20/03/2011 - 10:42

Ba Thắc Cổ Miếu

Sông Cửu Long từ Campuchia chảy qua địa phận Việt Nam chia làm hai nhánh là sông Tiền và sông Hậu. Xa xưa, khúc sông Hậu chảy ra biển có cửa Ba Thắc, khu vực gần cửa sông này gồm Sóc Trăng và một phần Bạc Liêu được gọi là Ba Thắc, người Pháp gọi Bassac. Ba Thắc xuất phát tiếng Khmer/Bàsàk/, trong cụm từ neak Tà Bàsàk, tức là ông Bàsàk (Ba Thắc, Bassak, Bá-sák, Bàsàk và Pra-Sak là một). Đến thế kỷ 18, Ba Thắc trở thành tên gọi riêng của mảnh đất Sóc Trăng. Bấy giờ, nơi đây gắn với loại lúa gạo mang tên Ba Thắc ngon nổi tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh cùng thương cảng Ba Thắc ra đời cũng nức tiếng một thời. Về sau, tên gọi Ba Thắc không tồn tại với Sóc Trăng, cũng như cửa sông Ba Thắc đã bị vùi lấp từ năm 1970, khiến sông Cửu Long chỉ còn 8 “con rồng” nhả nước ra biển khơi. Tuy nhiên, đến nay, tại Sóc Trăng vẫn còn một nơi tồn tại tên gọi Ba Thắc, ấy là Ba Thắc Cổ Miếu.

Ba Thắc Cổ Miếu thuộc địa phận ấp Chợ Cũ. Khi xưa, đây là huyện lỵ huyện Bãi Xàu (Mỹ Xuyên – Sóc Trăng) nên việc kinh doanh buôn bán khá sung túc. Còn bây giờ chỗ này gần như là một làng quê với con đường nhựa nhỏ chạy xuyên qua hai hàng cây trước hai dãy nhà thưa thớt. Từ đường nhựa, rẽ vào đường đất giồng với hai hàng tre dày mịt phủ ngọn khoảng 500m là đến Ba Thắc Cổ Miếu. Theo ông Ngô Văn Minh (Ba Minh), Phó ban quản trị Ba Thắc Cổ Miếu, thì miếu được khởi công vào năm 1927. Theo học giả Vương Hồng Sển, Ba Thắc Cổ Miếu “lúc đầu cất bằng cây theo kiến trúc Khmer. Năm 1927, ông Lê Văn Quạnh (hay Lê Văn Quạch – NV) là người gốc Tàu và một số thân hào trong vùng quyên tiền cho cất lại miếu theo kiến trúc Trung Hoa dạng “bán cổ - bán kim” làm mất đi di tích xưa”. Trải qua thời gian khá dài, Ba Thắc Cổ Miếu bị hư hao do bom đạn chiến tranh nên được trùng tu lần cuối vào năm 1995, như hiện nay, vẫn giữ hàng chữ “Pagode de Basac” trên tấm bảng xi măng trước cửa chánh điện. Nhìn tổng thể, Ba Thắc Cổ Miếu được xây dựng theo lối kiến trúc của người Triều Châu (Tiều), với bề ngang chừng 12m, sâu khoảng 13m, với một chánh điện cùng hai tai (nhà khách hai bên), trên diện tích 5.000m2.

Về nhân vật thờ trong miếu, Tạp chí Xưa Và Nay số 363 tháng 9-2010 (Xưa & Nay) cho biết: “Ở Bãi Xàu (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) trên đường đến chùa Tắc Giồng (Tham Đôn, Mỹ Xuyên) có ngôi miếu cổ thờ thần Ba Thắc (neak Tà Bàsàk). Tương truyền có một hoàng tử người Lào (có thể mẹ là người Lào), không biết vì lý do gì ông đến ngụ và mất nơi đây. Được dân làng dựng miếu thờ, đến nay vẫn còn, người Việt gọi là “Ba Thắc Cổ Miếu”, tiếng Khmer gọi là “Vat Luong Bàsàk”. Ông Ba Minh cũng cho biết gần giống như vậy: chánh điện Ba Thắc Cổ Miếu thờ ông Bassac – Hoàng tử Lào. Có người địa phương kể khác: Vào thế kỷ 18, ông Bassac cùng vợ là Công chúa nước Lèo (Lào) vì phạm tội với triều đình bên đó nên lên thuyền trốn đi. Tới cửa Vàm Tấn, thuyền bị sóng bão đánh dạt vào cửa biển Trấn Di (nay là Trần Đề), cả đoàn lên bờ tạm trú. Từ đó, mảnh đất này có tên Sóc Lèo (nay là xã Lịch Hội Thượng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) trên văn bản hành chánh bấy giờ. Vợ chồng ông lạc tới Bãi Xàu (Srock Bai Chau) định cư. Với tài lực, vợ chồng ông biến mảnh đất này thành nơi trù phú. Khi ông qua đời, để tưởng nhớ công ơn, người ta xây chùa thờ ông. Đó là chùa Bốn Mặt, được gọi là Ba Thắc Cổ Miếu.

