07/04/2022 - 08:20

Bà Le Pen thách thức vị thế ông Macron 

TRÍ VĂN

Các cuộc thăm dò bầu cử Pháp mới đây cho thấy, tỷ lệ ủng hộ nhà lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen đang tăng nhanh và thu hẹp khoảng cách đáng kể với đương kim Tổng thống Emmanuel Macron.

Bà Le Pen phát biểu trước người ủng hộ. Ảnh: Guardian

Sau một thập niên cố gắng loại bỏ hình ảnh không mấy thân thiện của đảng Mặt trận Quốc gia Pháp, bà Le Pen đang nhận được sự ủng hộ cao trong các cuộc thăm dò ý kiến. Kết quả thăm dò của Viện Thăm dò dư luận Pháp cho thấy, tỷ lệ ủng hộ ông Macron đạt 53%, so với 47% của bà Le Pen. Ðáng chú ý, trong cuộc bầu cử lần này, bà Le Pen trở thành nhân vật chính trị được yêu thích thứ hai ở Pháp, sau cựu Thủ tướng Edouard Philippe trong cuộc khảo sát hàng tháng mới nhất của Viện Elabe.

Theo tờ Guardian, chính việc bà Le Pen “đánh” vào các vấn đề về chi phí sinh hoạt của người dân đã tạo tiếng vang với hàng triệu người dân Pháp đang phải vật lộn để kiếm sống sau khi giá gas tăng hơn 35% trong năm qua, qua đó giúp bà “được lòng” công chúng. Bên cạnh đó, bà không ngừng tập trung vào các vấn đề kinh tế, cam kết đánh thuế lao động nước ngoài để mang đến lợi ích cho người Pháp, duy trì tuần làm việc 35 tiếng và  nghỉ hưu ở tuổi 62.

“Mọi người từng nghĩ bà Le Pen là kẻ xấu xa. Bây giờ họ nhận ra rằng bà không phải như vậy. Các chính trị gia khác đang tiếp thu ý tưởng của bà. Tôi cảm thấy xã hội đang căng thẳng và bị chia rẽ nhưng bà Le Pen sẽ làm dịu mọi chuyện” - Elisabeth, 68 tuổi, người từng bỏ phiếu cho phe cánh tả, nói về bà Le Pen. Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin nhận định: “Bà ấy là một đối thủ đáng gờm, có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay” .

Trong cuộc bầu cử lần này, bà Le Pen tuyên bố nếu chiến thắng sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về nhập cư và viết lại Hiến pháp để đảm bảo rằng “Nước Pháp chỉ dành cho người Pháp”. Theo đó, người Pháp bản địa sẽ được ưu tiên hơn người nước ngoài về phúc lợi, nhà ở, việc làm và chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, bà bày tỏ mối lo ngại về tình trạng bất ổn và tội phạm, sự bất bình đẳng xã hội cũng như mối đe dọa ngày càng tăng của chủ nghĩa Hồi giáo.

Raphaël Llorca, nhà tư vấn truyền thông tại công ty tư vấn Fondation Jean Jaurès, cho rằng giọng điệu của bà Le Pen trong cuộc bầu cử năm nay có nhiều khác biệt so với 2 kỳ bầu cử trước. Theo ông này, trong các chiến dịch bầu cử trước đây, bà Le Pen theo chủ nghĩa dân túy, đại diện người dân chống lại giới tinh hoa theo cách rất hung hăng. Giờ đây bà cho rằng sự chia rẽ và xung đột sẽ không mang lại hiệu quả.

Trong khi đó, việc Tổng thống Macron tham gia chiến dịch tranh cử muộn màng và tập trung vào vấn đề Ukraine đã khiến ông gặp phải nhiều thách thức. Theo thời báo New York, nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt chiến sự ở Ukraine đã tiêu tốn nhiều thời gian của ông Macron, đến nỗi ông không có nhiều thì giờ dành cho cuộc bầu cử sắp tới. Trong các cuộc thăm dò gần đây, tỷ lệ ủng hộ ông Macron đã giảm từ 2-3%. Không những vậy, ông còn bị chỉ trích vì từ chối tranh luận với các ứng viên khác cũng như hứng phải làn sóng phê phán về cách đối phó đại dịch COVID-19. 

“Thật là ảo tưởng khi ông Macron giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm nay. Tỷ lệ phiếu trắng cao cùng với việc nhiều người căm ghét ông có thể dẫn đến một bất ngờ thật sự. Quan điểm cho rằng bà Le Pen giành chiến thắng không phải là không khả thi” - Nicolas Tenzer, giảng viên môn khoa học chính trị tại Viện Nghiên cứu Chính trị Paris, nhận định. Từng là nhà lãnh đạo ngân hàng, ông Macron thường bị giới chỉ trích mô tả là "tổng thống của người giàu" và giờ đây ông sắp đối diện với ngày bầu cử 10-4 đầy cam go.

Chia sẻ bài viết