01/11/2017 - 21:42

Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn thành phố:

Bài học kinh nghiệm từ bão Linda: không chủ quan, lơ là trong công tác phòng tránh 

Cách đây tròn 20 năm, ngày 2-11-1997, cơn bão số 5 (tên gọi quốc tế bão Linda) đổ bộ vào vùng biển các tỉnh ĐBSCL, khiến hơn 3.000 ngư dân thiệt mạng và mất tích. 20 năm trôi qua, những mất mát, thiệt hại này vẫn còn in sâu trong tâm trí người dân vùng ĐBSCL. Các hoạt động tưởng niệm nạn nhân thiệt mạng được diễn ra ở nhiều địa phương bị ảnh hưởng như lời nhắc nhở mọi người dân, các cấp, các ngành không chủ quan, lơ là trong công tác phòng tránh thiên tai. Phóng viên Báo Cần Thơ có cuộc trao đổi với ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Kiêm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) thành phố, ông cho biết:

Bão Linda được nhìn nhận là cơn bão thảm khốc nhất ở miền Tây Nam bộ trong vòng 100 năm. Hình thành ngày 31-10-1997 trên khu vực Nam biển Đông (một vùng áp thấp nhiệt đới). Trưa ngày 1-11-1997 áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, cơn bão số 5 (Linda). Bão di chuyển nhanh chủ yếu theo hướng Tây, đến 12 giờ ngày 2-11-1997 tâm bão đi qua phía Nam của Côn Đảo với sức gió cấp 10, giật cấp 11,12. Đến tối ngày 2-11-1997, bão đi vào vùng bờ biển Cà Mau, Bạc Liêu và đổ bộ vào đất liền với sức gió mạnh nhất đạt cấp 8, cấp 9. Sáng 3-11-1997, bão đi sang vùng biển Cà Mau - Kiên Giang và đi về phía Tây vịnh Thái Lan.

Theo số liệu ghi nhận, bão Linda đã làm 778 người chết, 2.123 người mất tích, 1.232 người bị thương; 107.892 nhà bị sập; 2.897 tàu thuyền bị chìm; 1.856 tàu thuyền bị hư hỏng... Tổng thiệt hại về vật chất trên 7.200 tỉ đồng.

Vào thời điểm đó, tỉnh Cần Thơ cũ (nay là TP Cần Thơ) cũng bị ảnh hưởng do tác động của bão Linda, nhiều ngôi nhà bị tốc mái, xiêu vẹo; cây cối, hoa màu bị ngã đổ... Tuy nhiên, do vị trí địa lý nằm sâu trong đất liền nên tình hình thiệt hại ít hơn nhiều so với các tỉnh ven biển như: Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang..., nhưng bão Linda vẫn là bài học kinh nghiệm sâu sắc cho cả vùng ĐBSCL.

* Từ sau bão Linda, thành phố rút ra kinh nghiệm gì để ứng phó, phòng chống thiên tai, thưa ông?

- Chúng ta nhận thấy, Linda là cơn bão gây ra thiệt hại hết sức nặng nề, nhất là về người đang đánh bắt trên biển, về phương tiện tàu thuyền, về nhà cửa và mùa màng... Sau cơn bão Linda cần rút ra bài học kinh nghiệm là không thể chủ quan, lơ là trước mọi diễn biến thiên tai; luôn luôn chủ động phòng ngừa bằng việc xây dựng và phê duyệt các phương án, kế hoạch ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn thành phố.

Hiện đại hóa công tác dự báo là cần thiết nhất, đặc biệt là đối với dự báo bão và áp thấp nhiệt đới; đảm bảo dự báo được hướng, tốc độ di chuyển và cường độ của bão trước thời điểm xảy ra ít nhất 72 giờ để chủ động triển khai các phương án phòng, chống bão hiệu quả. Phải thường xuyên cập nhật thông tin từ các bản tin dự báo, thông báo kịp thời cho các đơn vị, tổ chức, người dân về vị trí và diễn biến của bão, áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Các cấp, các ngành tăng cường tổ chức tuyên truyền, diễn tập về công tác phòng chống thiên tai; phổ biến kinh nghiệm phòng chống thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng đến người dân nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Tổ chức, trang bị đầy đủ các phương tiện, thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi thiên tai xảy ra.

Khi có thiên tai xảy ra phải chủ động ứng phó và nhanh chóng khắc phục hậu quả theo phương châm “Bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ - lực lượng tại chỗ - vật tư, phương tiện tại chỗ - hậu cần tại chỗ); chủ động dự trữ lương thực, thuốc men (bao gồm cả thuốc và hóa chất xử lý nguồn nước), nhu yếu phẩm đến từng khu vực, từng ấp; huy động các lực lượng sẵn sàng chi viện cho các địa phương để ứng phó với các tình huống khi bị thiên tai.

