04/04/2020 - 06:47

Bài toán chi tiêu thời COVID 

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều gia đình có vợ hoặc chồng phải nghỉ việc hoặc chuyển công việc khác, giảm thu nhập. Trước khó khăn tạm thời, nhiều chị em không khỏi lo lắng nhưng cũng có người bình tĩnh, giải quyết rất khoa học, chi tiêu hợp lý, đảm bảo sức khỏe gia đình trong phòng, chống dịch…

Nhiều khó khăn, xáo trộn

Nhiều chị em chọn giải pháp chuẩn bị ăn sáng tại nhà để tiết kiệm chi tiêu, vừa góp phần phòng chống dịch bệnh. Ảnh: CTV

Chị Nguyễn Thị Nhung, ở quận Bình Thủy, chia sẻ, ông xã chị làm tài xế xe khách, thu nhập trên 10 triệu đồng mỗi tháng. Chị làm công chức nhà nước, lương cộng các khoản khác gom lại khoảng 5 triệu đồng/tháng. Anh chị có 2 con. Cách nay 3 tháng, khi các con phải nghỉ học ở nhà phòng dịch bệnh, chị đề nghị ông xã nghỉ làm, vừa giúp chị chăm con vừa đảm bảo sức khỏe vì chị ngại công việc tài xế xe khách đi lại nhiều, nguy cơ lây nhiễm bệnh cao. Chị Nhung nói: “Mặc dù thu nhập của chồng cao nhưng tôi nhận thức rằng công việc của ảnh sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh nên đành chấp nhận thiệt hại về kinh tế để đảm bảo sức khỏe cho chồng cũng như cả nhà, cộng đồng”.

Chị Nguyễn Thị Thảo, giáo viên một trường mầm non tư thục tại quận Cái Răng, cho biết: “Ông xã kinh doanh tự do, thu nhập mỗi tháng 6 triệu đồng. Thu nhập của giáo viên mầm non cũng tương đương 5 triệu đồng mỗi tháng. Khi diễn ra dịch bệnh, nhà trường cho nghỉ. Tháng đầu, nhà trường hỗ trợ 1,5 triệu đồng cho mỗi giáo viên. Kể từ tháng thứ 2 trở đi thì không còn được hỗ trợ. Trong khi đó, tôi phải chăm lo bà ngoại đã ngoài 80 tuổi và 2 đứa con nhỏ. Kinh tế gia đình rất khó khăn”.

Chị Võ Thị Hồng Ánh, nhân viên pháp chế của một công ty tại Vĩnh Long kể, 1-2 tháng đầu ảnh hưởng dịch bệnh, công ty chị cắt giảm nhân sự, giảm lương. Rồi đến tháng 3, công ty vừa thông báo tạm ngưng hoạt động để chống dịch. Chị Ánh nói: “Đến nay, tôi vẫn chưa nhận được tiền lương tháng 2. Còn lương tháng 3 thì chưa biết giải quyết thế nào, trong khi tôi cần tiền để trang trải nhiều khoản chi tiêu trong gia đình…”. Còn chị Nguyễn Thị Hồng Loan, ở quận Ninh Kiều, làm tại một công ty viễn thông, ông xã làm du lịch. Mấy tháng qua, du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, thu nhập giảm đáng kể. Anh chị hiện có 1 con nhỏ đang học tiểu học. Ngoài ra, còn phải trả tiền vay ngân hàng vì trước đó đã vay cất nhà. Cuộc sống gia đình chị không còn thoải mái như trước.

Vén khéo chi tiêu

Mất đi một khoản thu nhập lớn, bài toán chi tiêu phải được các chị cân nhắc cẩn thận. Chị Nguyễn Thị Nhung kể: “Ngay từ khi chồng tôi nghỉ việc, vợ chồng tôi lên kế hoạch sắp xếp lại chi tiêu. Trước kia ăn sáng ở ngoài thì bây giờ chuyển sang nấu điểm tâm ở nhà, vừa tiết kiệm vừa bảo đảm vệ sinh cho cả gia đình. Tôi cũng muối thêm kim chi, hột vịt để ăn lâu dài”.

Chị Nguyễn Thị Thảo nói, sau tháng đầu nghỉ việc chờ đi làm lại, chị liên hệ với phụ huynh trong lớp có nhu cầu gởi con, chị nhận giữ 1 bé tại nhà, tiền công được trả tương đương với lương của chị khi đi làm. Nhờ vậy, chị Thảo không còn nặng nề lo chi tiêu.

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn tìm được công việc thời vụ đúng chuyên môn, thu nhập ổn định như chị Thảo. Chị Thảo chia sẻ thêm, một số bạn đồng nghiệp của chị tổ chức mua nông sản khoai lang, rau củ, cá khô và bán qua mạng, rất hiệu quả, được phụ huynh và cộng đồng mạng ủng hộ nhiệt tình.

Chị Hồng Ngọc, ở quận Bình Thủy, cũng có cách kiếm tiền thời COVID khá hiệu quả. Chị nói: “Trước kia tôi làm sữa chua, bánh plan bán qua mạng. Nay dịch bệnh, tôi nhận nấu thêm thức ăn: thịt kho hột vịt, cá chiên sốt cà; nhận nấu theo đơn đặt hàng của khách và giao hàng tận nơi nên có một lượng khách ổn định. Công việc giúp tôi có thu nhập hơn 3 triệu đồng mỗi tháng”. Còn với chị Hồng Loan, để cân đối chi tiêu, vợ chồng chị cắt luôn khoản cà phê, không quán xá. Nhờ tiết kiệm các khoản, suốt 3 tháng qua gia đình chị Loan vẫn đảm bảo chi tiêu cân đối, không bị ảnh hưởng nhiều.

Chị Hồng Phương, ở quận Cái Răng, là giáo viên của một trường cấp 2, ông xã chị mở quán cà phê kinh doanh tại nhà. Mấy tháng nay do dịch bệnh, chị nghỉ dạy ở nhà phụ chồng buôn bán. Tuy nhiên, khi địa phương tuyên truyền quán xá tạm nghỉ bán để phòng chống dịch bệnh, kinh tế gia đình chị bị ảnh hưởng khá nhiều. Để khắc phục, chị Phương cho biết: “Tôi chuyển sang bán cà phê mang đi. Tuy thu nhập có giảm nhưng vẫn đảm bảo cuộc sống. Quan trọng hơn là chấp hành tốt chủ trương không tụ tập đông người, góp phần chống dịch bệnh”.

Dịch bệnh vẫn còn kéo dài, những khó khăn mà các gia đình sẽ trải qua còn nhiều. Tuy nhiên, tin rằng với bản lĩnh, sự vén khéo, giỏi giang, các chị em hoàn toàn có thể quán xuyến chi tiêu hợp lý để giúp gia đình vượt qua khó khăn; đồng thời, vừa góp phần ổn định tình hình, chung tay góp sức cùng cộng đồng phòng chống dịch COVID-19.

Tâm Khoa

Chia sẻ bài viết