15/02/2020 - 20:21

Ban Tổ chức EURO 2020 “đá phản lưới nhà”?

EURO 2020 sẽ là kỳ EURO đầu tiên được tổ chức trên khắp châu Âu, nên các đội tuyển/cổ động viên (CĐV)phải bay hàng ngàn km và điều này để lại dấu chân carbon khổng lồ.

Nhằm kỷ niệm 60 năm giải đấu ra đời, Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) quyết định “rải” EURO 2020 ra ở 12 quốc gia khác nhau, thay vì 1 hoặc 2 nơi như thường lệ. Đây cũng có thể là sự cải tiến và các nhà tổ chức cam kết biến sự kiện này thân thiện môi trường. Tuy nhiên, lời hứa này bị nghi ngờ không mấy thành ý. Chẳng hạn như các CĐV Ba Lan phải di chuyển hơn 6.000km trong 10 ngày để xem những trận đấu vòng bảng có đội nhà góp mặt, họ đến Bublin và Bilbao rồi quay lại Ireland. Cũng có những trận đấu diễn ra tại Baku, cách Luân Đôn - nơi diễn ra trận chung kết Giải vô địch bóng đá châu Âu 2020 - tới gần 5.000km.

EURO 2020 tương phản với kỳ EURO 2016 chỉ tổ chức tại Pháp và ngày hội lần tới ở Đức vào năm 2024. Do vậy, Karima Delli - Chủ tịch Ủy ban Vận tải và Du lịch thuộc Nghị viện châu Âu - nhận định: “Nhìn từ góc độ môi trường, đây là điều hoàn toàn vô nghĩa. Ban Tổ chức nói thể thức mới nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết của châu Âu, nhưng họ lại quên rằng đang có tình trạng khẩn cấp về khí hậu”. Dù vậy, UEFA khẳng định họ đã tính đến “sự cấp bách” này và đang tiến hành những bước đi để đảm bảo EURO 2020 sẽ là giải đấu thân thiện môi trường nhất từ trước đến nay.

Thể thức tổ chức EURO 2020 sẽ chứng kiến nhiều quốc gia hàng đầu như Anh, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan thi đấu những trận vòng bảng trên sân nhà. Theo UEFA, điều đó sẽ giảm đáng kể dấu chân carbon của giải đấu. CĐV cuồng nhiệt của các đội tuyển này vốn nổi tiếng với việc sẵn sàng di chuyển hàng chục ngàn km để góp mặt ở những giải đấu lớn.

Khí thải từ việc di chuyển của CĐV có thể là điều khó xác định nhất. Phía UEFA tính toán rằng hoạt động đi lại của những người hâm mộ và các đội tuyển trong thời gian diễn ra EURO 2020 sẽ tạo ra 425.000 tấn khí thải carbon. So sánh thì thấy EURO 2016 đã tạo ra 517.000 tấn khí thải, trong khi World Cup 2018 diễn ra ở 11 thành phố của Nga với 32 đội tham dự (thay vì 24 như EURO) đã phát thải gần 1,5 triệu tấn.

Để bù đắp lượng khí thải carbon từ EURO 2020, UEFA cam kết đầu tư vào “các dự án giảm phát thải khí nhà kính” và dự định trồng 50.000 cây xanh ở mỗi quốc gia đăng cai nhằm mục đích để lại “di sản lâu dài”. Nhưng các chuyên gia về khí hậu không mấy lạc quan về hiệu quả của biện pháp này. Ngoài ra, UEFA cũng nỗ lực giảm phát thải, chẳng hạn tặng vé sử dụng các phương tiện giao thông công cộng cho CĐV vào những ngày bóng lăn và tái chế rác thải nhiều hơn.

Vòng chung kết EURO 2020 sẽ diễn ra từ ngày 12-6 đến 12-7-2020. Tổng cộng có 12 thành phố lớn được chọn làm địa điểm đăng cai, bao gồm: Baku (Azerbaijan), Copenhagen (Đan Mạch), Rome (Ý), Munich (Đức), Budapest (Hungary), Amsterdam (Hà Lan), Dublin (CH Ireland), Bucharest (Romania), Saint Petersburg (Nga), Glasgow (Scotland), Bilbao (Tây Ban Nha) và Luân Đôn (Anh). Kỳ EURO lần thứ 16 này có tổng cộng 24 đội bóng tham dự được chia thành 6 bảng đấu. Các đội xếp nhất, nhì cùng 4 đội đứng thứ ba có thành tích tốt nhất sẽ giành quyền bước vào vòng loại trực tiếp.

BÌNH DƯƠNG (Theo AFP, Sky Sports)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
EURO 202