Sạt lở bờ sông thường xuyên xảy ra trên địa bàn TP Cần Thơ. Trong ảnh: Bờ sông Cần Thơ (huyện Phong Điền) bị sạt lở, gây thiệt hại tài sản, ảnh hưởng sinh hoạt của người dân.

* Thời tiết biến đổi bất thường, ngày càng khắc nghiệt, khó lường hơn, thành phố có những giải pháp nào để ứng phó, khắc phục, thưa ông?

- Trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai ở ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng, diễn biến ngày càng phức tạp, có chiều hướng tăng lên cả về cường độ, tính bất thường và mức độ nguy hiểm. Trên địa bàn TP Cần Thơ hằng năm đều xảy ra các loại thiên tai chủ yếu như: sạt lở bờ sông, lốc xoáy, ngập lụt, sét đánh... Trong các loại thiên tai kể trên, trong những năm gần đây thiệt hại do sạt lở bờ sông và lốc xoáy gây ra trên địa bàn thành phố là rất nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về sinh mạng và tài sản của nhân dân.     

Cụ thể, tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn thành phố trong giai đoạn 2010-2016 là: 57 người chết; 21 người bị thương;  476 căn nhà bị sập, hư hại; 1.061 căn nhà bị tốc mái, xiêu vẹo... Tại các địa phương bị thiệt hại, ảnh hưởng do thiên tai, UBND thành phố, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố, các sở, ban, UBND các quận, huyện... đã quán triệt và thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ” và “Ba sẵn sàng” nên công tác khắc phục thiệt hại được khẩn trương thực hiện, đạt kết quả, góp phẩn ổn định đời sống nhân dân. Tổng số tiền hỗ trợ thiệt hại cho nhân dân và khắc phục khẩn cấp các công trình bị ảnh hưởng do thiên tai gây ra trên địa bàn thành phố từ Quỹ phòng, chống lụt bão (của thành phố) từ năm 2009 đến năm 2017 gần 6 tỉ đồng.

* Hằng năm, thành phố có kế hoạch gì để phòng chống thiên tai đạt kết quả tốt nhất, thưa ông?

- Nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống thiên tai trên địa bàn thành phố là: phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả.

Hằng năm, trước khi bước vào mùa mưa, lũ, bão, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp trên địa bàn thành phố đều tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác PCTT&TKCN của năm trước, thông qua đó tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác chỉ đạo, điều hành PCTT-TKCN, phát huy những ưu điểm, những công việc mang lại hiệu quả thiết thực; làm rõ nguyên nhân những mặt còn hạn chế, yếu kém để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục. Đồng thời xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong năm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Bên cạnh đó, UBND TP Cần Thơ đều ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ huy PCTT-TKCN, nhằm nâng cao trách nhiệm chỉ đạo, chỉ huy của từng thành viên, phát huy sức mạnh tổng hợp để chủ động phòng, tránh kịp thời, xử lý trong mọi tình huống thiên tai. Đối với việc chủ động ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới: Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố đã chủ động xây dựng và phê duyệt phương án ứng phó với bão mạnh (bão có sức gió từ cấp 10 trở lên) trên địa bàn để chủ động ứng phó khi có bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra ảnh hưởng đến địa bàn.

Đối với việc chủ động ứng phó với sạt lở bờ sông, kênh rạch: Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố đã chủ động xây dựng và phê duyệt phương án ứng phó theo cấp độ rủi ro có thể xảy ra, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở bờ sông, kênh rạch gây ra; xây dựng kế hoạch di dời, sơ tán dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn; gia cố các đoạn bờ sông, kênh rạch có nguy cơ sạt lở theo phương châm “Bốn tại chỗ”... Ngoài ra, thành phố còn tập trung tuyên truyền, diễn tập về công tác phòng chống thiên tai; phổ biến kinh nghiệm phòng tránh thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng đến người dân nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng, ý thức phòng tránh và cùng cộng đồng có biện pháp chủ động phòng, tránh có hiệu quả...

* Xin cảm ơn ông!

HÀ VĂN (Thực hiện)

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa gửi thư đến đồng bào, chiến sĩ nhân 20 năm cơn bão số 5 đổ bộ vào ĐBSCL. Bức thư có đoạn: “Sau hai thập kỷ, nỗi đau của các gia đình bị mất người thân vẫn còn đó. Vào ngày này, tất cả chúng ta đều xúc động nhớ đến thời khắc đau thương đã xảy ra. Thay mặt Chính phủ, tôi gửi tới đồng bào, thân nhân các gia đình bị thiệt hại lời thăm hỏi, chia sẻ sâu sắc nhất. Đồng thời, tôi cũng ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của chiến sĩ và lực lượng phòng, chống thiên tai”. Và “Với bài học đắt giá từ cơn bão Linda, tôi kêu gọi đồng bào, chiến sĩ và các lực lượng phòng, chống thiên tai cả nước, trong đó có các tỉnh ĐBSCL cần đề cao cảnh giác, sẵn sàng, chủ động ứng phó với thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra”.

Chia sẻ bài viết