Theo các chuyên gia và cán bộ quản lý giáo dục, việc bố trí các giáo viên đơn môn dạy chung một môn tích hợp chỉ nên là giải pháp tình thế...
Giáo viên dạy môn lịch sử sẽ cần học bổ sung môn địa lý để có thể dạy trọn vẹn môn tích hợp Lịch sử và Địa lý. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)
Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường có thể bố trí các giáo viên đơn môn dạy chung một môn tích hợp khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, các nhà trường lại cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế. Trong tương lai, cần có đội ngũ giáo viên mới có thể đảm nhiệm trọn vẹn môn học này.
Phải có đội ngũ giáo viên dạy tích hợp
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, trong chương trình mới, môn tích hợp Lịch sử và Địa lý được thiết kế thành hai phân môn Lịch sử và Địa lý; chương trình môn Khoa học Tự nhiên được thiết kế thành bốn chủ đề khoa học, mỗi chủ đề thiên về kiến thức một ngành. Vì thế, khi triển khai chương trình, mỗi giáo viên có thể dạy phần nội dung phù hợp với ngành đào tạo của mình trên cơ sở phân công, phối hợp chặt chẽ với nhau.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 cho hay trong quá trình soạn thảo chương trình, năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức các đoàn đi khảo sát kinh nghiệm của các nước phát triển như Mỹ, Anh... Qua khảo sát cho thấy các quốc gia này cũng thực hiện dạy môn tích hợp theo hướng nhiều giáo viên đơn môn dạy từng phần trong một môn chung.
Tuy nhiên, từ thực tế triển khai tại cơ sở, lãnh đạo các nhà trường đều cho rằng việc các giáo viên đơn môn đảm nhiệm một phần trong dạy môn tích hợp chỉ là giải pháp tình thế. Trong thời gian tới cần đào tạo đội ngũ giáo viên có đủ trình độ để có thể đảm nhiệm cả môn tích hợp.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận Hà Đông, Hà Nội, nếu tổ chức dạy phân môn thì mới tích hợp được về kiến thức chứ chưa tích hợp được về phương pháp hay tổ chức giờ học. Vì thế cần có đội ngũ dạy liên môn để đảm bảo tính hệ thống của môn học.
Đây cũng là chia sẻ của ông Lại Trường Giang, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Theo ông Giang, trong những năm đầu, do chưa có đội ngũ giáo viên dạy tích hợp nên có thể chấp nhận bố trí hai hoặc ba giáo viên dạy cùng một môn. “Tuy nhiên, trong tương lai cần đào tạo giáo viên có kiến thức và kỹ năng để dạy liên môn để có thể dạy độc lập mỗi giáo viên một môn tích hợp,” ông nói.
Việc một giáo viên dạy trọn vẹn cả môn tích hợp không làm giảm số lượng nhu cầu giáo viên. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Thừa nhận điều này, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho hay: “Trước mắt bố trí như vậy do chưa có đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, phải tính đến đào tạo giáo viên liên môn để việc dạy và học thuận lợi và hiệu quả hơn. Cấp trung học cơ sở tính chuyên môn sâu về từng môn học không cần cao như ở bậc trung học phổ thông và cần tính liên môn hơn,” giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói.
Không giảm nhu cầu giáo viên
Trước một số ý kiến băn khoăn về việc nếu một giáo viên đảm nhận trọn một môn tích hợp sẽ dẫn đến thừa nhân lục, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho hay khi làm chương trình, ban soạn thảo đã phải tính đến cả yếu tố đội ngũ. Theo đó, việc đào tạo giáo viên để dạy liên môn không ảnh hưởng đến số lượng giáo viên hiện nay.
“Một môn tích hợp có số tiết dạy nhiều hơn số tiết của các môn đơn. Do vậy, nếu giáo viên đơn môn hiện nay phải dạy nhiều lớp mới đủ số giờ dạy quy định thì nếu dạy tích hợp, giáo viên đó sẽ dạy số lớp ít đi. Theo đó, khi giáo viên dạy trọn một môn tích hợp, tổng số giáo viên của một trường sẽ không thay đổi mà chỉ thay đổi về cách bố trí giờ dạy của các giáo viên trong trường đó,” ông Thuyết phân tích.
Cũng theo giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, các giáo viên có thể học thêm một số tín chỉ ở trường sư phạm để có thể một mình đảm nhiệm được việc dạy trọn vẹn một môn học. Việc học theo tín chỉ không đòi hỏi tập trung trong thời gian ngắn nên mỗi năm giáo viên có thể học một số tín chỉ tùy theo điều kiện của mình cho đến khi hoàn thành chương trình đào tạo. “Khối lượng kiến thức của bậc trung học phổ thông cũng không quá lớn nên điều này hoàn toàn có thể thực hiện được,” ông chia sẻ.
Từ thực tiễn công việc, cô Nguyễn Thị Thanh, giáo viên dạy môn Địa lý, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Bình Nguyên (tỉnh Thái Bình) cho hay do cả trường chỉ có một giáo viên dạy môn Địa lý nên cô phải đảm nhiệm dạy cả 11 lớp. Tình trạng cũng tương tự với giáo viên dạy môn Lịch sử.
“Vì vậy, nếu một giáo viên đảm nhiệm trọn vẹn cả môn Lịch sử-Địa lý thì số tiết không giảm nhưng số lượng lớp học một giáo viên đảm nhiệm sẽ có thể giảm đi một nửa. Điều đó sẽ thuận lợi hơn cho việc dạy và học vì giáo viên có thể hiểu rõ hơn tình hình học tập của từng lớp, từng học sinh, từ đó có giải pháp dạy phù hợp hơn,” cô Thanh nói.
Cũng theo cô Thanh, nếu phải đảm nhiệm thêm môn Lịch sử đồng nghĩa với việc cô sẽ phải học bồi dưỡng thêm kiến thức môn Lịch sử nhưng là điều có thể thực hiện. “Việc một giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng để dạy hai môn không phải là điều mới. Khi tôi học sư phạm, chuyên ngành của tôi là Địa-Công nghệ nên ra trường tôi có thể dạy được cả môn Địa lý và Công nghệ. Nhiều đồng nghiệp của tôi học sư phạm chuyên ngành Văn-Sử và giờ vừa dạy môn Ngữ văn, vừa dạy môn Lịch sử,” cô Thanh chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có đề án riêng về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới với sự đồng hành của 7 trường sư phạm trọng điểm và Học viện Quản lý Giáo dục. Một số trường sư phạm đã xây dựng các chương trình đào tạo mới đáp ứng yêu cầu của các giáo viên, sinh viên.
Bài 4: Trường sư phạm chuyển hướng đào tạo theo yêu cầu mới
Theo Phạm Mai (Vietnam+)