Ba Thắc Cổ Miếu với cây tra lâm vồ khoảng 200 năm tuổi. 

Nói về ngôi Ba Thắc Cổ Miếu, Tiến sĩ Trịnh Công Lý (Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Sóc Trăng) không xác định người được thờ trong miếu là ai, nhưng ông dự đoán: “Có giả thuyết cho rằng nơi này từng là nơi giao tranh giữa quân Xiêm với quân Tây Sơn. Chuyện không rõ thực hư và sử sách cũng không thấy ghi lại. Chỉ biết rằng, trong khuôn viên chùa, từ nhiều năm nay, cứ vào mùa mưa nước chảy làm lộ lên nhiều xương, cốt người. Nhà chùa phải nhặt xương gom lại đặt trong cái quách để nhang khói cho những vong linh vô chủ. Năm 2008, ban quản trị chùa đã cho xây một ngôi mộ chung và để 2 cái quách lớn chứa nhiều hài cốt vào trong. Hiện nay sân chùa đã được lót đan xi măng nên không còn phát hiện hài cốt nữa. Có thể dưới lớp giồng cát và dưới những tấm đan kia vẫn còn nhiều bộ hài cốt”.

Về hiện tượng xương cốt trồi lên sau những cơn mưa tại Ba Thắc Cổ Miếu, tác giả Quách Tấn – Quách Dao giải thích:

“Nguyễn Phúc Ánh sang Xiêm vào khoảng tháng Giêng năm Giáp Thìn (1784).

Vua Xiêm tiếp đãi nồng hậu.

Nước Xiêm lúc bấy giờ ở dưới triều vua Chất Tri (Chakkri) đương lúc thịnh vượng và đương nuôi tham vọng nuốt Chân Lạp và Gia Định để mở rộng cõi bờ. Được Nguyễn Phúc Ánh xin cứu viện, vua Xiêm chụp ngay cơ hội tốt.

Để chuẩn bị cuộc xâm lăng, vua Xiêm giúp Nguyễn Phúc Ánh tổ chức một đạo binh gồm đám tàn quân và bọn người Việt lưu vong trên dưới nghìn người do Châu Văn Tiếp làm Đại đô đốc và Mạc Tử Sinh (Sanh) làm Tham tướng.

Mùa hạ năm Giáp Thìn (1784), vua Xiêm sai cháu là Chiêu Tăng làm chủ tướng và Chiêu Sương làm tiên phong, thống lĩnh hai vạn thủy quân và 300 chiến thuyền, hợp cùng đạo quân của Phúc Ánh từ Vọng Các vượt biển sang Gia Định. Đồng thời nhà vua lại phái hai tướng là Lục Côn và Sa Uyển cùng với Chiêu Thùy Biện, một cựu thần Chân Lạp thân Xiêm, đem hai đạo binh trên 3 vạn người, tiến hành sang Chân Lạp rồi từ đó kéo xuống Gia Định phối hợp cùng thủy binh của Chiêu Tăng và Chiêu Sương.

(...)

“Quân Xiêm kéo vào Gia Định một cách rầm rộ.

 Một trong hai cây phượng hàng trăm năm tuổi trên sân cổ miếu.

Trấn thủ Gia Định là Trương Văn Đa thấy sức giặc quá mạnh, ra lệnh cho các nơi vừa chận đánh vừa rút lui từng bước để bảo toàn lực lượng.

Quân Tây Sơn giữ đạo Kiên Giang ở Rạch Giá và đạo Châu Đốc ở biên cương rút về Cần Thơ. Quân giặc đuổi theo. Quân Tây Sơn theo bờ Hậu Giang lui dần xuống Ba Thắc.

Ba Thắc (Srok Pra-Sak) là một vùng rộng lớn bao trùm Sóc Trăng, Bạc Liêu... Đất đai phần lớn là rừng và bưng biền nước ngập.

Quân Xiêm đuổi đến Ba Thắc bị quân Tây Sơn phục kích đánh cho một trận tơi bời phải thối lui”.

(“Nhà Tây Sơn”, tr. 91-93, Bảo tàng Quang Trung Bình Định, 2002).

Mọi việc đang chờ các nhà khoa học giải mã.

Mỗi năm Ba Thắc Cổ Miếu tiến hành lễ cúng vào các ngày 21, 22 (chính) và 23 tháng 2 Âm lịch, thu hút vài ngàn người tham dự. Lễ cúng gồm heo quay, xôi, trái cây và nhang đèn, có ông lục chùa Watt Luong Bassac tới “sáp môl” (đọc kinh cầu an). Đặc biệt, Tết Nguyên đán năm nào miếu cũng có khoảng 5.000 khách tứ xứ tới chiêm bái.

Bài, ảnh: CÚC TẦN

Chia sẻ bài viết