24/02/2019 - 15:54

Bác sĩ ơi, đừng đi nơi khác nhé…! 

Đó là câu nói thân thương của người bệnh, thân nhân người bệnh với bác sĩ Nguyễn Văn Sang, Trưởng Trạm y tế xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.

Bác sĩ Nguyễn Văn Sang khám bệnh cho người dân tại trạm y tế. Ảnh: H.HOA

Bác sĩ Nguyễn Văn Sang khám bệnh cho người dân tại trạm y tế. Ảnh: H.HOA

Dì Phan Kim Phụng ở xã Trường Long kể về bác sĩ Nguyễn Văn Sang với giọng đầy xúc động: “Bác Sang hay lắm. Mỗi lần người thân hay bản thân bị bệnh, việc đầu tiên là tôi điện thoại cho bác sĩ Sang. Lần tôi bị viêm gan C, khi nhận kết quả từ bệnh viện, tôi điện thoại cho bác sĩ Sang khóc nức nở. Sau khi bác sĩ tư vấn cặn kẽ về bệnh, tôi yên tâm điều trị và đến nay kết quả xét nghiệm âm tính”.

Dì Phụng biết bác sĩ Sang từ lần bác sĩ điều trị hen suyễn. Vốn bị bệnh hen suyễn từ nhỏ, dì thường hay bị tức ngực, khò khè, khó thở, tằng hắng... Nhờ bác sĩ Sang điều trị mà triệu chứng này khỏi hẳn. Không chỉ dì Phụng, ba ruột dì ngoài 90 tuổi bị tim, huyết áp, hen suyễn..., má chồng của dì Phụng mắc nhiều chứng bệnh như cao huyết áp, tiểu đường type II, hen suyễn, tai biến (nằm một chỗ)... Ông, bà hết đi bệnh viện tuyến trên điều trị, bớt về nhà, rồi lại đi. Sau mỗi đợt điều trị, do đi lại khó khăn, ăn uống kém nên ông bà yếu hơn. Gia đình quyết định mời bác sĩ đến nhà để khám bệnh cho ông, bà nhưng nhiều bác sĩ thay nhau đến mà bệnh tình cũng không thuyên giảm. Nghe tiếng bác sĩ Sang, dì Phụng điện thoại cầu cứu. Dì Phụng cho biết: “Khác với các bác sĩ trước, bác sĩ Sang cẩn thận khám cho ông, bà, xem toàn bộ các toa thuốc, xét nghiệm... và hỏi cặn kẽ tình hình sức khỏe, dinh dưỡng, các thói quen sinh hoạt của ông, bà. Sau đó, bác sĩ mới kê toa, giải thích bệnh tình cho người nhà và tư vấn cẩn thận cách dùng thuốc để phát huy hiệu quả mà hạn chế tác dụng phụ, cách sinh hoạt, chăm sóc... Nhờ sự tận tình của bác sĩ Sang, ba, má tôi sống thêm vài năm".

Không riêng gì gia đình dì Phụng, khi nhận được điện thoại của người dân, nhất là những bệnh nhân cao tuổi, bị tai biến khó di chuyển, sốt cao, co giật..., bác sĩ Sang không quản ngại đêm hôm đến tận nhà cấp cứu, điều trị. Có những bệnh nhân bị tai biến, nằm một chỗ, bác sĩ Sang theo dõi, điều trị tại nhà mười mấy năm trời. Với họ, bác sĩ Sang là người ơn, nhưng với bác sĩ Sang, đó là trách nhiệm, nghĩa vụ của người thầy thuốc.

Là trưởng trạm y tế nhưng bác sĩ Sang vẫn tham gia trực đêm cùng các nhân viên. Bác sĩ Sang chia sẻ: “Xã ở xa bệnh viện, đường sá đi lại còn khó khăn, có nhiều ấp trong xã xe cấp cứu chưa vào được nên khi nhận được điện thoại, mình cố gắng chạy xuống nhà để xem xét bệnh tình. Một số bệnh như choáng do hạ canxi, hạ đường huyết, sốt cao co giật…Đặc biệt là bệnh tăng huyết áp yếu liệt nửa người, nhồi máu não, xuất huyết não, tai biến mạch máu não, rất cần được sơ cứu đúng cách, chuyển bệnh an toàn nhanh, không để mất thời gian vàng nên phải cố gắng. Ngoài ra, nhiều cụ lớn tuổi, di chuyển rất khó khăn, cảnh nhà neo đơn nên rất cần được điều trị, tư vấn tại nhà. Mình cực chút mà người bệnh khỏe là vui rồi”.

