19/08/2021 - 14:56

Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ mầm non khi dịch bệnh phức tạp 

Năm học 2021-2022, với giáo dục mầm non, phương hướng chung là bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ em; tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Hội nghị trực tuyến tổng kết giáo dục mầm non năm học 2020-2021 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học mới - Ảnh: VGP/Nhật Nam

Ngày 18/8, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến với 1.324 điểm cầu trên toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non. 

Giáo dục mầm non đạt nhiều kết quả quan trọng

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết: Năm học 2020-2021, giáo dục mầm non đã đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể, quy mô, mạng lưới trường lớp tiếp tục được củng cố, phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh, số trường mầm non tăng cao so với năm học trước, đặc biệt là việc tăng số trường mầm non tư thục.

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết số 08/NQ-CP của Chính phủ, nhiều địa phương đã quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp, giảm số đầu mối và bộ máy hành chính nhưng bảo đảm chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ; ưu tiên các nguồn lực để duy trì kết quả và đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, từng bước xóa phòng học tạm, học nhờ, đáp ứng cơ bản nhu cầu phòng học cho giáo dục mầm non, bảo đảm đủ phòng học cho trẻ 5 tuổi.

Các địa phương quan tâm thực hiện chế độ chính sách, bổ sung chính sách địa phương hỗ trợ cho đội ngũ, giúp giáo viên an tâm, gắn bó với nghề. Công tác quản lý giáo dục, tăng cường thực hiện dân chủ ở cơ sở có nhiều biến chuyển tích cực.

Các tỉnh, thành phố đã có nhiều biện pháp quản lý chỉ đạo thực hiện Chương trình giáo dục mầm non sáng tạo, hiệu quả; tích cực đổi mới phương pháp tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non...

Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cũng cho biết việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục mầm non năm học 2020-2021 còn nhiều khó khăn, bất cập. Đó là vấn đề thiếu giáo viên chưa được giải quyết triệt để; cơ sở vật chất còn thiếu thốn, tỷ lệ phòng học kiên cố và trường chuẩn quốc gia còn thấp; nhiều địa phương còn tình trạng tỉ lệ trẻ/lớp vượt quá nhiều so với quy định; tình trạng bạo hành trẻ em có giảm, tuy nhiên, vẫn còn xảy ra ở một số địa phương.

Mạng lưới trường lớp mầm non chưa đáp ứng nhu cầu tới trường của trẻ em; còn thiếu nhiều trường, lớp cho con em công nhân ở khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư; còn nhiều nhóm lớp độc lập tư thục chưa được cấp phép.

Ngoài ra, công tác quản lý, thực hiện dân chủ ở một số cơ sở còn hạn chế, chưa phát huy tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong công tác quản lý.

Tổ chức nuôi dưỡng chăm sóc giáo dục trẻ đáp ứng yêu cầu

Về phương hướng của giáo dục mầm non năm học 2020-2021, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non Nguyễn Bá Minh nhấn mạnh phương hướng chung là bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ em; tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non; tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, tăng cường nền nếp, kỷ cương, chất lượng và hiệu quả trong các cơ sở giáo dục mầm non.

Ngoài ra, phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương; củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phát triển giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi.

Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nâng cao chất lượng, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non sau sửa đổi theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và triển khai thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025”; đẩy mạnh truyền thông về giáo dục mầm non.

Theo Báo Điện tử Chính phủ

Chia sẻ bài viết