07/11/2012 - 22:37

Báo chí cần thông tin trung thực

Cử tri thành phố đề nghị Quốc hội cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí theo hướng đảm bảo việc đưa tin phải trung thực, chính xác và khách quan. Đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân đưa tin không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận, thiệt hại đến quyền và lợi ích của Nhà nước và nhân dân. Công văn trả lời của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, như sau:

Luật Báo chí năm 1989 (sửa đổi, bổ sung năm 1999) đã có những quy định rõ về trách nhiệm của cơ quan báo chí cũng như nhà báo là phải đảm bảo tính trung thực của thông tin. Cụ thể tại Điều 5, Luật Báo chí quy định "Báo chí phải thông tin trung thực về tình hình trong nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân"; Khoản 4, Điều 5 của luật quy định "Báo chí không được đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân"; Khoản 2, Điều 15 quy định "Nhà báo có nghĩa vụ thông tin trung thực về tình hình trong nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và nhân dân; phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân,…". Bên cạnh đó, Luật Báo chí còn đưa ra những biện pháp xử lý khi cơ quan báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí, hay nhà báo có những sai phạm. Cụ thể như: yêu cầu cải chính trên báo (Điều 9); bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự, xử lý kỷ luật, thu hồi thẻ nhà báo, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 28).

Như vậy, có thể nói rằng, việc yêu cầu báo chí phải thông tin trung thực và xử lý sai phạm đã được ghi nhận trong Luật Báo chí. Vấn đề là ở việc thực thi những quy định đó và việc xử lý các vi phạm trong quá trình hoạt động và quản lý báo chí.

Chia sẻ bài viết