Là bác sĩ duy nhất ở trạm y tế, việc cập nhật điều trị không được thường xuyên như các bệnh viện nhưng để điều trị hiệu quả cho người dân, bác sĩ Nguyễn Văn Sang luôn tích cực tự học hỏi. Trong điều trị, khi không đủ cận lâm sàng, xét nghiệm, việc điều trị không hiệu quả, bệnh nặng... phải chuyển lên tuyến trên, bác sĩ Sang luôn cẩn thận ghi lại số điện thoại của người bệnh, thân nhân. Sau đó, gọi hỏi thăm bệnh tình để xem việc chẩn đoán, hướng điều trị của mình có chính xác không, từ đó rút kinh nghiệm cho bản thân. Trong những chuyến đi cộng đồng, bác sĩ Sang thường ghé thăm các bệnh nhân đã điều trị ở tuyến trên để xem các toa thuốc, chẩn đoán và tư vấn thêm cho người bệnh hướng dự phòng, qua đó, cũng gián tiếp học hỏi thêm ở đồng nghiệp.

Bác sĩ Sang cũng thường xuyên lên mạng Internet để cập nhật kiến thức, phác đồ điều trị mới và tìm đọc thêm sách lâm sàng để nâng cao năng lực chuyên môn. Khi điều trị hết bệnh, bác sĩ Sang chú trọng tư vấn phòng bệnh hoặc phòng tái phát bệnh cho người dân. Ngoài ra, bác sĩ Sang luôn tìm tòi các bài thuốc đông y, cây thuốc nam có sẵn trong dân gian để kết hợp điều trị vừa đỡ tốn kém cho bệnh nhân vừa mang lại hiệu quả điều trị cao. 

Với vai trò là trưởng trạm y tế, bác sĩ Nguyễn Văn Sang gương mẫu, xây dựng tập thể trạm y tế đồng lòng, đoàn kết, cùng giúp nhau hoàn thành nhiệm vụ. Qua đó, đã xây dựng Trạm y tế xã Trường Long là đơn vị y tế cơ sở tiêu biểu nhiều năm liền của ngành y tế TP Cần Thơ. Trạm Y tế xã Trường Long là một trong sáu trạm y tế tiêu biểu của cả nước vinh dự đón nhận Bằng khen của Bộ Y tế về thành tích xuất sắc trong công tác chăm sóc sức khỏe tuyến cơ sở.

Sinh ra trong một gia đình làm nông ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, nhà xa trường, đi đò đi học. Hôm nào về muộn, trễ đò đành đi bộ. Ngoài giờ học, tiếp gia đình làm nông nên bác sĩ Nguyễn Văn Sang thấu hiểu những khó khăn, nhọc nhằn khi người dân nông thôn chẳng may bệnh tật. 19 năm gắn bó với Trường Long, mức lương ở trạm y tế còn thấp, trách nhiệm thì nhiều, vừa điều trị, vừa đi cộng đồng, vừa làm công tác quản lý, dù nhận không ít lời mời về công tác ở tuyến trên hoặc ở các bệnh viện tư với mức lương hấp dẫn nhưng bác sĩ Sang vẫn muốn làm việc ở trạm y tế. Bởi bác sĩ Sang tâm niệm: "Ở đâu thì thầy thuốc cũng mang trong mình sứ mệnh phòng bệnh và chữa bệnh cho dân. Chi bằng, dùng kiến thức của mình phục vụ cho người dân ở Trường Long, mảnh đất đã sinh ra và nuôi dưỡng mình đến ngày hôm nay".

H.HOA

Chia sẻ bài viết