31/05/2023 - 09:09

Bàn chuyện “trend” ẩm thực 

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Chưa bao giờ ẩm thực từ cây nhà lá vườn lại liên tục tạo thành “trend” (xu hướng thịnh hành) trên mạng xã hội như bây giờ. Hết gỏi gà măng cụt “làm mưa làm gió” thì đến gỏi hoa phượng, gỏi dâu da, trà mãng cầu và thậm chí là bông giấy chiên giòn, sầu riêng non hầm thịt... Những video clip tràn ngập trên các nền tảng mạng xã hội hướng dẫn cách sơ chế, chế biến, thưởng thức, thu hút hàng trăm triệu lượt xem, tương tác từ khán giả. “Cơn sốt” ẩm thực Nam Bộ trở nên hừng hực và cứ “trend” này vừa qua “trend” khác lại nổi lên.

Gỏi dâu da tôm thịt.

Cũng nhờ những xu hướng ẩm thực mới mẻ này mà nhà nông hưởng lợi khi giá nông sản, tiêu biểu là trái măng cụt sống và trái mãng cầu non, tăng lên nhiều và bán rất chạy. Đặc sản miệt vườn Nam Bộ cũng nhờ vậy mà được nhiều người biết đến, lan tận ra miền Trung, miền Bắc, thậm chí là nước ngoài.

Cũng có nhiều người lo ngại rằng đây chỉ là xu hướng nhất thời, không bền vững... Hay cũng có dư luận lo ngại việc ảnh hưởng đến vụ mùa nông sản miền Tây. Nhưng có lẽ, lo ngại ấy “hơi xa” khi gần đây vào mùa măng cụt chín, vẫn có rất nhiều người bán, với số lượng lớn và giá ổn định. Bởi những lần “bắt trend” như thế chẳng thấm vào đâu so với diện tích trồng và sản lượng trái hằng năm của nhà vườn khu vực Nam Bộ.

Bình tâm mà nghĩ, khu vực Nam Bộ nói chung, miền Tây sông nước nói riêng, là thủ phủ của trái cây, rau củ và cũng là “cái nôi” của ẩm thực từ bông, lá quê nhà. Từ trăm năm trước, trên mâm cơm của người Nam Bộ đã có cơ man các loại bông: bông điên điển, bông súng, bông so đũa... và cả các loại lá tưởng chừng là cỏ hoang như hẹ nước, chòm mòi, cơm nguội, cơm cháy, cát lòi, đọt sắn, đọt đào (đào/điều lộn hột), đọt choại, đọt cóc kèn... Những loại bông, lá này sinh ra không phải để làm thức ăn, cũng càng không phải để làm đặc sản, mà tất cả do sự tìm tòi, khám phá, trải nghiệm của con người. Đó không chỉ là sự “tùy nghi ứng biến”, hay là hoàn cảnh “trời sinh voi sinh cỏ” mà còn là sự sáng tạo trong văn hóa ẩm thực Nam Bộ. Rõ ra, từ trăm năm trước, ông bà ta cũng đã biết “bắt trend” và truyền cho con cháu những kiểu ăn điệu nghệ như hẹ nước, rau chóc chấm nước cá kho; bông súng ăn với mắm kho hay trái bần chua kèm với mắm sống, trái chuối chát ăn với mắm chưng... Tất cả làm nên mỹ vị phương Nam, một kiểu ăn, kiểu thưởng thức ẩm thực riêng có.

Trở lại “trend” ẩm thực của giới trẻ hiện nay, có lẽ chẳng quá lo nếu không phản cảm và không tổn hại đến sức khỏe. Ẩm thực là sự sáng tạo không ngừng, không biên giới. Biết đâu nhờ đó, danh mục đặc sản ẩm thực Nam Bộ lại được bổ sung những món ăn “lạ mà quen”. Bên cạnh đó, sự mới lạ, hợp thời này cũng tạo nên sản phẩm du lịch đặc trưng cho du khách, với mùa nào thức đó!

Chia sẻ bài viết