Trong quá trình thăm khám, kê đơn thuốc, các bác sĩ thường hỏi: “Cô, bác có dị ứng với thuốc gì không?”. Mặc dù dị ứng thuốc là tình trạng xảy ra ngoài ý muốn, nhưng tác hại của dị ứng thuốc không chỉ gây nguy hiểm cho sức khỏe mà nhiều trường hợp còn đe dọa tính mạng người bệnh.
Ảnh minh họa: Sử dụng thuốc phải theo toa chỉ dẫn của bác sĩ thăm khám.
Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Thanh Nhàn, bác sĩ điều trị Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ, kể về một trường hợp bệnh nhân cao tuổi bị dị ứng thuốc, may nhờ nhập viện cấp cứu kịp thời mới giữ được an toàn tính mạng.
Bác sĩ Nhàn cho biết, vài năm trước, một cụ ông (80 tuổi) mắc bệnh đau nhức xương khớp, đến BV Đa khoa TP Cần Thơ điều trị lần đầu, được bác sĩ chuyên khoa kê đơn, phát thuốc về nhà uống. Sau khi uống thuốc, bệnh nhân gặp phải tình trạng dị ứng, được chẩn đoán là hội chứng Steven - Jonhson, nổi bóng nước, loét da như bị phỏng ở môi, lưỡi, các khoang miệng mũi. Sau khi điều trị khỏi, bác sĩ ghi thông tin bệnh nhân dị ứng thuốc vào sổ khám bệnh và nhắc người nhà lưu ý.
Gần đây, bệnh đau nhức tái phát, cụ ông lại đến BV Đa khoa TP Cần Thơ thăm khám nhưng người thân không nhớ báo với bác sĩ tình trạng dị ứng thuốc của ông cụ. Bác sĩ cũng không để ý khai thác tiền căn dị ứng thuốc của bệnh nhân, đã kê toa cho ông uống loại thuốc giảm đau đã gây dị ứng. Sau khi uống thuốc, bệnh nhân bị ngứa toàn thân, nổi bóng nước đau rát, đến BV huyện, được chẩn đoán sốc phản vệ nghi do phản ứng với thuốc. Sau xử trí ban đầu, cụ ông được chuyển lên BV Đa khoa TP Cần Thơ. Bệnh nhân được hồi sức cấp cứu nhanh chóng, tích cực điều trị kháng sinh, kháng dị ứng, vài ngày thì tình trạng cải thiện, rất may không dẫn tới tình trạng sốc nhiễm trùng.
BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long cũng vừa tiếp nhận bệnh nhi 3 tuổi ở tỉnh Hậu Giang nhập viện do hội chứng Steven - Jonhson với những bóng nước vỡ rải rác toàn thân. Bác sĩ CKII Phạm Nguyễn Yến Trang - Phó Trưởng Khoa Nhi cho biết, đó là tình trạng dị ứng nặng, do nhiều nguyên nhân như thuốc, nhiễm siêu vi. Các biến chứng nặng có thể gặp như: nhiễm trùng huyết, viêm phổi, rối loạn điện giải, nặng nhất có thể gây tử vong. Bác sĩ Trang khuyên phụ huynh khi cho các bé dùng thuốc, nếu thấy có biểu hiện bất thường thì phải ngưng ngay và nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế khám. Phụ huynh cần mang theo đầy đủ toa và thuốc đang dùng, giúp nhân viên y tế chẩn đoán nhanh, điều trị kịp thời.
Theo các chuyên gia y tế, dị ứng thuốc là tình trạng phản ứng khác thường của cơ thể khi tiếp xúc với thành phần của thuốc có tính chất gây dị ứng. Khi bị dị ứng, hệ thống miễn dịch tạo ra mức độ nhạy thuốc cực lớn khi dùng thuốc lần đầu. Tuy nhiên, có trường hợp dùng thuốc lần đầu không dị ứng nhưng lại bị ở những lần tiếp theo. Các dấu hiệu chủ yếu là phát ban, nổi mẩn, sốt. Phản ứng tức thời của dị ứng thuốc có nguy cơ gây ra sốc phản vệ, có thể dẫn tới tử vong trong vài phút sau khi cơ thể tiếp xúc với thuốc. Phản ứng muộn ít xảy ra hơn nhưng thường nghiêm trọng, đe dọa tính mạng bao gồm hội chứng Stevens - Johnson, hội chứng hoại tử da nhiễm độc...
Kháng sinh xếp “đầu bảng”, chiếm tới hơn 50% các thuốc gây dị ứng. Bên cạnh đó, dân gian quan niệm thuốc nam, thuốc đông y “lành, mát”, không gây hại nhưng thực sự thì chúng đứng thứ ba trong nhóm gây dị ứng. Điều cần lưu ý, trong nhiều trường hợp bị sốt, ngứa, nổi mề đay, người bệnh không nghĩ đến dị ứng thuốc nên uống thêm vài loại khác, làm cho tình trạng dị ứng thêm trầm trọng.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân không nên tự mua thuốc điều trị, chỉ nên dùng thuốc theo đúng toa chỉ định của bác sĩ và ngưng sử dụng, gặp bác sĩ ngay khi có phản ứng bất thường xảy ra. Khi đã bị dị ứng loại thuốc nào thì tuyệt đối không được dùng loại thuốc đó nữa. Tình trạng dị ứng đối với một loại thuốc xảy ra ở những lần sau đều trầm trọng hơn lần trước. Khi đi khám bệnh hoặc mua thuốc, người bệnh phải thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết những loại thuốc mình dị ứng trước đây và những loại thuốc hiện đang dùng để được hướng dẫn sử dụng hợp lý, an toàn.
Bài, ảnh: THU SƯƠNG