11/05/2020 - 19:46

Ba Lan chờ ngày bầu cử mới 

Hôm 10-5, Ủy ban bầu cử quốc gia Ba Lan tuyên bố quốc hội nước này có hai tuần để ấn định ngày bỏ phiếu mới cũng như tổ chức cuộc bầu cử tổng thống trong vòng 60 ngày kể từ khi có thông báo.

Những ngày gần đây, việc tổ chức bầu cử trở thành đề tài tranh luận gay gắt ở Ba Lan. Hồi đầu tháng 4, đảng cầm quyền Pháp luật và Công lý (PiS) nhiều lần khẳng định cuộc bầu cử tổng thống cần phải diễn ra trước ngày 23-5 khi nhiệm kỳ 5 năm của Tổng thống Andrzej Duda kết thúc. Hạ viện do PiS kiểm soát đã thông qua hình thức bỏ phiếu qua đường bưu điện nhằm xoa dịu mối quan ngại về sức khỏe trong bối cảnh dịch COVID-19 lan nhanh tại quốc gia Trung Âu.

Tổng thống Duda cùng phu nhân trong một buổi vận động tái tranh cử ở thủ đô Warsaw. Ảnh: AP

Tuy nhiên, phe đối lập kiên quyết muốn chính phủ duy trì tình trạng khẩn cấp để hoãn cuộc bầu cử một cách hợp pháp. Các nhà phê bình chỉ trích PiS đặt lợi ích chính trị lên trên sức khỏe cộng đồng khi muốn tổ chức bầu cử đúng thời hạn. Thượng viện dưới quyền của phe đối lập sau nhiều tuần trì hoãn đã bác dự luật bỏ phiếu qua thư, khiến chính phủ không đủ thời gian tổ chức bầu cử. “Cuộc bầu cử nếu tiến hành sẽ là một cuộc đảo chính không chỉ chống lại nền dân chủ mà còn là vấn đề đời sống và sức khỏe người dân Ba Lan” - ứng viên tổng thống đảng trung hữu Diễn đàn Công dân Malgorzata Kidawa-Blonska chỉ trích.

Kế hoạch bầu cử của PiS cũng vấp phải “tẩy chay” từ 9 cựu thủ tướng và tổng thống Ba Lan khi cho rằng hình thức bỏ phiếu như trên có thể vi hiến và không đảm bảo bí mật cử tri. Nhiều nhà lập pháp Liên minh châu Âu (EU) gần đây cũng chỉ trích hình thức bỏ phiếu qua thư mà Chính phủ Ba Lan đề xuất hoàn toàn không phù hợp với các giá trị châu Âu.

Dưới áp lực từ nhiều phía, cuộc bầu cử tổng thống Ba Lan theo kế hoạch diễn ra ngày 10-5 rốt cuộc bị hoãn lại. Đây cũng là lần đầu tiên Warsaw buộc phải kéo lùi thời hạn bầu cử tổng thống sau hơn 3 thập niên thiết lập nền dân chủ. 

Toan tính của đảng PiS cầm quyền

Theo ý kiến của một số lãnh đạo đối lập, tổ chức cuộc bầu cử “tự do, công bằng và an toàn” là điều không thể khi Ba Lan đang trong tình trạng cách ly xã hội để kiểm soát dịch COVID-19. Nhà khoa học chính trị Stanislaw Mocek còn cho rằng chính phủ lẽ ra phải tuyên bố tình trạng “thảm họa tự nhiên” để hoãn cuộc bầu cử theo Hiến pháp. Phía PiS đã lên tiếng bác bỏ với lý do tình hình dịch bệnh ở Ba Lan chưa nghiêm trọng đến mức phải dùng đến biện pháp trên. Đảng này cũng ngụ ý nhà nước sẽ khó đáp ứng khoản yêu cầu bồi thường của các tập đoàn đa quốc gia hiện diện tại Ba Lan nếu ra tuyên bố tình trạng “thảm họa tự nhiên”.

Bất chấp lập luận từ đảng cầm quyền, phe đối lập tin rằng PiS sở dĩ muốn sớm tổ chức bầu cử là để đảm bảo khả năng Tổng thống Duda tái đắc cử, giúp duy trì chương trình nghị sự bảo thủ và cải cách tư pháp gây tranh cãi và vấp phải chỉ trích từ EU. Là đồng minh của những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Ba Lan, ông Duda bỏ xa 9 ứng viên khác trong nhiều cuộc thăm dò và được dự đoán giành lấy nhiệm kỳ hai với tỷ lệ 65% phiếu bầu trong vòng bỏ phiếu đầu tiên nếu bầu cử diễn ra đúng hạn. Ngược lại, khảo sát cho thấy vị tổng thống bảo thủ chỉ giành được 39% phiếu bầu một khi bầu cử diễn ra muộn hơn sau khi tình hình COVID-19 ổn định, đồng nghĩa ông phải bước vào vòng bỏ phiếu thứ hai. Đây sẽ là thử thách cam go khi người dân bắt đầu cảm nhận hậu quả về kinh tế-xã hội từ đại dịch.

Tính tới chiều 11-5, số ca nhiễm COVID-19 tại Ba Lan đã vượt 16 ngàn với hơn 800 người tử vong.

MAI QUYÊN (Theo AFP, Reuters)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Ba Lanbầu cử