22/05/2023 - 11:18

Bàn về “sức sống mới” cho thơ 

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Tọa đàm Thơ năm 2023 do Hội Nhà văn TP Cần Thơ vừa tổ chức với chủ đề “Sức sống mới” thu hút sự quan tâm của nhiều người yêu thơ trên địa bàn thành phố. Đúng như chủ đề, câu chuyện làm sao để tạo cho thơ một “sức sống mới” là vấn đề đặt ra.

Nhà thơ Phan Hoàng chia sẻ về thơ và thơ 1, 2, 3.

Nhà thơ Phan Hoàng chia sẻ về thơ và thơ 1, 2, 3.

Tọa đàm có sự tham gia chia sẻ của nhiều diễn giả là các nhà thơ tên tuổi như nhà thơ Phan Hoàng, Giám đốc - Chủ biên trang Vanvn.vn (cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn Việt Nam); nhà thơ Văn Công Hùng, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk; nhà thơ Nguyễn Đức Phú Thọ, Phân hội trưởng Phân hội Văn học tỉnh An Giang... Bên cạnh đó là các nhà lý luận phê bình, nhà thơ ở Cần Thơ như Lê Xuân, Nguyễn Thanh Toàn... Câu chuyện về thơ vì thế mà “xôm tụ” hơn.

Theo nhà thơ Phan Hoàng, chẳng có công thức nào cho một bài thơ hay, nhưng ý tứ và ngôn ngữ trong một bài thơ là cần được chú trọng. Trong một tập thơ, cần có một giọng thơ chủ đạo, xuyên suốt, nối kết các tác phẩm với nhau. Trong sáng tác thơ hiện nay, nếu không sáng tạo được ngôn ngữ thơ mới thì người làm thơ cũng nên phản ánh bằng ngôn ngữ của thời đại mình đang sống, chứ không nên gò bó vào lối viết, ngôn ngữ xưa cũ, rập khuôn.

Về thể loại thơ, nhà thơ Phan Hoàng cho rằng, tùy cảm xúc mà chọn thể thơ cho phù hợp để sáng tác. Người làm thơ cũng hoàn toàn có thể sáng tạo trên thể loại thơ cũ, như lục bát ngắt dòng, thơ mới hiện đại... thậm chí là sáng tác thể loại thơ mới. Thể loại thơ 1, 2, 3 do nhà thơ Phan Hoàng sáng tạo ra là ví dụ điển hình, hiện được nhiều người ứng dụng trong sáng tác. Đây là thể loại nhà thơ Phan Hoàng sáng tạo cách đây chưa lâu, mỗi bài thơ gồm 3 đoạn, 6 câu. Đoạn 1 chỉ 1 câu gồm tối đa 11 chữ, đồng thời cũng là tên bài thơ. Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ. Đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ. Đã có rất nhiều bài thơ thể loại này ra đời và được công chúng yêu thơ đón nhận.

Thực tế, có tình trạng “người người làm thơ”, ai cũng có thể làm thơ, nhưng chất lượng thì mỗi người mỗi khác. Về vấn đề này, nhà thơ Văn Công Hùng công tâm cho rằng: “Thơ là của chung, ai cũng có thể làm thơ!”. Mỗi người khi vui, khi buồn, viết vài câu thơ để bày tỏ cảm xúc là điều tốt, không có gì phải bàn. Tuy nhiên, nhà thơ Văn Công Hùng nhấn mạnh, cần minh định giữa thơ sáng tác cho vui và thơ (tạm gọi là) chuyên nghiệp.

Theo nhà thơ Văn Công Hùng, thơ chuyên nghiệp và người làm thơ chuyên nghiệp là nói thay tiếng nói cho đồng bào mình, cho lương tri, cho cuộc sống. Điều này đòi hỏi vai trò định hướng, phân tích của các nhà lý luận phê bình văn học. Việc định hướng, gợi mở sẽ giúp người đọc và cả người sáng tác không mơ hồ, lệch chuẩn giá trị của thơ.

Trước câu hỏi làm sao để sáng tác bài thơ hay, các diễn giả tại tọa đàm đều thống nhất rằng, chẳng có trường lớp nào dạy làm thơ hay, chỉ có dạy làm thơ. Ở đó, người học học cách nuôi dưỡng cảm xúc, học cách lao động sáng tạo ngôn từ... để nhuần nhuyễn thành “bí quyết” của riêng mình.

Buổi Tọa đàm Thơ năm 2023 còn có rất nhiều sinh viên Trường Đại học Cần Thơ đam mê văn chương tham gia. Các em được giao lưu với các tác giả yêu thích, được nghe bàn về thơ, được sống trong không khí của học thuật thơ ca... Huỳnh Minh Châu, sinh viên ngành Văn học, chia sẻ: “Em tham gia tọa đàm với mong muốn lắng nghe chia sẻ của các nhà thơ về thơ, giúp ích cho việc học tập của em cũng như cho em thêm nhiều kỹ năng trong sáng tác văn học. Thơ là đam mê của em”.

Chia sẻ bài viết