01/11/2017 - 15:11

Ký ức 20 năm bão Linda 

Vào ngày 2-11-1997, cơn bão số 5 (tên gọi quốc tế là bão Linda) đã đổ bộ vào đất liền nước ta, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.  Mau là địa phương chịu hậu quả nặng nề nhất, 128 người chết, 1.164 người mất tích và 601 người bị thương, 160.000 căn nhà sập, hư hỏng… tổng thiệt hại thời điểm đó là trên 2.700 t đồng. Ký ức 20 năm sau bão Lindanhững người ở lại đã biến đau thương thành sức mạnh.

Người đàn bà xóm biển

Về xóm biển ở xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, nơi có những người góa phụ đã chờ chồng suốt hai thập niên. Trong ký ức của chị Trần Thị Đào (ấp 3, xã Khánh Hội) vẫn nhớ như in cái ngày định mệnh bào Linda. Chị kể: “Chiều 3-11 năm đó, mưa như trút nước, tôi ôm 3 đứa con thơ nép bên hiên nhà, dõi về hướng biển chờ chồng đang đánh mẻ lưới cuối cùng. Bộ đàm vang lên, chồng tôi báo tàu đang vào bờ, nhưng sóng lớn quá phải neo lại. Chị gác máy chờ”. Bữa cơm chiều bỏ dở, đến tối cùng ngày, cảm giác bất an, chị Đào lại mở bộ đàm liên hệ lại với chồng nhưng không có tín hiệu phản hồi.

Chị Trần Thị Đào – Người đàn bà xóm biển

Đêm 3-11, chị Đào và nhiều phụ nữ ở xóm biển Khánh Hội thức trắng. Sáng hôm sau, trời vẫn mưa, sóng biển vẫn dữ dội. Chị Đào gửi 3 đứa con nhỏ về nhà ngoại, khóa chặt cửa ngôi nhà cây mà 2 vợ chồng tích góp dựng nên. Nổ máy, chị vươn khơi tìm chồng. Nhiều người khuyên chị không nên đi, vì biển động, nhưng chị vẫn lao về phía trước. Đến trạm kiểm soát tại cửa biển, lực lượng chức năng không cho tàu chị ra khơi, vì thông tin cơn bão vẫn còn đang kéo dài và có chiều hướng tăng mạnh. Quyết tâm tìm chồng, chị Đào ký giấy cam kết tự chịu trách nhiệm của bản thân. 4 ngày lênh đênh trên biển cả, mỗi lần nhìn thấy xác người nổi trên mặt biển, chị Đào mong rằng đó không phải chồng mình. Trong chuyến đi ấy, chị Đào cứu sống 18 ngư phủ khác nhưng không cứu được chồng mình.

Chị Đào không còn đủ sức để gượng dậy, ngôi nhà của 2 vợ chồng đã bị đổ sập, tan hoang. Chưa tìm được xác chồng, chị vẫn dõi mắt về về cửa biển đợi. Nhiều ngày sau đó, không còn nước mắt để khóc chị gượng dậy thay chồng nuôi con. Căn nhà lá được dựng lại trên chính nền đất cũ, bằng những cây tràm, tấm lá mà xóm giềng hỗ trợ. Hằng ngày, chị Đào dùng chiếc chài lưới của chồng, thứ còn xót lại duy nhất sau khi cơn bão để chài tôm, đổi gạo nuôi con. Tích góp dần, chị mua ghe, thay chồng đi biển. Với chị, biển vẫn đẹp khi lặng gió và ở nơi đó chị vẫn hy vọng sẽ được gặp lại chồng.

Suốt ngần ấy năm, chị vẫn đi biển, 3 đứa trẻ ngày nào còn ngơ ngác khóc cha, giờ đã trưởng thành, có cuộc sống riêng. “Nhiều người khuyên tôi nên đi thêm bước nữa. Nhưng chưa gặp lại chồng, tôi vẫn tin anh ấy còn sống”- chị Đào chia sẻ.

Đổi thay từ tâm bão

Theo con số thống kê của UBND xã Khánh Hội, sau khi cơn bão số 5 đi qua, vẫn có hơn 70% ngư dân bám biển. Hiện trên địa bàn xã Khánh Hội có 351 hộ dân, tham gia đánh bắt với 368 phương tiện tàu, thuyền.

Theo kế hoạch của UBND tỉnh Cà Mau, lễ tưởng niệm chính thức được tổ chức tại xã Khánh Hội (huyện U Minh) vào sáng ngày 2-11. Ngoài ra, thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) và thị trấn Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân) cũng tổ chức tưởng niệm để tưởng nhớ những người đã tử nạn trong cơn bão.

Ông Trần Văn Húa (80 tuổi, ấp 4, Khánh Hội) có 3 người con trai, 2 người con rể và 1 đứa cháu trai mất tích trong cơn bão Linda. Ông nhớ lại: “Khi đài báo bão, tôi dùng máy bộ đàm để liên lạc với các con, chỉ cho chúng kinh nghiệm để neo đậu thuyền, tránh bão nhưng mọi thứ dường như quá nhỏ bé”- ông Húa nghẹn ngào. Gượng dậy sau nỗi đau mất con, gia đình ông Húa vẫn bám biển mưu sinh, hiện ông có 2 tàu tham gia đánh bắt xa bờ. Theo ông Húa, giờ người đi biển vùng này đã trang bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ để đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản. Cập nhật thông tin thời tiết thường xuyên, tìm nơi trú ẩn an toàn hoặc nhanh chóng quay vào bờ khi hay tin có bão.

Ông Châu Minh Đảm, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hội, cho biết, bài học đau xót từ 20 năm trước, đã phần nào làm tăng thêm ý thức của người dân đi biển. Giờ đây, trên địa bàn xã hầu hết các phương tiên đánh bắt điều được trang bị đầy đủ các phương tiện cứu nạn cứu hộ theo quy định. Hiện xã Khánh Hội đã và đang cùng các ngành chức năng thực hiện xây dựng Khu neo đậu tránh trú bão kết hợp bến cá, dọc theo 2 bên bờ của tuyến Kinh Mới. Đồng thời, tiến hành xây dựng các khu dân cư để di dời các hộ sống trên đê, ven đê vào khu vực an toàn. Từ đầu năm 2017 đến nay, tổng sản lượng khai thác thuỷ, hải sản ở Khánh Hội là 19 ngàn tấn, đạt 86,36% so với chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của xã đề ra. Phấn đấu đến năm 2019, xã Khánh Hội sẽ đạt chuẩn Nông thôn mới.

Ông Trần Văn Húa thắp nhang cho 3 người con trai đã mất tích trong cơn bão Linda

Ở tâm bão giờ đây, những người ở lại, sống sót sau cơn bão họ giấu ký ức đau thương của 20 năm trước, gượng dậy mạnh mẽ hơn để đương đầu với những thách thức mới.

Bài, ảnh: Hoài Niệm

Chia sẻ bài viết