR.

Đứng trước tình hình khô hạn gay gắt dự báo sẽ còn kéo dài và khốc liệt, ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đề nghị các chủ rừng và lực lượng chuyên trách thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ), cắt cử lực lượng quan sát trên các chòi canh lửa 24/24 giờ và thực hiện tốt chế độ ứng trực thông tin; tăng cường lực lượng, phương tiện tại những nơi có nguy cơ cháy cao để chủ động, ngăn ngừa và kiểm soát kịp thời khi có cháy xảy ra. Các chủ rừng thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng, tuyệt đối không cho người không có phận sự vào rừng lấy mật ong; thường xuyên kiểm tra độ ẩm dưới chân rừng để đưa ra cấp dự báo cháy rừng phù hợp nhằm chủ động ứng phó.

Tại An Giang, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã nâng mức báo động cháy rừng lên cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm), đồng thời xây dựng các phương án, bố trí lực lượng, phương tiện chữa cháy để ứng trực 24/24 giờ; triển khai hàng chục phương án PCCR từ cấp huyện đến cấp xã theo phương châm bốn tại chỗ. Chi cục đã trang bị 4 xe tải phục vụ vận chuyển lực lượng khi có sự cố, gần 70 xuồng và vỏ lãi, hơn 130 máy chữa cháy cải tiến, gần 12.000 dụng cụ: thùng chứa nước, bình xịt, can đựng nước, bàn đập lửa.

Ông Trương Minh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang, cho biết diện tích rừng của tỉnh An Giang chủ yếu tập trung ở khu vực Bảy Núi, đây lại là nơi có nhiều chùa chiền và cơ sở thờ tự, nên nguy cơ xảy ra cháy bất cứ lúc nào. Do đó, công tác tuyên truyền để du khách cũng như người dân hiểu và tích cực tham gia trong công tác PCCR là hết sức quan trọng.

“Đối với công tác PCCR thì tuyên truyền rất quan trọng, do đó phải phối hợp với Đài Truyền thanh huyện, xã thường xuyên phổ biến cho người dân, khách hành hương việc sử dụng nhang, lửa đúng cách. Đặc biệt phải có lực lượng công an, quân sự, kiểm lâm và chủ rừng túc trực tại các cơ sở thờ tự, nơi khách hành hương tập trung cao, để nhắc nhở du khách cẩn trọng trong việc sử dụng lửa để đốt nhang, đốt vàng mã. Đối với các hộ dân sống ven rừng, cũng thường xuyên nhắc nhở khi sử dụng lửa” - ông Hùng nói..

Bài, ảnh: Bình Nguyên

Chia sẻ bài viết